Ngân sách Nhà nước thiệt hại như thế nào trong dự án nút giao An Phú?

Có tổng vốn đầu tư hơn 808 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng hai năm, nhưng từ việc giao đất, cho thuê đất để thanh toán hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) dự án (DA) đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2 (nút giao An Phú dọc theo tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến vành đai 2, quận 2, TP.HCM) có thể mang lại cho chủ đầu tư số doanh thu gấp nhiều lần tổng vốn đầu tư. Ai sẽ là người hưởng lợi khoản doanh thu và lợi nhuận nhiều nghìn tỷ đồng có được từ DA này và liệu ngân sách Nhà nước (NSNN) có bị thiệt hại?

23:30 25/09/2018

Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt

Nhằm thực hiện đầu tư DA đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2 (nút giao An Phú), ngày 16/11/2015, UBND TP.HCM đã có Văn bản số 7042/UBND-QLDA xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ định nhà đầu tư (NĐT) thực hiện DA.

Ngày 30/11/2015, tại Công văn số 10012/VPCP-KTN, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến như sau: UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phê duyệt Đề xuất DA và báo cáo nghiên cứu khả thi DA theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó, cần làm rõ điều kiện thực hiện DA theo hình thức hợp đồng BT, trên cơ sở tổ chức triển khai theo đúng quy định.

Nút giao thông An Phú

Nút giao thông An Phú

Trên các cơ sở đề nghị của UBND thành phố Hồ Chí Minh và bộ, ngành liên quan, ngày 19/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 829/TTg-KTN về cơ chế triển khai đầu tư DA đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2 (tại nút giao An Phú dọc theo tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM).

Theo văn bản này, Thủ tướng đồng ý áp dụng quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện DA nêu trên; giao UBND thành phố chịu trách nhiệm xây dựng, phê duyệt phương án lựa chọn NĐT và tổ chức lựa chọn NĐT đủ năng lực, kinh nghiệm theo phương án được duyệt, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của DA. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phê duyệt Đề xuất DA và Báo cáo nghiên cứu khả thi DA theo đúng chỉ đạo tại Công văn số 10012/VPCP-KTN.

Theo đó, ngày 10/10/2016, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 5285/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn NĐT, phương án lựa chọn nhà thầu (bao gồm hồ sơ yêu cầu và tiêu chí đánh giá hồ sơ đề xuất) thực hiện DA nút giao An Phú theo hình thức PPP (Hợp đồng BT).

Tại Điều 1 của Quyết định này duyệt kế hoạch lựa chọn NĐT thực hiện DA, với các nội dung như: Hình thức lựa chọn, nguồn vốn, loại hợp đồng, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu, NĐT… Trong đó, tổng vốn đầu tư DA là hơn 869,2 tỷ đồng; Hình thức lựa chọn NĐT trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu đối với Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc; Loại hợp đồng BT; Thời gian thực hiện hợp đồng trong hai năm (2016 - 2018).

Điểm nút giao thông An Phú đang được Liên danh Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc với Công ty CP BĐS Tiến Phước thực hiện đầu tư theo hình thức BT.

Điểm nút giao thông An Phú đang được Liên danh Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc với Công ty CP BĐS Tiến Phước thực hiện đầu tư theo hình thức BT.

Trên thực tế, ngày 28/4/2017, UBND TP.HCM đã ký Hợp đồng BT số 2503/HĐ-UBND với Liên danh Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và Công ty CP Bất động sản Tiến Phước (sau đây xin được gọi là Liên danh) thực hiện DA nút giao thông An Phú.

Sau đó một ngày, ngày 29/4/2017, DA chính thức được khởi công. Theo đó, DA gồm hai đoạn đường song hành bên phải đường dẫn vào cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, đoạn 1 dài 2,7 km, điểm đầu nối với đường Mai Chí Thọ (quận 2), điểm cuối nối với đường Đỗ Xuân Hợp. Còn đoạn 2 dài 617 m, điểm đầu nối với đường D11, điểm cuối nối với đường Vành đai 2. Đường sẽ được xây dựng với chiều rộng 20 m, bốn làn xe. NĐT cũng sẽ xây dựng mới ba cầu gồm: Bà Dạt, Mương Kênh, Bà Hiện và xây dựng cải tạo các nút giao cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh…

Với tổng mức đầu tư 808 tỷ đồng, khi tuyến đường song hành đi vào hoạt động, cùng với đại lộ Mai Chí Thọ, đường Đồng Văn Cống, đường Vành đai 2, đường Lượng Định Của… sẽ hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh cho khu vực phía đông TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, điều cần bàn là với lý do nào Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc lại được lựa chọn NĐT trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu để thực hiện DA BT nút giao An Phú?

Ngân sách thiệt hại không nhỏ

Vị trí nút giao An Phú

Vị trí nút giao An Phú

Thực hiện cam kết theo hợp đồng BT, ngày 13/10/2017, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 5452/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến ký, về việc giao đất, cho thuê đất để thanh toán cho Hợp đồng BT DA nút giao An Phú.

Căn cứ Văn bản thỏa thuận số 3797/HĐ-TT, ngày 20/6/2017, giữa UBND TP.HCM với Liên danh và Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương (Công ty Nguyên Phương) về thỏa thuận tiếp nhận và thực hiện quyền và nghĩa vụ của NĐT thực hiện hợp đồng BT, theo đó, chấp thuận cho Công ty Nguyên Phương sử dụng khu đất có diện tích 148.259 m² tại phường An Phú (quận 2) để thực hiện thanh toán Hợp đồng BT DA nút giao An Phú.

Cơ cấu sử dụng đất xác định theo Quyết định số 4189/QĐ-UBND ngày 12/7/2017 của UBND quận 2 về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, gồm: Khu số 1 diện tích 45.194,4 m², trong đó đất ở là 26.352,3 m² (xây dựng khu nhà ở thấp tầng), diện tích công trình dịch vụ nội khu 300 m², đất công trình công cộng không kinh doanh 18.542,1 m²; Khu số 2 diện tích 103.064,6 m², trong đó đất ở là 50.254,5 m², dịch vụ công trình dịch vụ nội khu 500 m², đất thương mại dịch vụ - văn phòng - khách sạn 12.003 m², diện tích đất công trình công cộng không kinh doanh 34.804,7 m².

Hình thức sử dụng đất gồm đất ở, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất thời hạn 50 năm kể từ ngày UBND thành phố ký quyết định; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài theo quy định của Luật Đất đai. Diện tích đất công trình dịch vụ nội khu và đất thương mại dịch vụ - văn phòng - khách sạn Nhà nước cho thuê đất, thời hạn 50 năm kể từ ngày ký quyết định, trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Diện tích đất công trình công cộng không kinh doanh Công ty Nguyên Phương có trách nhiệm đầu tư theo quy hoạch và DA đầu tư được phê duyệt, tổ chức bàn giao cho UBND quận 2 và cơ quan chuyên ngành quản lý theo quy định.

Vấn đề nằm ở chỗ, việc đưa Công ty Nguyên Phương vào để nhận hơn 14,8 ha đất sạch tại phường An Phú liệu có phải chiêu bài “cắt đuôi” trong thực hiện DA BT nút giao An Phú? Ở đây có thể hiểu được rằng: Với việc bỏ ra 808 tỷ đồng vốn đầu tư DA nút giao An Phú, Liên danh đã được nhận lại hơn 14,8 ha đất tại phường An Phú, quận 2 (?).

Quyết định này đã giúp cho chủ đầu tư DA nút giao An Phú có được những khoản doanh thu và lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, theo Quyết định số 51/2014/QĐ-UBND thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/12/2014 và có hiệu lực từ đầu năm 2015, giá đất tại phường An Phú có giá cao nhất là 9,2 triệu đồng/m², thấp nhất 5,2 triệu đồng/m². Chỉ cần tính mức giá trung bình khoảng bảy triệu đồng/m² và nhân với diện tích hơn 14,8 ha thì giá trị đã lên đến 1.037,8 tỷ đồng, cao hơn tổng giá trị đầu tư DA nút giao An Phú là hơn 229 tỷ đồng.

Khoảng 10 năm trở lại đây, khu vực phường An Phú - An Khánh luôn là điểm “nóng” về giá đất, nếu đem ra đấu giá công khai theo giá thị trường, với diện tích hơn 14,8 ha đất này số tiền thu về sẽ là bao nhiêu?

Ai sẽ là người hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng và NSNN có nguy cơ bị thiệt hại không nhỏ.

Theo Báo Nhân Dân

Bạn đang đọc bài viết Ngân sách Nhà nước thiệt hại như thế nào trong dự án nút giao An Phú? tại chuyên mục THÀNH PHỐ HCM của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận