Cụ thể, theo đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả", Nhà nước sẽ thu hồi thêm đất ở hai bên hạ tầng đường mới để tái định cư cho người bị thu hồi đất, người có đất kề bên dự án. Như vậy, người dân bị thu hồi đất sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích nhỏ hơn, tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng dự án mang lại.
Phần đất dôi dư sau khi bị thu hồi sẽ được bán đấu giá để phục vụ thực hiện dự án. Phương án trên sẽ được triển khai lấy ý kiến của người bị thu hồi đất. Nếu khoảng 2/3 có ý kiến đồng thuận thì phương án sẽ được duyệt. Đây là cơ chế mang tên "đồng thuận cộng đồng theo đa số", bảo đảm công bằng và tiết kiệm chi phí đầu tư.
Đề án sẽ được thực hiện trong năm 2021. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, điều chỉnh và báo cáo lên UBND thành phố, Thành ủy định kỳ 6 tháng một lần.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay, khi Nhà nước đầu tư công trình hạ tầng như mở đường cũ hoặc làm đường mới thì giá đất hai bên đường và cả khu vực tăng lên rất nhiều lần. Khoản tiền chênh lệch này thường vào túi người dân có nhà trong hẻm trở thành nhà mặt tiền sau khi làm hạ tầng và một phần thuộc về doanh nghiệp phát triển các dự án dọc tuyến đường, gọi là chênh lệch lợi thế địa tô.
Các đối tượng này không phải đóng thêm bất kỳ một khoản thuế, phí nào, trong khi những người bị thu hồi đất để làm đường thường không được hưởng lợi từ việc mở đường. Ngay cả Nhà nước, đối tượng bỏ tiền ra làm đường cũng không được hưởng lợi gì từ việc đầu tư hạ tầng.
Nếu TP.HCM áp dụng làm đúng luật sẽ đảm bảo 3 yếu tố, không thất thoát tài sản công, tạo môi trường kinh doanh công khai minh bạch trong đấu thầu, đấu giá và sẽ không tạo ra khiếu kiện vì chênh lệch địa tô sẽ rơi vào ngân sách Nhà nước thay vì vào túi doanh nghiệp hay người dân.
"Luật cho 3 phương thức tái định cư gồm tái định cư tại chỗ, tái định cư ở một vị trí khác và nhận tiền mặt. Trong đó, tái định cư tại chỗ sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho người bị thu hồi đất khi bù đắp được quyền lợi và có giá trị gia tăng khi dự án được đầu tư. Đối với quỹ đất dôi dư khi làm xong hạ tầng, tái định cư, cần đấu giá công khai, đấu thầu đất để lựa chọn chủ đầu tư mới đảm bảo được quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Mô hình này đảm bảo được tất cả nguyên tắc trên”, ông Châu phân tích.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thêm: Đây là đề xuất tiến bộ và mang tính đột phá đối với quản lý đất đai tại TP.HCM. Khi đi vào thực tế, những bất công của chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện tại sẽ được hóa giải.
Hiện mô hình thu hồi đất hai bên đường bán đấu giá khi triển khai dự án hạ tầng là cách mà hầu hết các quốc gia đều áp dụng.