Ngổn ngang bộ mặt đô thị ven sông Sài Gòn

Các chuyên gia đô thị cho rằng từ năm 1975 đến nay, phát triển đô thị ở TP.HCM chưa gắn với cảnh quan sông Sài Gòn. Việc cảm tính trong cấp phép xây dựng đã làm bờ sông Sài Gòn có hiện trạng dự án chia lô dày đặc, không gian chung đã không còn tồn tại.

23:30 15/11/2018

Được biết, nguồn tài nguyên đất ven sông, kênh rạch của TP.HCM rất lớn, với hơn 1.000km. Nhưng phần lớn quỹ đất này đang bị người dân, doanh nghiệp biến thành của riêng. Bộ mặt đô thị ven sông Sài Gòn ngổn ngang, lộn xộn, chưa kết nối cảnh quan với dòng sông này.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, dọc tuyến sông Sài Gòn có hàng trăm lô đất, công trình ảnh hưởng hành lang an toàn dọc cả tuyến sông Sài Gòn. Có 83 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở; khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ; khu công viên kết hợp với vui chơi giải trí, với diện tích gần 500ha.

Trong số này, có 13 đơn vị chủ đầu tư với 116 lô đất (đã duyệt quy hoạch, trong đó có 76 công trình đã xây dựng), có ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ sông.

Theo quy định, các công trình xây dựng của 13 đơn vị trên phải có hành lang bảo vệ sông, rạch là 50m.

Hành lang sông Sài Gòn đang bị

Hành lang sông Sài Gòn đang bị "bóp nghẹt" bởi nhiều dự án

Cụ thể, Công ty TNHH Sài Gòn Riviera (có một công trình nhà phụ trợ cách sông 10m), Công đoàn Công ty Thép Miền Nam (khu 3 - có năm công trình tạm, cách sông 20m) xây dựng sau năm 2004, Công ty TNHH XD Bảo Tiến có khoảng 11 lô đất (cách sông 26m). Đã xử lý hai trường hợp và công ty này chưa chấp hành tự tháo dỡ.

Công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn (Riverside - khu A) có 13 lô đất (trong đó có 13 công trình nhà ở cách sông 7,5m), Công ty XD&KD Nhà Phú Nhuận có 20 lô đất cách sông 20m.

Tương tự, Công ty TNHH Thế Minh có 17 lô đất, đã được cơ quan chức năng xử lý bốn trường hợp, chưa chấp hành tự tháo dỡ; Công ty TNHH Văn Minh có 11 lô đất, đã xử lý chín trường hợp, đình chỉ thi công chưa tháo dỡ.

Các đơn vị còn lại có công trình xây dựng ảnh hưởng hành lang bảo vệ sông Sài Gòn: Công ty TNHH TMDV Chiến Thắng: 17 lô; Công ty CP Eden: 9 lô; Công ty TNHH Hải Vương: 8 lô; CTCP ĐTXD Tân Bình: 4 lô.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, nguyên nhân do một số dự án được phê duyệt quy hoạch theo nhiều thời điểm khác nhau (trước và sau năm 2004), nên chiều rộng hành lang bờ sông chưa thống nhất với quy định hiện hành (30-50m).

Đánh giá về hiện trạng trên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, nguyên nhân do trước năm 2004, TP.HCM thực sự chưa có quy chế về hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, cũng như các kênh rạch khác.

Còn theo các chuyên gia, vào thời điểm đó việc phê duyệt dự án còn dựa nhiều vào cảm tính, có chỗ khoảng cách ven sông thì 30m, có chỗ 20m, thậm chí có nơi không chừa lại chút nào nên chiều rộng hành lang bờ sông chưa thống nhất với quy định hiện hành (30-50 m).

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM phân tích,  “về nguyên tắc, việc các công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ theo từng đoạn sẽ tạo ra hiện tượng xói lở hàm ếch rất nguy hiểm. Mặt khác còn có các ảnh hưởng liên quan đến dòng chảy. Trước giờ chúng ta chưa có quy hoạch sông Sài Gòn một cách cụ thể nên cần có những biện pháp kiên quyết để đảm bảo hành lang bảo vệ bờ sông”.

Trong điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2030 có tập trung phát triển khu vực dọc sông Sài Gòn, nơi có vị trí và giá trị đặc biệt với TP.HCM cần có quy hoạch cụ thể từ thượng nguồn đến hạ lưu để khai thác tối đa tiềm năng về sinh thái, cảnh quan du lịch và giao thông. Đồng thời, cần phải cân nhắc những yếu tố bảo vệ dòng sông, không để cảnh quan tự nhiên bị phá vỡ bởi bờ sông là tài sản chung của nhân dân, phải coi sông Sài Gòn là mặt tiền của thành phố. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm và công bằng với tất cả đơn vị vi phạm, yêu cầu tháo dỡ, trả lại hành lang cho bờ sông nếu là cố tình vi phạm./.

Hoài Phương

Bạn đang đọc bài viết Ngổn ngang bộ mặt đô thị ven sông Sài Gòn tại chuyên mục THÀNH PHỐ HCM của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận