Thực hiện mô hình chính quyền đô thị, đòi hòi đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) nâng cao từ bản lĩnh đến chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu công việc, dám nói dám làm. Đó là vấn đề được nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đã trao đổi với PV.
PV: Để triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể, hướng dẫn thực hiện. Liên quan đến cơ chế chính sách, liên quan công tác cán bộ khi bỏ HĐND cấp phường đang nhận được sự quan tâm lớn, trong đó Bộ Nội vụ đề xuất biên chế công chức bình quân tại UBND phường là 15 người, theo ông có hợp lý?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đúng là chủ trương này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt, trong đó nhiều ý kiến đề nghị số công chức tại UBND phường dao động từ 15 - 20 người, tùy quy mô mỗi phường. Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm nên linh hoạt, điều chỉnh số công chức giữa phường này với phường kia, rồi tính tổng số công chức của địa phương đó; nếu “cứng” UBND phường nào cũng 15 người thì rất khó, vì quy mô mỗi phường khác nhau. Phường nào có dân số lớn hơn thì nhiều giao dịch hành chính hơn, nên cũng cần đội ngũ lớn hơn mới đáp ứng được.
Về việc cho phép Hà Nội khi thực hiện chính quyền đô thị có thể ký hợp đồng làm việc tại bộ phận chuyên môn, tôi lại thấy không nên. Bởi đây là những vị trí quản lý Nhà nước (có thể quyết định về quyền lực Nhà nước) để giải quyết công việc với công dân thì không nên ký hợp đồng.
Tôi cũng đề xuất khi đã triển khai chính quyền đô thị, ngay những việc cấp sổ đỏ, công chứng… đều nên chuyển sang là dịch vụ hành chính công, giao tổ chức xã hội tư nhân có đủ tư cách làm, sẽ giúp bộ máy Nhà nước bớt CBCC đi. Nếu vẫn phải làm những việc đó, bộ máy Nhà nước vẫn cồng kềnh. Nhà nước chỉ nên tập trung vào xây dựng thể chế, chính sách, quy hoạch…, và thực hiện kiểm tra giám sát.
PV: Theo lộ trình, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. Với số CBCC dôi ra khi bỏ HĐND cấp phường, nên được giải quyết sao cho hợp lý?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Với những CBCC này, chúng ta nên cố gắng sắp xếp tối đa trong quy định, còn nếu không thể sắp xếp vào vị trí nào nữa thì cần áp dụng việc tinh giản biên chế theo quy định. Nếu không, sẽ tiếp tục “tóp” chỗ này lại “phình” chỗ kia. Chính sách nào đúng cần được ủng hộ, mỗi cá nhân nên chịu thiệt thòi vì lợi ích chung. Song, tôi cũng nghĩ số CBCC dôi dư này tại TP là không nhiều.
PV: Theo ông, đội ngũ CBCC của Hà Nội cần đáp ứng điều kiện gì để giúp mô hình quản lý mới hoạt động hiệu quả nhất?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Khi không còn HĐND phường, mọi người lo không còn cơ quan ở cấp phường giám sát hoạt động của UBND phường. Song, thực ra còn rất nhiều thiết chế khác cũng thực hiện được chức năng giám sát, như cơ quan Đảng, đại biểu Quốc hội, Quận ủy hay HĐND cấp quận; MTTQ giám sát phản biện xã hội; kể cả nhiều cơ quan giám sát từ bên ngoài (cơ quan thông tin đại chúng…). Nếu họ làm đến nơi đến chốn vai trò giám sát thì không gì đáng lo cả; chỉ khi họ làm không tốt, mới lo sai phạm không bị phát hiện.
Trước bối cảnh đó, CBCC của TP cần liên tục nâng cao từ bản lĩnh đến chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu công việc, dám nói dám làm. Đây là vấn đề cải cách hành chính của TP đã được đề cập nhiều nhưng câu hỏi vẫn đặt ra là thực hiện được không? Điều đó liên quan mật thiết đến vai trò giám sát có được thực hiện tốt, CBCC tại mỗi vị trí phát hiện cái sai có dám phản ánh, hay “gió chiều nào theo chiều đó”.
Nói chung, bỏ HĐND phường là bớt đi một cơ quan giám sát ở địa phương nhưng có rất nhiều cơ quan khác có thể thực hiện cơ chế giám sát quyền lực. Quan trọng là vai trò giám sát được thực hiện hiệu quả, CBCC dám nói dám làm, MTTQ dám nói tiếng nói của người dân. Cơ chế giám sát phản biện phải rất chuẩn, phát huy được hiệu quả giám sát phản biện của MTTQ, Nhân dân, của tổ chức cấp trên của phường, cơ quan truyền thông...
Xin cảm ơn ông!