"Nghẹt thở, vùng vẫy" trong ùn tắc, Hà Nội sẽ chọn lối đi nào?

Mỗi sáng thức dậy, hàng triệu người dân Hà Nội ám ảnh với nỗi lo tắc đường, Thủ đô bị “bức tử” vì mật độ giao thông khủng khiếp, trong thời gian tới số lượng phương tiện chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên, trước thực trạng này, Hà Nội sẽ chọn cho mình "lối thoát" nào, mô hình quy hoạch nào?

07:30 24/10/2016

Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội) và TS. Phạm Sỹ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam) để có cái nhìn tổng quan về quy hoạch Hà Nội.  
 
Mô hình quy hoạch ô mạng nhện không phù hợp
 
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội. Ảnh: Kinh tế đô thị

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội. Ảnh: Kinh tế đô thị

TS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết cơ sở hạ tầng giao thông của Hà Nội chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra và nhu cầu của người dân.

Ông Nghiêm dẫn chứng: “Hiện nay, Hà Nội mới chỉ có 9% diện tích dành cho giao thông nhưng yêu cầu chúng ta đặt ra là diện tích này tối thiểu phải chiếm 20-25%. Một đô thị ít nhất phải có 3% diện tích để làm bãi đỗ xe nhưng thực tế con số này ở Thủ đô mới chỉ là 0,3%”.

Trong khi đó, số lượng phương tiện cá nhân và phương tiện giao thông công cộng ở Hà Nội đã bắt đầu quá tải và có dấu hiệu ngày càng tăng cao.

“Theo thống kê, hiện nay, chỉ tính riêng thành phố Hà Nội đã có nửa triệu xe ô tô, 5 triệu xe máy. Trong thời gian tới, con số này có thể tăng lên đến 7 triệu chiếc xe máy và 7 triệu ô tô. Dưới áp lực giao thông như vậy, mô hình quy hoạch hình mạng nhện là không phù hợp”, ông nhận định.

Mô hình mạng nhện của Hà Nội có các tuyến vành đai bao quanh được kết nối bằng các trục đường xuyên tâm. Khi đó, các tuyến vành đai và tuyến xuyên tâm có mật độ giao thông lớn nhất. Tuy nhiên, do chưa kết nối được các tuyến xuyên tâm và chưa liên thông tuyến vành đai ở một số điểm nên giao thông đổ dồn về các tuyến đã được kết nối.

“Vành đai số 3 được đặt ra thực hiện từ năm 1981 nhưng đến thời điểm hiện tại chúng ta mới kết nối được nốt các đoạn còn lại của nó. Trong khi đó, tuyến kết nối ven sông chúng ta chưa làm, tuyến phía Đông nối cầu vượt sông Hồng qua Long Biên thì xa quá không ai quản lý cho nên các tuyến xuyên tâm còn lại như Trần Duy Hưng, đường 32, tuyến kết nối số 1 cũ Cầu Giẽ - Pháp Vân chìm ngập trong ách tắc”, ông Nghiêm cho biết.

Quy hoạch ô bàn cờ giảm ùn tắc

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam

Bàn về thực trạng giao thông tại Hà Nội hiện nay, TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng tắc đường đang ngày một nghiêm trọng, nguyên nhân chính đó là do Hà Nội bỏ quên quy hoạch ô bàn cờ. Theo ông, hiện nay, Hà Nội có rất nhiều con đường xây dựng theo hướng độc đạo. Để ra được tuyến đường này, người tham gia giao thông phải luồn lách từ các ngõ, ngách để ra, kết quả là tất cả bị “gom” hết về một hướng, dẫn đến tắc đường.

“Đi trên đường có quy hoạch ô bàn cờ, nếu bị tắc đường thì anh có thể rẽ sang trái, sang phải để thoát ra khỏi tuyến đường đang tắc đó. Còn như hiện nay, có nhiều tuyến theo kiểu độc đạo nên khi bị tắc cách duy nhất để thoát ra là chấp nhận đi hết tuyến đường độc đáo đó”, ông Liêm dẫn chứng.

Cũng theo ông Liêm, quy hoạch giao thông trong đô thị, một tuyến đường nên có ít nhất hai lối tiếp cận, mỗi điểm tiếp cận cách nhau khoảng 300 đến 500m, nếu tắc lối này thì đi lối kia, và chỉ có quy hoạch ô bàn cờ mới giải quyết được vấn đề này. Nghĩa là, quy hoạch ô bàn cờ giải quyết, hạn chế tắc đường rất hiệu quả.

“Ở phố cổ Hà Nội, Pháp họ quy hoạch theo ô bàn cờ, nhìn chung hầu hết các tuyến đường ở phố cổ rất ít khi xảy ra ùn tắc. Nếu hiện nay Hà Nội quy hoạch được các tuyến phố theo kiểu ô bàn cờ thì chắc chắn sẽ giảm được ùn tắc giao thông”, ông Liêm nói.

Xu hướng đô thị, chung cư đa chức năng

TS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết hiện nay trong quy chuẩn đã quy định khoảng cách từ nơi sinh sống của người dân đến khu vực bến chờ của các tuyến xe công cộng không quá 300m. Điều này rất phù hợp khi quy hoạch theo hướng ô bàn cờ.

“Với xu thế hiện nay, Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2030 tăng số lượng phương tiện giao thông công cộng từ 10% lên 40% và không khuyến khích người dân sử dụng phương tiện cá nhân”.

Cửa ngõ phía Tây Hà Nội thường xuyên ùn tắc

Cửa ngõ phía Tây Hà Nội thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Kháng Trần.

Cũng theo ông Nghiêm, quy hoạch ô bàn cờ có giá trị sử dụng lớn nhất là giao thông thuận tiện giữa các khu vực nhưng nó vô tình tạo ra những ô đất có sự khác biệt lớn về chức năng. Cụ thể, với mô hình này, các trường học, khu vực nhà ở, trung tâm thương mại, chợ, bệnh viện và không gian cộng đồng sẽ nằm ở các vị trí cách xa nhau do khoảng cách giữa các ô đất.

Do đó, để giải quyết được vấn nạn ùn tắc một cách dứt điểm, TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng phải kết hợp giữa quy hoạch ô bàn cờ và quy hoạch tích hợp đa chức năng cho các khu đô thị, chung cư cao tầng.

Phân tích về điều này, ông Liêm đưa ý kiến, một khu chung cư, khu đô thị không nên chỉ xây theo hướng chung cư chỉ để ở. Thay vào đó, phải thiết kế chung cư, khu đô thị đó theo hướng vừa để ở, vừa có trung tâm thương mại, có trường học, có bệnh viện, có cơ quan…

Ông Liêm nhận định: “Nếu việc quy hoạch các khu đô thị, chung cư theo hướng đa chức năng như vậy thì chắc chắn sẽ hạn chế được sự tham gia giao thông trên các tuyến đường của cư dân. Sở dĩ như vậy vì, con cái học ở ngay khu chung cư, khu đô thị của mình, đi chợ, mua sắm ngay tại đó, khám chữa bệnh cũng không cân đi đâu xa… Vậy thì hạn chế được người ra đường là điều đương nhiên, chất lượng sống cũng nhờ thế mà được nâng cao”.

Đình Vũ - Phan Minh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận