Dù đang là mùa hè nhưng Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng ở xã Bình Thạnh thường xuyên đóng cửa kín.Dứa, cỏ dại bao phủ ở khu vực cổng đón tiếp vào khu du lịch. Từ bờ biển nhìn vào, nhiều hạng mục, công trình trong khu du lịch gỉ sét, xuống cấp, hư hỏng nặng.Nhiều nhà xây dở dang với kính vỡ nát, cửa hoai mục, hoen gỉ, cỏ dại um tùm vây quanh. Người dân địa phương cho biết những trận bão đã khiến một số công trình bị hư hỏng.
Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng, xã Bình Thạnh được Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cấp giấy chứng nhận đầu tư gần 200 tỷ đồng vào năm 2005, do Công ty CP đầu tư Thiên Đàng (đến nay đã sát nhập vào Công ty CP đầu tư phát triển Nam Quảng Nam) làm chủ đầu tư. Đến năm 2017, sau khi điều chỉnh, dự án này tổng số vốn đầu tư nâng lên gần 8.000 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích khoảng hơn 100 ha tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn.
Theo tham vọng của nhà đầu tư, dự án nhằm đón đầu nguồn du khách và nhà đầu tư đi, đến từ sân bay Chu Lai cùng công nhân, kỹ sư, chuyên gia đến làm việc tại Khu kinh tế ven biển Dung Quất và Chu Lai. Thế nhưng, đến nay, dự án mới chỉ triển khai hoàn thành giai đoạn 1 phần Khu Thiên Đàng Bốn Mùa rộng khoảng 32 ha và đang triển khai dang dở giai đoạn 2 với các phân như: Thiên Đàng mùa Đông, Thiên Đàng mùa hè, Thiên Đàng mùa xuân, Thiên Đàng mùa thu với tổng diện tích 74 ha nhưng do vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Bà Trần Thị Lan (trú thôn Trung An, xã Bình Thạnh) cho biết, thời gian đầu, thấy chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng hy vọng người dân địa phương có thể xin vào khu lịch này để làm. Nhưng hơn 10 năm qua, một số công trình này thi công ì ách, một số công trình bỏ hoang gây lãng phí quỹ đất.
“Khu du lịch vắng khách nên công nhân tận dụng đất trong khu du lịch này để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngay trong khu quy hoạch dự án này, có nhiều khu đất chưa được nhà đầu tư đền bù cho dân, song người dân vẫn không được sản xuất”- bà Trần Thị Lan bức xúc.
Ông Lê Tấn Khánh- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng sử dụng trên 106 ha đất của Bình Thạnh, nhưng chủ đầu tư mới phối hợp với xã đền bù giai đoạn I hơn 32,41 ha. Với hơn 74 ha còn lại, Công ty cổ phần Đầu tư Thiên Đàng không phối hợp với chính quyền, mà tự ý thỏa thuận và chi trả với người dân, nên chi trả bồi thường không theo vùng, chỉ hộ nào thỏa thuận rồi thì mới chi trả. Hiện còn 19/74,2 ha đất chưa đền bù. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án này chậm tiến độ.
“Khi dự án triển khai, đường bờ biển không đi được khiến cho những hộ đánh bắt gần bờ phải đi vòng đường xa hơn 3-4km mới có thể ra chỗ neo đậu tàu, thuyền. Còn những hộ làm nông nghiệp thì bị ảnh hưởng môi trường và vấn đề đi lại do đền bù theo từng khu đất thỏa thuận mà không đền bù theo kiểu cuốn chiếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân”- ông Khánh nói.
Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi đánh giá, khu du lịch có điều kiện đất đai, tài nguyên rất quý để phát triển du lịch. Song, dự án triển khai rất chậm, sử dụng đất lãng phí, không phát huy được tiềm năng, không tạo ra việc làm cho người dân địa phương, gây bức xúc trong dân.
Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, tình trạng này chủ yếu do chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện cam kết với tỉnh và huy động đủ nguồn vốn thực hiện dự án, có biểu hiện cầm chừng, năng lực dự báo thị trường, quản lý, vận hành hạn chế.
Trước tình hình này, Bí thư Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư cần khảo sát, lập điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 1/500 dự án khu du lịch sinh thái Thiên Đàng để phù hợp với tình hình thực tế. Nếu chủ đầu tư tiếp tục chậm tiến độ thì tỉnh kiên quyết thu hồi, tạo cơ hội để thu hút các nhà đầu tư khác.