Trong số 7 dự án được kiến nghị thì chủ yếu là các dự án mở rộng đường vào cảng Cát Lái vì đây là điểm “nóng” về kẹt xe trong nhiều năm qua.
Các dự án cụ thể được đề xuất gồm: Xây dựng đoạn 1 (đường vành đai 2) từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội bao gồm nút giao Bình Thái (9.047 tỷ đồng); đoạn 2 (đường vành đai 2) từ ngã tư Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng tổng mức đầu tư 5.569 tỷ đồng; mở rộng đường vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy (1.219 tỷ đồng); mở rộng, đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh (1.018 tỷ đồng).
Xây dựng giai đoạn 2, nút giao Mỹ Thủy với tổng mức đầu tư 3.622 tỷ đồng để giải tỏa ùn tắc vào cảng Cát Lái.
Ở khu vực phía Nam - nơi có cảng Hiệp Phước, trục đường Bắc - Nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (quận 7, huyện Nhà Bè) được kiến nghị mở rộng lên 6 làn xe với tổng mức đầu tư 7.013 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư cho 7 dự án mở đường vào cảng biển TP.HCM là gần 27.500 tỷ đồng. Nếu được chính quyền TP.HCM chấp thuận, phải mất từ 1 - 3 năm nữa thì bảy dự án nói trên mới hoàn thành, trong khi từ 1/7/2021 TP.HCM sẽ bắt đầu tiến hành thu phí hạ tầng cảng biển với mức thu thấp nhất là 15.000 đồng/tấn (đối với hàng lỏng, hàng rời); cao nhất là 4,4 triệu đồng đối với container 40 feet.
Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, căn cứ vào sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của TP.HCM là 5,3 triệu TEU (không bao gồm vận chuyển nội địa) số tiền thu về là hơn 3.200 tỷ đồng. Mức thu này có thể tăng trong các năm tiếp theo khi lượng hàng qua cảng biển tăng.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, số vốn thu được sẽ bổ sung thêm để cùng với vốn ngân sách xây dựng các tuyến đường dẫn vào cảng biển nhằm giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics.
Về tác động của việc thu phí hạ tầng cảng biển đến chi phí vận tải, Sở Giao thông Vận tải tính toán chi phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển chiếm chưa tới 4% chi phí vận tải của một container xuất nhập khẩu.
Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng, doanh nghiệp phải đóng phí hạ tầng cảng biển từ 1/7 tới mà đường chưa làm xong, chi phí vận tải chưa giảm là điều không công bằng. Các doanh nghiệp cho rằng nhà nước nên bỏ vốn ngân sách làm đường trước sau đó mới thu phí thì sẽ đảm bảo công bằng hơn vì khi đường không còn ùn tắc chi phí giảm thì doanh nghiệp dễ chấp nhận đóng phí hơn.