Dự án Khu đô thị Năm Sao, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, rao bán với giá từ 17-20 triệu đồng/m2
Giá đất tăng "chóng mặt"
Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng, từ cuối năm 2017 đến nay, thị trường BĐS tại Long An liên tục tăng giá, tạo thành những cơn “sốt” đất nền, nhất là tại khu vực các huyện giáp ranh TP.HCM: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, thậm chí lan tới cả thị xã Kiến Tường.
Tại huyện Đức Hòa, từ năm 2017 đến 2018, các tập đoàn lớn, công ty BĐS lớn như Trần Anh, Cát Tường liên tục xin đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư. Thậm chí, đất nông nghiệp cũng được người dân rầm rộ sang tên. Anh Lê Văn Hải, ngụ tỉnh Hà Ham, hiện buôn bán tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, cho biết: “So với trước, giá đất tăng đến 5-6 lần. Một nền đất đẹp tại đây giờ giá hơn tỉ đồng, đó là phải trả tiền ngay, nếu để vài ngày có khi đất lại lên giá, không mua được. Những người lao động xa quê như chúng tôi chắc chắn sẽ rất khó khăn mới mua được đất”.
Còn tại TP.Tân An, giá đất tại khu đô thị, khu dân cư cũng tăng "chóng mặt". Nếu như trước đây, các khu vực: Phường 5, 6, 7, xã Lợi Bình Nhơn,... chỉ cần bỏ ra khoảng 200-300 triệu đồng là có thể sở hữu 1 nền đất thì nay giá đất tăng 3-4 lần. Trên các trang mạng giao dịch BĐS tại TP.Tân An, 1 lô đất 80-100m2 có giá dao động từ 400-800 triệu đồng, tùy từng khu vực. Còn tại các khu dân cư trung tâm (phường 6, IDICO,... có sẵn hạ tầng, có giá từ 1,2-1,6 tỉ đồng/lô từ 80-120m2theo vị trí, khu vực, đường.
Tại huyện Cần Giuộc, giá đất cũng tiếp tục tăng cao. Theo một số người dân tại xã Tân Kim, sau khi UBND huyện chấn chỉnh, siết chặt quản lý trong xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì những khu vực đất đã chuyển mục đích sử dụng (đất thổ) tăng giá chóng mặt. Trước đây, trung bình đất tại xã Tân Kim có giá khoảng 8-10 triệu đồng/m2 đất thổ thì nay tăng lên từ 15-20 triệu đồng/m2. Còn tại huyện Cần Đước, chỉ trong thời gian ngắn từ đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt dự án BĐS nhỏ với diện tích từ 1-2ha do cá nhân đầu tư liên tục được hình thành như dự án Khu dân cư nông thôn ấp Đồng Tâm, Khu đô thị thương mại Hoàng Phúc Residence xã Long Trạch,...
Mua đất để đầu cơ
Mặc dù khu vực các huyện giáp ranh TP.HCM, giá đất liên tục tăng nhưng thực tế, nhu cầu mua đất để ở rất ít. Phần lớn người mua đất để đầu cơ. Anh Nguyễn Văn Việt - một cò đất tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, cho biết: “Sau cơn sốt giá tại Khu đô thị Phú Sinh - Cát Tường, hiện nay giá đất tại Đức Hòa cầm chừng, lượng giao dịch cũng trầm lắng hơn trước. Người mua đất để xây dựng nhà ở thật sự rất ít. Cứ 10 người mua đất thì có đến 9 người mua nhằm đầu cơ. Thời điểm cuối năm 2017, đầu năm 2018, người mua đất phần lớn lựa chọn các khu vực được đầu tư sẵn hạ tầng như các khu đô thị, khu dân cư thì nay lại chuyển hướng sang mua đất ruộng bởi sinh lời cao hơn so với đất trong khu đô thị, khu dân cư”. Hiện nay, đất nông nghiệp tại một số xã: Đức Lập Hạ, Đức Lập Thượng có giá khoảng 1 tỉ đồng/1.000m2. Còn tại các xã giáp ranh TP.HCM như Mỹ Hạnh Nam, Mỹ Hạnh Bắc, con số đó tăng từ 2-3 lần.
Tại nhiều dự án bất động sản chưa có công trình xây dựng nhà ở
Ngày 07/11/2018, chúng tôi có mặt tại Khu đô thị sinh thái Năm Sao, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, trái ngược với cảnh đìu hiu, ế ẩm của 1 năm về trước, lượng người đến tham quan, tìm hiểu để đầu tư tại đây khá lớn. Theo lời giới thiệu của chị Q. - nhân viên tư vấn, khu vực này đang “nóng”, nếu đầu tư bảo đảm sinh lời, sau đợt mở bán, 320 nền đã được giao dịch thành công, lượng cung không đủ cầu. “Công ty đang tiếp tục mở bán, giá đất trung bình hiện ở mức từ 17 đến hơn 20 triệu đồng/m2 tùy từng khu vực, vị trí. Nếu đồng ý, khách hàng sẽ chỉ phải thanh toán trước 50% giá trị, 50% còn lại sẽ được ngân hàng cho vay trả góp trong vòng 6 tháng không lãi suất” - chị Q. tư vấn. Phía trong Khu đô thị Năm Sao, hầu như chưa có công trình xây dựng nhà ở, các lô đất phần lớn được giới đầu cơ mua để chờ lên giá.
Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh
Trước tình trạng thị trường BĐS đang "sốt xình xịch" như hiện nay, không ít nhà đầu tư sẵn sàng triển khai dự án bất chấp việc chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý. Trước đây, Tập đoàn Hiển Vinh từng làm xôn xao dư luận khi thực hiện dự án tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa mà không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển mục đích sử dụng, rồi hàng loạt các dự án khác chưa đủ thủ tục để kinh doanh được rao bán rầm rộ trên các trang mạng, sàn giao dịch khiến người mua đất lâm vào “ma trận”. Trước thực tế đó, tháng 12/2017, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các dự án đầu tư, kinh doanh BĐS.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng phối hợp các ngành liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra tại một số dự án, trong đó chú ý đến các dự án có dư luận, phản ánh từ các cơ quan thông tấn, báo chí. Qua kiểm tra, các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh đều có chủ trương của UBND tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết dự án đều có vi phạm nhất định, chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để bán sản phẩm ra thị trường. Có dự án triển khai thi công trước khi có giấy phép xây dựng. Đến nay, sở đã kiểm tra được gần 20 dự án, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm đối với 13 dự án, mức xử phạt thấp nhất là 30 triệu đồng, cao nhất 275 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định dự án theo quy định, tổ chức thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật không có giấy phép xây dựng của cơ quan thẩm quyền cấp hay công khai không đúng các nội dung về dự án,...
Phần lớn các giao dịch bất động sản chỉ diễn ra trong giới đầu cơ, cò đất
“Sau kiểm tra, chủ đầu tư khắc phục những hạn chế mà đoàn đã chỉ ra. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ các dự án BĐS hiện nay, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra tất cả dự án nhằm tạo sân chơi công bằng cho các chủ đầu tư, chấn chỉnh, hướng dẫn các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh BĐS” - Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng cho biết./.
Qua khảo sát thực tế, hiện nay, ngoài những dự án đầu tư bất động sản lớn đang được triển khai trên địa bàn tỉnh tạo được bộ mặt mới cho đô thị tại một số địa phương thì có không ít dự án được đầu tư với quy mô nhỏ từ 1-2ha. Phần lớn các dự án này không được đầu tư hạ tầng xã hội, không bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy, xử lý chất thải, môi trường. Đối với những dự án này, chắc chắn sau này Nhà nước sẽ phải đầu tư bằng ngân sách hoặc xã hội hóa các công trình phúc lợi xã hội, gây khó khăn cho công tác quản lý. Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Sở đang tham mưu UBND tỉnh theo hướng giảm tiếp nhận các dự án đầu tư bất động sản nhỏ, lẻ, manh mún, không đáp ứng các điều kiện về hạ tầng xã hội. Đồng thời, đề nghị các địa phương đánh giá lại nhu cầu thực tế về nhà ở, phát triển dân cư để đề xuất mức tiếp nhận đầu tư phù hợp, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai”. |