Với hơn 40 năm làm báo kinh tế, khoảng 10 năm phụ trách chuyên mục “Sự kiện và bình luận” trên báo Xây dựng và viết không dưới 1.000 bài báo liên quan đến lĩnh vực bất động sản, tôi vẫn chưa bao giờ ngơi ngớt lo lắng về hệ thống quản lý tài sản công của đất nước mình.
Đất nước đã nghèo mà hệ thống quản lý tài sản này lại sơ sài quá, dễ ban phát cho nhau quá, dễ tham ô tham nhũng quá, dễ đùn đẩy trách nhiệm quá..., khiến của cải thất tán khắp nơi, làm sao mà mở mày mở mặt?
Bài học ở Thủ Thiêm (TP.HCM) một lần nữa lại nhói lên điều ấy.
Nhiều người cho rằng, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực bất động sản ở nước ta hiện nay đã khá đầy đủ và đang hình thành một môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện. Vậy “hệ thống” trong những vụ việc tương tự như vụ Thủ Thiêm này là “hệ thống” nào, gồm những gì và “lỗi” ở những khâu nào mà “dám” gây náo loạn xã hội như vậy?
Thật là khó khăn khi một vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh lại chỉ gói gém trong một bài báo. Tuy nhiên, với tư cách là một bình luận viên của Reatimes, tôi xin nói lên ý kiến của mình.
Có lẽ cần nêu đầu tiên trong “lỗi hệ thống” này được nhắc đến là sự thiếu coi trọng quản lý tài sản quốc gia, mà những phân tích dưới đây chỉ xin nêu trong lĩnh vực đất đai.
Có một câu chuyện được truyền miệng vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20: Một cán bộ cao cấp của ta hỏi kinh nghiệm một quan chức cao cấp Đài Loan làm thế nào dự trữ ngoại tệ của Đài Loan lên tới trên 90 tỷ USD thì được trả lời rằng: Con số đó quá nhỏ bé so với Việt Nam. Bởi vì hầu hết đất đai của Đài Loan nằm trong tay tư nhân, Nhà nước muốn dùng thì phải mua lại. Còn đất đai ở Việt Nam nằm trong tay Nhà nước. Đó là nguồn dự trữ quốc gia vô cùng lớn nếu được đầu tư và khai thác tốt.
Rồi khoảng 10 năm sau, tại hội thảo Phát triển và quản lý thị trường bất động sản hồi giữa tháng 9/2003, ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị tuyên bố rằng, Việt Nam có thể huy động được 5.000 tỷ USD từ đất đai để đầu tư phát triển, thì nhiều người mới giật mình nghĩ lại. Thì ra Nhà nước ta đang ngồi trên một núi vàng mà “quên” mất.
Hồi ấy, suốt cả 10 năm trời vận động ngoại giao con thoi hàng chục quốc gia và các tổ chức quốc tế viện trợ ODA cho Việt Nam (mà đây là đi vay, nay mai con cháu chúng ta phải trả) cũng chỉ mới được cam kết hơn 20 tỷ USD, và cũng chỉ giải ngân được hơn 10 tỷ USD. Nay tự nhiên ngoái lại thấy trong nhà có tới 5.000 tỷ USD thì giật mình là còn nhẹ.
Một câu hỏi đặt ra: Có đúng là Nhà nước mình đang nắm trong tay 5.000 tỷ USD không? Cần bảo vệ và sử dụng khối lượng tài sản này như thế nào?
Càng ngày, đánh giá của ông viện trưởng nọ ngày càng hiển hiện. Chẳng hạn như ở mảnh đất thần tiên Thủ Thiêm kia, lúc tính đền bù cho dân một mét vuông chỉ là vài trăm ngàn đồng. Sau khi qua các nét bút vẽ quy hoạch, rồi đầu tư hạ tầng, nó đã tăng lên đến cả trăm triệu đồng. Cái khoản chênh lệch địa tô ấy đúng ra là cần chia sẻ với tất cả các đối tượng liên quan, như Nhà nước, người dân, doanh nghiệp..., nhưng thực tiễn đã không diễn ra như vậy.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa qua chỉ ra rằng, nét bút của các nhà quy hoạch đã trở thành một quyền lực khủng khiếp trong việc “phân phối lại thu nhập quốc dân” hướng về một phía có chủ định, mà những nét bút này lại do nhiều quyền lực khác chi phối.
Mà bạn đọc biết không, ở những quốc gia phát triển, một cái kho vàng chỉ bằng 1/10 như tài sản đất đai công hữu của nước ta thôi, xin lỗi, là bất khả xâm phạm.
Chẳng hạn như hầm dự trữ vàng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ được bảo vệ bên dưới nền đá cứng của Manhattan, ở độ sâu bằng một tòa nhà 5 tầng. Các cánh cửa được thiết kế có khả năng chống bom, nặng 280 tấn, cao 2,7m, được chuyển động dọc theo một khung bê tông thép nặng tới 140 tấn. Đây được coi là một nơi bất khả xâm phạm và là nơi trữ lượng vàng lớn nhất thế giới với 7.000 tấn vàng, mà xin thưa, mới có trị giá chỉ gần 350 tỷ USD.
Rồi hầm chứa vàng của Ngân hàng trung ương Anh rộng 2,8ha là một mê cung cất trữ hơn 40.000 thỏi vàng với tổng giá trị chỉ khoảng 141 tỷ bảng (khoảng 200 tỷ USD). Căn hầm này được xây năm 1930 và được sử dụng làm nơi tránh bom năm 1940 và được trữ vàng từ 1945. Người ta dùng các chìa khóa dài 3 feet để mở cửa bên cạnh cửa điện tử, phải nói mật khẩu vào micro và máy tính sẽ nhận biết mẫu giọng đăng ký...
Vậy mà ở Việt Nam mình có kho vàng gấp cả hàng chục lần nhưng ai cũng có thể ban phát, ai cũng có thể xà xẻo với một hệ thống quản lý lại quá “dễ thương” như hiện nay, nếu là người dân Việt Nam, ai mà không lo lắng?
Mời quý độc giả đón xem Kỳ 2: "Hệ thống quản lý “dễ thương” ở chỗ nào?" trên Reatimes.vn.
(Thiết kế: Đức Anh)