Đây là đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa gửi Bộ Công thương, và nếu được thông qua thì đây là sẽ một trong những dự án điện có vốn đầu tư đắt đỏ.
Có nhiều nguyên nhân được PVN đưa ra để giải thích cho tình trạng đội vốn ngàn tỉ của Nhiệt điện Long Phú 1 (tỉnh Sóc Trăng) nhưng không thể bỏ qua tình trạng triển khai dự án ì ạch trong gần 10 năm qua.
Nhiệt điện Long Phú I được Chính phủ giao PVN làm chủ đầu tư từ năm 2010, với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 29.500 tỉ, nhưng sau 9 năm triển khai, dự án đã tăng vốn lên 41.200 tỉ, đội vốn thêm 11.600 tỉ đồng.
Theo PVN, nếu tính cả chi phí phát sinh kết cấu thép của dự án, nhiệt điện Long Phú 1 sẽ đội vốn lên tới 15.400 tỉ, trong đó chi phí xây dựng dự án tăng 4.087 tỉ đồng do bổ sung dự toán chi phí một số hạng mục công trình, điều chỉnh tỉ giá USD, đơn giá vật liệu, nhân công, ca máy thi công.
Các chi phí thiết bị của dự án nhiệt điện Long Phú 1 cũng được điều chỉnh tăng 5.104 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án tăng 522 tỉ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng tăng 596,4 tỉ đồng.
Đặc biệt, các "chi phí khác" của dự án tăng tới 3.021,6 tỉ đồng chỉ do cập nhật lại giá trị hợp đồng EPC, giá trị hợp đồng tư vấn, và cập nhật lãi vay trong quá trình thực hiện dự án.
Trước đó, hợp đồng EPC (thiết kế - xây dựng - chuyển giao) dự án nhiệt điện Long Phú 1 được PVN và liên danh tổng thầu OJSC Power Machines và Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (liên danh PM-PTSC) ký năm 2010.
Dự án được khởi công từ đầu năm 2011 và dự kiến hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào tháng 5-2015, tổ máy 2 vào tháng 9 - 2015.
Trong báo cáo gửi tới Bộ Công thương mới đây về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nhiệt điện Long Phú 1, PVN cho biết việc thu xếp thêm vốn cho dự án khó bảo đảm khi nhà thầu PM (Nga) không thực hiện các cam kết trách nhiệm thu xếp vốn theo hợp đồng EPC, cũng như cơ chế hỗ trợ từ chính phủ hai nước Việt Nam và Nga.
Dự án nhiệt điện Long Phú 1 được thực hiện theo hình thức BOT, thời gian hoàn vốn dự án 21 năm.
Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án sẽ tăng giá bán điện của dự án lên mức 1.747,7 đồng/kWh, cao hơn mức giá bán lẻ điện hiện hành trong khu vực khoảng 1.715,8 đồng/kWh.
Đây cũng là dự án nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) và đang được áp dụng cơ chế đặc thù, đồng thời cũng là dự án nằm trong chương trình hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật giữa hai Chính phủ Liên bang Nga và Việt Nam.