Samco cho rằng thanh tra “chưa hiểu đúng quy định, dập khuôn”
Mới đây, liên quan đến kết luận thanh tra số 04/KL-TTTP-P4 của Thanh tra TP.HCM về thanh tra toàn diện Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco), trong đó phát hiện nhiều sai phạm tại các công ty thành viên gồm Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông và Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé, lãnh đạo Công ty Samco đã buổi gặp gỡ báo chí có những phản hồi về những kết luận thanh tra.
Ngày 30/10 vừa qua, trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Toản - Tổng giám đốc công ty Samco cho biết: “Những kết luận của thanh tra về Công ty bến xe Miền Đông, sai phạm trong cho thuê mặt bằng, thu vé xe và cho vay tiền, thu vé xe là do Thanh tra hiểu chưa đúng quy định pháp luật”.
“Theo quy định, xe lên tài mới thu phí. Xe ra vào bến nhưng không lên tài sao chúng tôi có thể thu được. Cái này Thanh tra Thành phố không phân biệt được. Vấn đề này chúng tôi đã giải trình sau khi có kết luận của thanh tra nhưng cơ quan thanh tra vẫn không chịu”, ông Toản nói.
Tổng giám đốc Samco cho biết thêm, việc cho thuê bến bãi, quầy vé trong bến xe là thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ nhưng Thanh tra TP.HCM lại căn cứ theo Luật Đất đai. Tất cả các vấn đề trên, Samco đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ. Vừa qua, Tổng Cục đường bộ đã có văn bản số 3407/TCĐB khẳng định Samco làm đúng.
Samco nhận định như thế nào về hàng loạt các sai phạm mà Thanh tra TP.HCM chỉ ra, Samco nhận trách nhiệm như thế nào với các vi phạm của chính thành viên và nếu Samco cho rằng Thanh tra Thành phố đã chưa sâu sát, thì Samco có phản hồi gì cho chính mình hay không?
Về câu hỏi này, ông Toản không đưa ra được lý lẽ chứng minh Samco đúng và nói rằng chuyện này không nên thảo luận nhiều. Về sai phạm tại Công ty Cảng Bến Nghé, ông Toản cho rằng câu chuyện có nhiều vấn đề và phải hỏi lãnh đạo công ty này, chứ tổng công ty thì không nắm hết các hoạt động của công ty con nên nói không chuẩn.
Nói về việc Samco có văn bản số 628/SC-BC báo cáo UBND TP.HCM không thừa nhận sai phạm theo kết luận của Thanh tra TP.HCM nên các lãnh đạo Samco và các công ty con chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
“Về những vấn đề của chúng tôi như cho vay tiền, cho thuê mặt bằng... cái gì không hợp lý thì chúng tôi khắc phục. Hoàn toàn chúng tôi không tiêu cực, không gây hậu quả nên chúng tôi chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, ông Toản khẳng định.
Như vậy, có thể hiểu rằng lãnh đạo Samco không đồng tình với kết luận của thanh tra Thành phố. Vậy, đúng sai như thế nào, UBND TP.HCM cần phải có những phản biện rõ ràng trong vụ việc để người dân, dư luận có câu trả lời thích đáng.
Hàng loạt sai phạm, để “lọt” hàng tỷ đồng
Trước đó, Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến Công ty Samco và cá công ty đơn vị thành viên. Cụ thể, trong kết luận thanh tra cho thấy, tại Công ty TNHH MTV Bến xe Miền đông doanh thu hoạt động chính của công ty này là doanh thu qua bến, bốc xếp. Công ty thực hiện việc thu tiền qua bến đối với các loại xe tham gia vận chuyển hành khách theo giá của UBND Thành phố ban hành. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động xe ra vào bến đã có sai phạm, gây thất thoát ngân sách lớn.
Cụ thể, thanh tra TP.HCM đã chọn mẫu 58 ngày trong ba năm gồm 2015, 2016, 2017 và nhận thấy giữa số lượt xe xuất bến trong ngày nhiều hơn số lượt xe xuất bến được thu phí dịch vụ xuất bến. Chênh lệch số lượt xuất bến và số lượt thu phí dịch vụ xuất bến dao động 97-206 lượt/ngày. Tổng số lượt xe không thu phí dịch vụ khi xuất bến trong 58 ngày là 10.072 lượt.
Theo đơn giá thấp nhất 3.100 đồng/ghế và đối với xe ít chỗ nhất là 16 chỗ thì phí dịch vụ của mỗi lần xuất bến là 49.600 đồng/lượt. Mỗi ngày bình quân có 174 lượt xe xuất bến không thu phí dịch vụ thì Bến xe Miền Đông đã không thu được số tiền khoảng 8,6 triệu đồng/ngày, tính trong 58 ngày thì con số lên đến gần nửa tỷ đồng.
Ngoài ra, thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm khác tại Công ty bến xe Miền Đông như: Đơn vị này cho doanh nghiệp khác vay vốn không đúng quy định, không thực hiện đăng ký sử dụng đất và ký hợp đồng thuê đất, cho thuê tòa nhà văn phòng không đúng với quy định…
Bên cạnh những sai phạm tại bến xe Miền Đông, thanh tra cũng chỉ ra nhiều sai phạm tại công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé. Cụ thể, công ty Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các cổ đông khác góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Tân Cảng - Phú Hữu với hình thức cho Công ty Cổ phần Tân Cảng Phú Hữu thuê lại toàn bộ Cảng Phú Hữu thực chất là hợp tác thành lập pháp nhân mới. Sau đó, Cảng Bến Nghé cho thuê lại cơ sở hạ tầng nêu trên là thực hiện không đúng ý kiến của UBND TP.HCM.
Kết luận thanh tra chỉ ra rằng, UBND thành phố chỉ cho phép Công ty Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, không phải hợp tác với Công ty Cổ phần Tân Cảng - Phú Hữu. Do đó, việc Công ty Cảng Bến Nghé cho Công ty Cổ phần Tân Cảng - Phú Hữu thuê toàn bộ cơ sở hạ tầng của cảng Phú Hữu là không đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013 thì tổ chức thuê đất, ký hợp đồng trả tiền thuê đất hàng năm không có quyền cho thuê tài sản trên đất. Vì vậy, việc Công ty Cảng Bến Nghé cho thuê toàn bộ cơ sở hạ tầng của cảng Phú Hữu là không đúng quy định.