Ngày 15/1, ông Hồ Minh Hoàng - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả - chủ đầu tư Dự án hầm đường bộ Cù Mông cho biết, hầm nối Bình Định và Phú Yên vượt tiến độ gần 3 tháng, khi thông xe sẽ rút ngắn 20 phút thời gian qua lại giữa hai tỉnh, so với hơn 30 phút đường đèo. "Dự kiến sau Tết Nguyên đán chúng tôi tiến hành thu phí", đại diện chủ đầu tư nói.
Được khởi công từ cuối tháng 9/2015, dự án có tổng vốn hơn 4.627 tỷ đồng, với tổng chiều dài hơn 6,6 km. Trong đó, hầm dài 2,6 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn hầm qua núi của Nhật Bản, chịu được động đất cấp 7. Còn lại là đường dẫn dài hơn 4 km.
Tương tự hầm Đèo Cả nối Phú Yên và Khánh Hòa, hầm Cù Mông gồm hai ống cách nhau 30 m. Mỗi ống rộng gần 10 m, được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc với hai làn ôtô, tốc độ 80 km/h. "Trước mắt công ty đưa vào khai thác một ống phía Tây, ống còn lại để lánh nạn", ông Hoàng cho biết.
Trước đó, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các Công trình xây dựng đã tổ chức nghiệm thu hầm Cù Mông. Các chuyên gia cho rằng hầm căn bản đáp ứng yêu cầu về thiết kế, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư để đảm bảo chất lượng, đưa công trình vượt tiến độ. Ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Phó chủ tịch Hội đồng cho hay sẽ sớm ra kết luận nghiệm thu.
Hầm Cù Mông là dự án đầu tiên trong bốn dự án giao thông trọn điểm toàn quốc hoàn thành trong năm 2019. Ba dự án còn lại là đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, cầu Vàm Cống.
Theo chủ đầu tư, hầm được sử dụng sẽ xóa điểm đen tai nạn giao thông, tạo điều kiện giao thương, liên kết vùng và phát triển kinh tế khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là hầm đường bộ dài thứ ba ở Việt Nam, sau hầm Hải Vân (dài hơn 6,28 m) - khánh thành tháng 6/2005 và hầm Đèo Cả (dài hơn 4 m) - thông xe tháng 7/2017.
Đèo Cù Mông dài 7 km, đỉnh đèo cao 245 m, độ dốc 9%, là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam. Cùng với quốc lộ 1D nối TP Quy Nhơn với thị xã Sông Cầu, đèo này là một trong hai đường chính nối Bình Định và Phú Yên. Nhiều ôtô, xe tải từng gặp nạn khi đi qua đèo.