Đến nay, tại 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hàng trăm khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp được quy hoạch và đưa vào khai thác. Bên cạnh những KCN phát huy hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, thì còn nhiều KCN quy hoạch “treo” hoặc mới chỉ sử dụng một phần, dẫn đến hàng chục ngàn ha đất bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn.
Thực trạng này đã để lại nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho người dân địa phương cũng như trong quá trình triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Trước vấn đề này, phóng viên VOV đã tìm đến nhà bà Lê Thị Biên (Khu vực Phú Thuận A, Phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) khi bà đang cắt lá lốt để bán. Mỗi kg lá lốt có giá 7.000 đồng. Cứ hơn 1 tháng bà thu hoạch được khoảng 40 – 50 kg cùng với thu nhập từ vườn chuối để nuôi hai đứa cháu nội ăn học.
Khi bà Biên vừa mở lời kể về cuộc sống khó khăn của gia đình trong căn nhà cũ kỹ, xuống cấp nhiều nhưng không được sửa sang, thì ông Nguyễn Văn Giang, chồng bà chạy xe ôm về tới.
Nghe nói tới quy hoạch KCN, người đàn ông gương mặt đen nhẻm bởi cái nghề “ăn nắng” lắc đầu ngao ngán kể: "Trước đây 2 ha đất của gia đình được canh tác tốt tươi, cuộc sống ổn định, vợ chồng ông chẳng phải cơ cực thế này. Hơn 10 năm trước, khi KCN Hưng Phú 1 được triển khai, toàn bộ diện tích đất của gia đình nằm gọn trong quy hoạch. Khi doanh nghiệp tiến hành giải phóng mặt bằng, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác bảo nhau ngừng đầu tư chăm bón vườn cây vì xác định đã tới lúc rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Ai ngờ doanh nghiệp triển khai bồi thường cho một số hộ dân thì dừng".
Vào khoảng năm 2014, cuộc sống quá khó khăn, ông định bán ít đất lấy tiền xoay sở nhưng khi nghe đất trong quy hoạch không ai dám mua. Không còn đường, ông Giang tìm đến Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Cần Thơ (chủ đầu tư dự án) đề nghị thu hồi một phần đất của gia đình để ông lấy tiền xoay sở nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Từ đó đến nay, hơn 10 năm, người dân nơi đây phải sống khổ sở trong KCN vì không dám đầu tư sản xuất, đất ruộng vườn trở thành đất hoang.
"Nói chung khi ra quyết định thu hồi rồi thì người dân không làm gì hết. Thành ra đất đai bỏ thành vườn hoang. Bây giờ trồng cây thì không biết mấy chủ đầu tư lấy khi nào mà không trồng thì cũng khổ. Tôi lớn tuổi rồi chạy xe ôm, còn vợ trồng chuối quanh vườn kiếm tiền nuôi mấy đứa cháu nội" - ông Nguyễn Văn Giang bày tỏ.
Cách KCN Hưng Phú 1 chỉ khoảng 1 km là KCN Hưng Phú 2A (phường Phú Thứ, quận Cái Răng). Vào năm 2009, TP Cần Thơ có quyết định giao dự án KCN Hưng Phú 2A, với diện tích 95,8 ha cho Cty TNHH MTV Vật liệu Xây Dựng và Xây lắp Thương mại BMC thực hiện. Sau gần 10 năm triển khai, hiện doanh nghiệp này giải phóng mặt bằng được gần 35 ha và san lấp mặt bằng được 5 ha. Phần diện tích khoảng 60 ha đất còn lại chưa giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến 714 hộ dân và nhiều năm nay số hộ này phải chịu đựng cảnh "Cơm treo, mèo nhịn đói".
Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng khu vực Thạnh Thắng (phường Phú Thứ) cho biết: Khi triển khai dự án, doanh nghiệp vào thỏa thuận giải tỏa được số ít hộ dân có đất giáp tuyến đường mặt tiền của KCN rồi không tiến hành bồi thường nữa. Hơn 500 hộ dân sống trong khu vực này chẳng biết đất bị thu hồi khi nào nên không dám đầu tư phát triển sản xuất. Ngay như gia đình ông Trưởng khu vực cũng đang gặp khó vì vườn xoài cát Hòa Lộc sau nhiều năm vun trồng cho năng suất rất thấp nhưng ông không dám thay mới.
Theo lời ông Trường, hằng ngày khi gặp bà con là ông bị “giữ lại” để hỏi sao KCN cứ mãi ì ra đó mà không triển khai? Lần nào tiếp xúc cử tri bà con cũng trình bày khó khăn: Đất của họ được công nhận chủ quyền rõ ràng nhưng muốn sang nhượng cũng không được vì trong quy hoạch KCN; Đem sổ đỏ đi vay tiền, ngân hàng không chấp nhận cũng vì quy hoạch; Muốn tách đất hay xin phép xây nhà cho con trên đất thổ cư, chính quyền cũng không cho vì vướng quy hoạch...
Ông Nguyễn Văn Trường chia sẻ: "Qua kiểm kê rồi là họ "buông dùi". Họ cho rằng, kiểm kê rồi tức là đã xong không tập trung cho phát triển sản xuất nữa. Những hộ nhiều thế hệ bây giờ bị kẹt. Muốn tách đất, muốn xây nhà cho con không được, nếu cố xây thì thành ra vi phạm, trái phép...".
Cũng gặp một số khó khăn như người dân sống trong các KCN treo tại Cần Thơ là hàng trăm người dân trong KCN Vàm Cống (phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, An Giang).
Ông Mai Anh Tú, hộ có hơn 2 ha đất nằm trong dự án này cho biết, KCN Vàm Cống đã được quy hoạch gần 20 năm nay. Khi có chủ trương và công bố quy hoạch KCN, bà con nơi đây rất đồng thuận. Tuy nhiên, cũng ngần ấy năm rồi, người dân cứ phải trông chờ mà vẫn chưa thấy dự án KCN Vàm Cống được triển khai.
Theo ông Tú, do quy hoạch treo đã quá lâu, bây giờ người dân khu vực này cũng ít quan tâm. Nhưng khi đi xin phép xây nhà hay công trình khác, bà con phải làm cam kết tự tháo dỡ khi dự án KCN triển khai...
"Trong các phiên họp HĐND người dân đều phản ánh tình trạng quy hoạch KCN Vàm Cống sao tới giờ chưa thực hiện? Nhưng HĐND thì nói chưa mời được nhà đầu tư. Nếu có KCN bà con vô đó làm thấy tương đối hơn, ổn định hơn" - ông Tú chia sẻ.
Thực trạng quy hoạch các KCN “treo” không những khiến người dân chịu khổ mà cấp chính quyền cơ sở cũng phải đau đầu. Tại xã Bình Xuân và Bình Đông (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) được quy hoạch KCN Bình Đông với diện tích khoảng 250 ha đất. Dù đã được quy hoạch hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa khởi động, ảnh hưởng cuộc sống hơn 1.000 hộ dân.
Ông Trương Văn Ân, Bí thư Đảng ủy xã Bình Xuân cho biết, ngoài KCN Bình Đông, trên địa bàn còn các dự án khác “treo” suốt nhiều năm nay. Trong đó, có những dự án không khả thi, đề nghị cấp trên xem xét sớm xóa quy hoạch để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Trương Văn Ân, nói lên mong muốn của người dân và chính quyền xã Bình Xuân: "Hiện nay, người dân và chính quyền muốn lãnh đạo thị xã và tỉnh Tiền Giang có kế hoạch làm sao để xóa dự án khu công nghiệp trước đây. Hiện nay, còn dính quy hoạch này nên gặp khó về phát triển. Phía người dân mong muốn một là chuyển mục đích để xây nhà hay làm phương tiện làm ăn khác nhưng vướng mắc dự án nên mong muốn lãnh đạo cấp trên có kế hoạch xóa dự án này".
Thưa quý vị và các bạn! Thực trạng hàng loạt KCN đang bị “treo” tại vùng ĐBSCL không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất mà còn đang gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Nhiều hộ không dám phát triển sản xuất, ảnh hưởng kinh tế cũng vì không biết đất của gia đình mình bị thu hồi khi nào, nhưng cũng không rõ còn bị “treo” đến bao giờ. Khó khăn này của người dân đang rất cần được các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ. Thực tế cho thấy, việc thu hồi đất, xây dựng KCN ở vùng ĐBSCL thời gian qua đang gây lãng phí lớn về đất đai với nhiều nguyên nhân khác nhau.