Thác Pongour
Thác Pongour hay còn được gọi với cái tên Thác Bảy Tầng hay thác Thiên Thai, là một trong những điểm đến ấn tượng ở tỉnh Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng.
Thác Pongour cách trung tâm huyện Đức Trọng khoảng 20km và TP. Đà Lạt khoảng 50km. Mặc dù cách khá xa thành phố nhưng khi ghé thăm xứ sở mộng mơ thì Pongour là một điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách.
Nằm cách xa trung tâm nhưng du khách có thể dễ dàng di chuyển đến thác nhờ giao thông khá thuận tiện. Cung đường phổ biến và gần nhất dẫn tới thác Pongour đó là đi dọc theo quốc lộ 20 theo hướng đi Đà Lạt – Sài Gòn, sau đó rẽ tay phải khoảng độ 8km tính từ khu vực xóm Trung (núi Chai).
Du khách sẽ đặt chân đến vùng đất thần tiên hùng vĩ này nếu đi theo hướng dẫn như trên. Đường tới thác Pongour khá thuận lợi với các cung đường đẹp và bằng phẳng nhưng du khách lưu ý có những đoạn đổ đèo, ôm cua nguy hiểm. Đi ô tô hoặc xe máy là hai lựa chọn thuận lợi và phổ biến nhất dành cho du khách khi ghé thăm thác Pongour.
Thác Đray Nur
Thác Đray Nur thuộc tỉnh Đắk Lắk nhưng nằm giáp ranh với Đắk Nông, nên nhiều người vẫn nhầm lẫn địa danh của con thác hùng vỹ này. Thác Đray Nur cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 30km theo hướng về TP.HCM. Từ Buôn Ma Thuột, bạn đi theo hướng quốc lộ 14, đến gần cầu 14 thì rẽ trái để vào thác.
Thác Đray Nur từ trên cao đổ xuống sông sâu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Bên vách đá sừng sững, thác nước reo vang, làm lan tỏa một vùng không gian rộng lớn âm thành dào dạt, trầm hùng. Giữa đại ngàn kỳ vĩ, trùng điệp núi non, thác Đray Nur còn quyến rũ con người bởi vẻ đẹp tươi tắn, trong lành và những huyền thoại gắn liền với tên thác.
Thiên nhiên đã khéo dựng một vách đá cao chắn một bên vách núi, một nhánh thác nhỏ đổ từ độ cao hơn 20m xuống tạo thành phòng tắm lộ thiên hoàn mỹ. Sau những bụi đường mệt mỏi, được ngâm mình trong một “phòng tắm” thiên nhiên như vậy thì còn gì tuyệt bằng. Đến với thác Đray Nur, bạn còn có thể lang thang theo những con đường mòn trong rừng ngắm những cây cổ thụ, nghe tiếng chim muông hoặc khám phá những hang động kỳ thú trong lòng con thác, thử cảm giác chênh vênh trên cầu treo băng ngang qua thác.
Thác Đray Sáp
Theo tiếng Ê Đê có nghĩa là thác khói. Dòng thác không cao nhưng lại trải dài uốn mình trên tảng đá rồi đổ xuống như một bức màn nước khổng lồ tung bọt li ti trắng xóa như khói. Thác Đray Sáp hơn hẳn những con thác khác ở Tây Nguyên nhờ vào vẻ hoang sơ của những cánh rừng xung quanh.
Từ Đray Sáp, qua cầu treo vài nhịp là bạn cũng được khám phá Đray Nur, thác Vợ của Đray Sáp. Trong mênh mang tươi mát của những hơi nước mà dòng thác mang lại, bạn tha hồ thả hồn vào thiên nhiên, quên đi mọi ưu phiền trong cuộc sống. Để đến thác Đray Sáp, bạn có thể đi theo cung đường đến Đray Nur hoặc bắt xe buýt số 13 (Buôn Ma Thuột – Krông Nô). Xe sẽ thả bạn ngay trước cổng vào thác.
Thác Gia Long
Nằm ở thượng nguồn của sông Sêrêpôk đoạn chạy qua tỉnh Đắk Nông nên thác Gia Long là một trong những ngọn thác hùng vỹ nhất của núi rừng Tây Nguyên. Thác Gia Long nằm lặng lẽ giữa núi rừng bạt ngàn, nên để đến được với thác, bạn phải vượt qua đường rừng xanh thẳm. Nhưng chính điều đó làm nên sự hoang sơ khác biệt của Gia Long.
Người dân địa phương kể rằng, tên thác Gia Long bắt nguồn từ việc vua Gia Long đã từng thưởng ngoạn cảnh thác và cho xây một cây cầu bắc ngang dòng suối nơi chân thác. Cạnh thác Gia Long có một hồ tắm tiên và một hang động tự nhiên rất đẹp. Thế nên, đến với thác Gia Long, bạn có thể khám phá rừng, tham quan thác và hòa mình vào làn nước mát mẻ tại hồ tắm thiên nhiên.
Thác Trinh Nữ
Thác Trinh Nữ nằm ở trung tâm thị trấn Ea T’ling, Đắk Nông, hạ nguồn sông Sêrêpôk. Không hùng vỹ như thác Đray Sáp, thác Gia Long, thác Trinh Nữ êm đềm, nhẹ nhàng. Dòng thác này đặc biệt ở chỗ có quần thể đá bazan màu xám đen nứt nẻ dạng cột, lăng trụ nằm chất chồng bên bờ suối nên cũng được đánh giá là một trong những thác đẹp nhất vùng Tây Nguyên.
Mùa khô, thác Trinh Nữ chỉ như dòng suối nhẹ, nhưng khi những cơn mưa rừng bạt ngàn rơi, nước thượng nguồn đổ về, Trinh Nữ cũng ầm ào chảy xiết tung bọt trắng xóa núi rừng.
Ảnh: Internet