Hàng ngàn hécta đất bị bỏ hoang
Thời gian qua, Long An có những chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư. Văn bản số 86/BC-UBND, ngày 25/4/2019 của UBND tỉnh báo cáo tình hình KT-XH và thu hút đầu tư trên địa bàn cho Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh tại cuộc tiếp xúc cử tri doanh nghiệp (ngày 26/4/2019) trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, khái quát cụ thể kết quả của việc thu hút đầu tư, hoạt động của các DA. Theo đó, khó khăn lớn nhất hiện nay Long An gặp phải là diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê lại còn rất ít nên việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp, nhất là quy mô lớn còn hạn chế.
Thế nhưng, trên địa bàn huyện Thủ Thừa, DA Khu công nghiệp (KCN), Khu đô thị Việt Phát (xã Tân Lập) do Công ty (Cty) Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An làm chủ đầu tư có diện tích gần 2.000ha bị bỏ hoang hơn chục năm nay. Đáng nói, DA này không vướng giải phóng mặt bằng, đất được bàn giao cho chủ đầu tư từ lâu nhưng “treo” từ năm này qua năm khác, gây lãng phí tài nguyên đất đai cũng như gây bức xúc dư luận. Khi có thông tin, đoàn của tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát, nhà đầu tư triển khai để đối phó.
DA KCN Việt Phát được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2006 với diện tích 300ha. Năm 2013, Thủ tướng tiếp tục bổ sung quy hoạch, phê duyệt quy mô hơn 1.200ha. Bên cạnh đó, khu đô thị được UBND tỉnh phê duyệt năm 2012 với diện tích hơn 600ha. Tổng diện tích đất cấp cho chủ đầu tư làm DA lên đến gần 2.000ha. Từ nhiều năm qua, toàn khu chỉ là đất bị bỏ hoang, nhà đầu tư mới chỉ hoàn thiện san lấp mặt bằng khoảng 290ha, hầu như hạ tầng kỹ thuật, giao thông chưa được đầu tư,...
Theo thông tin từ UBND xã Tân Lập, người dân rất mong muốn DA sớm hoạt động để tạo điều kiện phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, DA chậm triển khai, kéo dài hơn chục năm. Xã kiến nghị cấp trên cần có giải pháp đôn đốc chủ đầu tư, nhanh chóng thực hiện DA và giám sát chặt chẽ về tiến độ. Bên cạnh đó, Cty cần phối hợp, báo cáo tiến độ để địa phương nắm bắt, có thể trả lời với cử tri.
Kế hoạch của tỉnh sẽ đưa KCN Việt Phát đi vào hoạt động năm 2019, tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Thủ Thừa, điều này rất khó bởi hiện nay, DA chỉ dừng ở mức san lấp mặt bằng với diện tích khiêm tốn, cả khu chỉ là bãi đất trống. UBND huyện Thủ Thừa kiến nghị tỉnh cần quyết liệt đôn đốc chủ đầu tư triển khai DA hoặc có giải pháp thu hồi, bàn giao cho chủ đầu tư mới có đầy đủ năng lực để làm, tránh lãng phí đất đai, ảnh hưởng môi trường đầu tư cũng như gây áp lực quản lý nhà nước của địa phương.
Một số chủ đầu tư năng lực yếu
Huyện Cần Giuộc được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 105 DA khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, tái định cư, dân cư - tái định cư -thương mại, dịch vụ và nghĩa trang (không tính các DA nhỏ, lẻ) với tổng diện tích 6.570ha. Đến nay, huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ hơn 50 DA, bàn giao 1.768ha đất cho chủ đầu tư. Thời gian qua, huyện gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng do vướng mắc về cơ chế, chính sách, năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế,... dẫn đến tình trạng nhiều DA bị “treo”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây áp lực trong công tác quản lý nhà nước của địa phương.
KCN Nam Tân Tập (xã Tân Tập) do Cty Cổ phần Đầu tư An Kiến Phát làm chủ đầu tư với diện tích gần 275ha được UBND tỉnh thỏa thuận địa điểm đầu tư từ năm 2014. DA đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 năm 2009, hạ tầng kỹ thuật DA chưa được triển khai xây dựng. Qua nhiều lần đổi chủ đầu tư, đến nay DA vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Tương tự, DA Khu đô thị mới Đông Nam Á Long An có chủ trương năm 2006, UBND tỉnh chấp thuận cho Cty TNHH Thương mại và Xây dựng A.C.M và VinaCapital Group liên doanh thực hiện với tổng diện tích 1.935ha tại 2 xã Tân Tập và Phước Vĩnh Đông. Giai đoạn 1 của DA có diện tích 415ha, gồm KCN (108ha), khu cảng (147ha), khu dân cư (hơn 72ha), khu nhà ở công nhân (9ha) và khu du lịch (gần 79ha). Huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào tháng 9-2007 và sau đó tổ chức chi trả bồi thường được hơn 81ha. Hiện nay, DA vẫn chưa thể triển khai theo kế hoạch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức thông tin: “Hiện nay, một số DA trên địa bàn triển khai rất chậm. Nguyên nhân do giá đất biến động nên công tác giải phóng mặt bằng gặp khó, một số chính sách, quy định của pháp luật chưa phù hợp thực tế, năng lực của chủ đầu tư một số DA còn yếu,... Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao đất làm DA. Bên cạnh đó, kiến nghị tỉnh cần rà soát, có kế hoạch đôn đốc chủ đầu tư, cam kết thực hiện theo lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể hoặc xem xét lại năng lực của một số chủ đầu tư, thu hồi, bàn giao cho chủ đầu tư khác có năng lực tiếp tục thực hiện DA”.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án
Sau khi khảo sát, kiểm tra thực tế tiến độ một số DA trên địa bàn huyện Thủ Thừa và Cần Giuộc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang cho rằng, tình trạng DA chậm triển khai, kéo dài gây bức xúc dư luận, lãng phí đất đai thời gian qua tại 2 huyện là do sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương chưa chặt chẽ; vướng mặt bằng, công tác xử lý thiếu kiên quyết; năng lực của chủ đầu tư còn yếu, chậm triển khai DA; công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo (chủ yếu ở mức ghi nhận, báo cáo là chính, chưa kiên quyết xử lý đến nơi, đến chốn các DA “treo” theo quy định);...
Ông đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường phối hợp, rà soát, chấn chỉnh những sai sót và giám sát chặt chẽ tiến độ DA triển khai trên địa bàn, có kế hoạch báo cáo UBND tỉnh thu hồi theo quy định nếu chủ đầu tư “treo” DA. Các chủ đầu tư phải nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng, tập trung đẩy nhanh tiến độ để DA sớm đi vào hoạt động. Công tác giải phóng mặt bằng cần sự phối hợp, tập trung để sớm bàn giao đất thực hiện DA theo kế hoạch.
Ông nhấn mạnh, sắp tới, khi làm việc với sở, ngành và UBND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ đề nghị kiểm tra lại việc thực thi các quy định của pháp luật đối với các sở, ngành liên quan trong việc để DA kéo dài. Đồng thời, HĐND tỉnh yêu cầu rà soát lại toàn bộ các DA trên địa bàn, tiến độ từng DA và có giải pháp cụ thể để đôn đốc, tháo gỡ, nhanh chóng triển khai theo kế hoạch; kiên quyết xử lý các DA chậm triển khai, gây bức xúc dư luận bằng việc thu hồi, bàn giao cho chủ đầu tư mới có đầy đủ năng lực thực hiện, sớm đưa vào hoạt động, phục vụ sự phát triển KT-XH của tỉnh./.