Các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer rất phong phú, đặc sắc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như: Pithi Chol Cham Thmay (lễ vào năm mới), Pithi Sene Dolta (lễ cúng ông bà), Ok Om Bok (lễ đút cốm dẹp), Bon Kâm San Srok (lễ cầu an)... Đặc biệt, huyện Tịnh Biên và Tri Tôn có lễ hội đua bò rất đặc sắc diễn ra vào dịp lễ Dolta vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 (âm lịch), được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hàng năm thu hút hàng vạn du khách.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng người Khmer huyện Tịnh Biên tập trung ở 3 xã: An Hảo, Vĩnh Trung và Văn Giáo. Tại xã An Hảo gần khu du lịch núi Cấm, thuận tiện thu hút khách du lịch đến với du lịch cộng đồng. Ở nơi đây, chùa có khuôn viên rộng, có không gian thoáng đãng, có câu lạc bộ văn nghệ Khmer. Bên cạnh đó, núi Bà Đội Om có thể tổ chức cho khách tham quan, khám phá thiên nhiên và du lịch tâm linh. Tại xã Vĩnh Trung có lễ hội đua bò đã được công nhận lễ hội cấp quốc gia. Đây là cơ hội tốt để quảng bá du lịch và góp phần gìn giữ nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.
Chùa ở đây có kiến trúc đẹp, khuôn viên rộng, có dàn nhạc ngũ âm... phục vụ khách du lịch. Đội xe ngựa là phương tiện giao thông của người Khmer ở vùng núi, cần củng cố phát triển phục vụ khách tham quan. Chùa Khmer còn lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rất độc đáo đó là kinh lá buông. Đây là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc chữ trên lá buông của người Khmer, viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali, xuất hiện từ thế kỷ XIX. Hiện nay, loại kinh này được lưu giữ tại 30/65 chùa Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với trên 100 bộ kinh Phật.
Tại các chùa Khmer còn có dàn nhạc ngũ âm và là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống của cộng đồng Khmer, như: múa lâm thôn, múa răm vông, saravan... Về văn hóa dân gian và nghệ thuật cổ truyền, người Khmer có kho tàng phong phú về truyện cổ thần thoại, truyền thuyết... đặc biệt là sân khấu truyền thống dù kê, dì kê độc đáo. Đường thốt nốt và các sản phẩm chế biến từ thốt nốt là đặc sản nổi tiếng cả nước. Tuy nhiên, người dân nơi đây chưa hiểu biết và chưa có nhiều kinh nghiệm làm du lịch, thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Tại xã Văn Giáo có làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo cổ truyền nổi tiếng của người Khmer, gần khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư. Tuy nhiên, làng nghề có nguy cơ bị mai một, thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
TS Đào Ngọc Cản (Trường Đại học Cần Thơ) đề xuất, cần tạo điều kiện cho người dân tự đứng ra tổ chức các hoạt động du lịch có tư vấn, hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ nhóm nghiên cứu và chính quyền đoàn thể và địa phương. Cần đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ và sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng yếu tố đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Cần xây dựng bãi đậu xe cho khách du lịch, kết hợp với các cơ sở dịch vụ du lịch như: bán đồ ăn uống, quà lưu niệm, đặc sản... và xây dựng các cơ sở lưu trú cho khách theo mô hình nhà cộng đồng hoặc nghỉ tại nhà dân (homestay). Phát triển các cơ sở ăn uống gắn với cơ sở lưu trú; xây dựng khu vệ sinh công cộng, cải tạo cảnh quan môi trường.
Để phát triển xứng tầm, cần đặc biệt quan tâm phát triển du lịch làng nghề như: dệt thổ cẩm, các sản phẩm từ thốt nốt... Nghiên cứu phát triển nghề làm tranh thốt nốt phục vụ khách du lịch. Khai thác các hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với sinh hoạt cộng đồng phục vụ du lịch: múa hát, nhạc ngũ âm, trò chơi dân gian... Khai thác các lễ hội truyền thống như đua bò, nghiên cứu phát triển thành sự kiện văn hóa - du lịch. Thành lập các tổ hướng dẫn du lịch kết hợp nghiên cứu xây dựng các bài thuyết minh hấp dẫn để giới thiệu với du khách về văn hóa Khmer. Xây dựng tour, tuyến du lịch cộng đồng kết hợp các điểm du lịch núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, Châu Đốc... Tổ chức chương trình du lịch thử nghiệm (farmtrip) mời mời đại diện các công ty du lịch và báo chí tham gia để giới thiệu, quảng bá về du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.
Có thể khẳng định, tiềm năng du lịch cộng đồng người Khmer ở huyện Tịnh Biên rất lớn, gắn liền với những nét văn hóa bản địa của cộng đồng rất độc đáo và đặc sắc không phải nơi nào cũng có, do đó, để phát triển du lịch cộng đồng người Khmer ở huyện Tịnh Biên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ tỉnh đến cơ sở.