Những năm qua, Lâm Đồng đã đề ra các chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, thành lập mới doanh nghiệp cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua nhiều chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học và công nghệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Qua đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới không ngừng tăng về số lượng, chất lượng.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có hơn 1.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng trong năm kế hoạch, tăng 21% so với cùng kỳ và thành lập mới 448 đơn vị kinh doanh trực thuộc, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016. Mức tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp mới trong năm 2017 đã nói lên một thực tế rằng, cứ một ngày trôi qua có 3 doanh nghiệp được “khai sinh” trên địa bàn Lâm Đồng. Đó là chưa kể hàng trăm điểm kinh doanh trực thuộc các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng như điểm kinh doanh buôn bán được thành lập ra nhập vào hệ thống sản xuất, kinh doanh, thương mại của tỉnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp… Qua đó, 9 tháng đầu năm 2018, tổng dư nợ cho vay khách hàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 81.300 tỷ đồng, tăng 15,7% so với đầu năm.
Tuy nhiên, về mặt phát triển doanh nghiệp, tình hình có vẻ như đang “giảm tốc” trong năm 2018. Bởi theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 750 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 12,2% so với cùng kỳ. Không chỉ giảm về số lượng đăng ký mới, chất lượng đầu tư của doanh nghiệp cũng giảm theo, đó là bình quân một doanh nghiệp có mức vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh 6,28 tỷ đồng, giảm 4,3% so với mức đầu tư bình quân của doanh nghiệp thành lập mới cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải thể lại tăng lên đến 380 doanh nghiệp. Nếu so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới thì số doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể chiếm khoảng 50%. Nhìn tổng thể cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh cũng có những biểu hiện qua các tín hiệu lạc quan khi số lượng doanh nghiệp và mức đầu tư bình quân trên một doanh nghiệp tăng hơn so với đầu năm nay.
Cụ thể, cho đến thời điểm này, theo báo cáo của UBND tỉnh, đến cuối tháng 9 năm 2018, trên địa bàn Lâm Đồng có 7.809 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký sản xuất, kinh doanh là 78.350 tỷ đồng, tăng 7% về số lượng doanh nghiệp và 11,5% về vốn so với đầu năm. Số vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp đạt 10 tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm 2018. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị thành lập mới có đến 3.882 đơn vị, tăng 19,7% về số lượng so với đầu năm bao gồm 1.782 chi nhánh, 1.309 địa điểm kinh doanh và 291 văn phòng đại diện.
Điểm sáng đáng chú ý là thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, có tới 720 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký qua mạng điện tử trong tổng số hơn 4.600 doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới từ đầu năm đến nay. Do đó, tốc độ các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng tăng nhanh chóng từ năm 2017 đến thời điểm hiện tại và chiếm khoảng 16% tổng số hồ sơ các loại.
Theo ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Sở Công thương, so với cùng kỳ năm trước, trong 9 tháng đầu năm 2018, các chỉ tiêu đều tăng, nhất là một số lĩnh vực then chốt của ngành, nên khả năng hoàn thành kế hoạch năm trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại là rất cao. Báo cáo của UBND tỉnh cũng chỉ ra rằng trong 9 tháng vừa qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,58% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 34.554 tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch, tăng 12,1%; xuất khẩu ước đạt 499,3 triệu USD, đạt 79,3% kế hoạch và tăng 20,6% so với cùng kỳ. Với mức tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và xuất khẩu trên đây cho thấy hoạt động của doanh nghiệp đang trên đà phát triển, đóng góp chung vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phản ánh về quy mô nền kinh tế của địa phương. Vì vậy, tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cho rằng, với số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thấp hơn cùng kỳ là một tín hiệu kém vui và tổng số doanh nghiệp hiện có mới tiệm cận gần 8.000 doanh nghiệp, trong khi mục tiêu đến năm 2020 Lâm Đồng phấn đấu phát triển trên 10.000 doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải xem lại các thủ tục hành chính liên quan để tiếp tục cải cách thủ tục, tạo môi trường thực sự thông thoáng nhằm phát triển doanh nghiệp đạt mục tiêu mà tỉnh đề ra.