Du lịch Quảng Nam là một chuỗi những bất ngờ đặc biệt. Ở đó có sự thâm trầm của một đô thị cổ nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn, lưu giữ gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như: phố sá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa… Ở đó cũng có sự hoang sơ, kỳ vĩ của thiên nhiên với biển Cửa Đại, biển An Bàng hay đảo Cù Lao Chàm đẹp như bút tích của bức tranh thuỷ mặc. Tất cả những điều kiện trên hội tụ đủ để thúc đẩy Quảng Nam thành “thiên đường” du lịch và phát triển mạnh các khu nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, gần 20 năm kể từ sau khi tách tỉnh khỏi Đà Nẵng (năm 1997), BĐS du lịch, nghỉ dưỡng của Quảng Nam dường như vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của “người anh lớn”.
BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đất Quảng chỉ gói gọn là những nhà nghỉ, khách sạn, resort nhỏ trong lòng phố cổ hay dịch vụ homestay tự phát ở Cù Lao Chàm... mà khan hiếm lựa chọn về dịch vụ nghỉ dưỡng tiện nghi và đẳng cấp.
Trong khi đó, hàng loạt resort, khách sạn hạng sang ven biển Cửa Đại như Golden Sand Hội An, Fusion Alya,... được đầu tư hàng trăm tỷ đồng lại đang bị bỏ hoang, có nguy cơ “biến mất” vì bờ biển bị xâm thực.
Năm 2017, tổng lượt khách tham quan và lưu trú tại Quảng Nam ước đạt 5,35 triệu lượt, tăng 13,7% so với năm 2016 và đạt 103, 9% so với kế hoạch.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,8 triệu lượt, tăng 10,5%; khách nội địa ước đạt 2,55 triệu lượt, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Hội An được trang web du lịch nổi tiếng TripAdvisor công nhận là một trong top 25 điểm đến tốt nhất thế giới và top những thị trấn nhỏ nên ghé thăm trong đời do tạp chí du lịch Business Insider bình chọn.
Cuối năm 2017, Tạp chí The Culture Trip công bố danh sách 12 thành phố châu Á mọi người nên đến ít nhất một lần trong đời, trong đó có Hội An.
Biển An Bàng cũng lọt top 25 bãi biển đẹp nhất châu Á 2017 do du khách bình chọn trên trang web tư vấn du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor.
Lượng khách đến Hội An ngày càng tăng, nhưng theo tính toán của Tổng cục Du lịch, mỗi năm, Hội An đang thiếu trên 4.000 phòng. Cụ thể, lượng khách du lịch tăng trưởng gần 20%/năm, trong khi cơ sở lưu trú mới chỉ đáp ứng 56%.
Như vậy, sau thời gian dài “tĩnh lặng”, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng ở “thiên đường” này đã đến lúc thực sự cần cuộc “chuyển mình, trỗi dậy”.
Nhận xét về Quảng Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Về du lịch, lâu nay, nhắc tới Quảng Nam, chúng ta thường nghĩ đến Di sản văn hóa Hội An, Mỹ Sơn, đến bãi biển Cửa Đại, đến Cù Lao Chàm... Đây là những điểm du lịch lớn, thu hút rất nhiều du khách quốc tế và trong nước trong thời gian qua. Nhưng chừng ấy là chưa đủ. Muốn phát triển du lịch hiện đại và tạo được nguồn thu lớn từ lĩnh vực này, Quảng Nam cần quan tâm phát triển ngành du lịch - dịch vụ theo hướng đẳng cấp và thương hiệu, ví dụ như mô hình Khu du lịch, nghỉ dưỡng phức hợp”.