Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Bảo Lộc lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, bên cạnh thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Bảo Lộc còn phải tập trung triển khai các công trình trọng điểm theo quy hoạch mở rộng không gian đô thị nhằm phấn đấu đạt các tiêu chí về hạ tầng của một đô thị loại II. Do đó, các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của đô thị Bảo Lộc.
Hơn 2.300 tỷ đồng đầu tư
Theo Thành ủy Bảo Lộc, kể từ khi triển khai kế hoạch xây dựng đô thị loại II, các công trình trọng điểm của tỉnh và Trung ương đầu tư trên địa bàn thành phố đã có tổng mức đầu tư lên tới 2.300 tỷ đồng.
Nguồn vốn này được ưu tiên đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL 20 đoạn qua thành phố Bảo Lộc hiện đã hoàn thành; kế đó là dự án QL 20 đoạn tránh qua thành phố Bảo Lộc có tổng vốn đầu tư gần 750 tỷ đồng với chiều dài 15,457 km nay đã thông tuyến, cơ bản hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2019.
Riêng dự án xây dựng mới Bênh viện II Lâm Đồng với tổng mức đầu tư hơn 495,2 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng trong năm 2018. Bên cạnh đó, dự án cấp nước từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Đan Mạch được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương hoàn thiện thủ tục lập dự án đầu tư với nguồn vốn dự kiến gần 448,5 tỷ đồng. Cùng với dự án ODA về xử lý nước thải, với tổng vốn đầu tư hơn 409 tỷ đồng do Vương quốc Bỉ cấp vốn. Trong đó, vốn ODA là 298,6 tỷ đồng, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách nhà nước là 110,7 tỷ đồng đã kết thúc phần đàm phán.
Ngoài nguồn vốn đầu tư trên, kế hoạch đầu tư trung hạn trên địa bàn thành phố Bảo Lộc được tập trung triển khai với tổng mức đầu tư trên 372,2 tỷ đồng mà ngân sách nhà nước chiếm 94,26%, tương đương hơn 350,8 tỷ đồng. Bên cạnh đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Lộc Sơn và Cụm công nghiệp Lộc Phát, trong giai đoạn 2016 - 2018 đã có 5 công trình trọng điểm, gồm các dự án giao thông, công trình phúc lợi xã hội nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn đã được triển khai tại thành phố, với tổng vốn thực hiện 234,9 tỷ đồng.
Đến nay, hai trong số 5 dự án vốn trung hạn đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đó là dự án đường Phan Đình Phùng có tổng mức đầu tư 139,4 tỷ đồng và dự án Nhà Văn hóa - Thể thao có tổng mức đầu tư 45,5 tỷ đồng. Đặc biệt, cùng đó trong vòng 3 năm qua, thành phố cũng đã đầu tư hoàn thiện 15 tuyến đường nội thị với chiều dài 32,7 km, nâng mật độ đường chính đô thị lên 9,8 km/km2 và đạt tiêu chuẩn của đô thị loại II, đi đôi với phát triển hệ thống giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới từ nguồn vốn ngân sách và Nhân dân đóng góp.
Còn đó 10 tiêu chuẩn
Thống kê của cơ quan chức năng cũng chỉ ra rằng thành phố Bảo Lộc đã thực hiện đầu tư xây dựng 11 hạng mục, công trình trường học với tổng vốn đã đầu tư trên 20 tỷ đồng. Đồng thời, thu hút đầu tư để hình thành 3 khu dân cư mới với diện tích đất ở rộng hơn 183.453 m2, tạo ra quỹ đất tái định cư 400 lô, quỹ đất đấu giá giao quyền sử dụng đất 694 lô.
Qua đó, đã bố trí tái định cư cho 296 trường hợp phải thu hồi đất và đấu giá giao quyền sử dụng đất góp vào tăng thêm nguồn thu gần 183 tỷ đồng cho ngân sách. “Việc tập trung triển khai các công trình trọng điểm, thực hiện các công trình đầu tư theo kế hoạch trung hạn được thực hiện theo lộ trình hàng năm và đạt được nhiều kết quả” - báo cáo của Thành ủy Bảo Lộc nêu rõ.
Vì vậy, theo đánh giá của Thành ủy Bảo Lộc, căn cứ vào các tiêu chí mà Chính phủ và bộ, ngành quy định, trước khi triển khai xây dựng để đạt các tiêu chí đô thị loại II, Bảo Lộc mới chỉ đạt 19/27 tiêu chuẩn của các tiêu chí đô thị loại II.
Và căn cứ Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về phân loại đô thị với 5 tiêu chí và 51 tiêu chuẩn cụ thể, thành phố Bảo Lộc đã xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu phấn đấu theo định hướng và tập trung nguồn lực để đạt các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng cũng như tiêu chuẩn về mặt xã hội như cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đô thị, quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
Qua hai năm thực hiện, thành phố Bảo Lộc đã đạt 41/51 tiêu chuẩn trong hệ thống các tiêu chí của đô thị loại II theo quy định.
Đáng chú ý trong 10 tiêu chuẩn chưa đạt có 5 tiêu chuẩn chưa thực sự cần thiết phải đầu tư, hoàn thiện ngay hoặc chưa thể hoàn thiện, chẳng hạn như dân số và mật độ toàn đô thị hay tỷ lệ phục vụ vận tải hành khách. Còn 5 tiêu chuẩn còn lại thành phố cần phải có kế hoạch đầu tư phấn đấu đạt trong thời gian tới, bao gồm: Công trình văn hóa cấp đô thị, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng, công trình kiến trúc tiêu biểu và thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước.