Vắng vẻ, đìu hiu
Cuối tuần qua, ĐTTC đã có chuyến đi thực tế ghi nhận thị trường nhà đất tại Cần Giờ trước thông tin huyện đảo này đang diễn ra sốt đất. 9 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại bến phà thuộc xã Bình Khánh. Đây là khu vực đông dân cư sinh sống, cửa hàng, quán xá sầm uất, đồng thời cũng là địa bàn có văn phòng môi giới nhà đất mọc lên như nấm từ các đợt sốt đất từng xảy ra tại Cần Giờ.Đảo một vòng quan sát, các điểm giao dịch nhà đất dường như không một bóng người ra vào, thậm chí có nơi cửa đóng then cài. Bên trong các quán cà phê ven đường cũng không xuất hiện nhà đầu tư, cò đất tụ tập bàn tán chủ đề nhà đất nóng bỏng như lời đồn thổi.
Trong vai nhà đầu tư, phóng viên ĐTTC được anh B., chủ sàn giao dịch khu vực phà Bình Khánh, đưa đi xem vài lô đất tại ấp Bình An. Từ văn phòng giao dịch chạy thẳng đường Rừng Sác tầm 10 phút, chiếc xe máy anh B. điều khiển bắt đầu rẽ vào con đường đất gập ghềnh, 2 bên đồng không mông quạnh.Dừng xe trước ao nước sâu chừng ngang đầu gối, anh B. giới thiệu lô đất 4 mặt tiền 1.000m2, đã chuyển thổ cư 300m2, giá bình quân 14 triệu đồng/m2. Thấy khách chưa ưng ý, người môi giới chở đến 3 lô đất sâu bên trong có giá mềm hơn. Cụ thể, lô đất diện tích 2.800m2 rao bán với giá 2 triệu đồng/m2; lô đất 5.200m2 rao bán 1,5 triệu đồng/m2; lô đất mặt tiền đường Bà Sáng 8.400m2 rao bán với giá 2 triệu đồng/m2.
Theo anh B., những lô đất nói trên 2-3 năm trước giá rẻ bèo, vì đó là đất ruộng muối, đất nuôi trồng thủy sản, đất vườn, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Bất chấp rủi ro, thời gian qua giới đầu tư đã âm thầm thâu tóm. Mỗi khi có diễn biến mới về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, họ tìm cách tạo sóng, thổi giá.“Từ đầu năm đến nay thị trường nhà đất Cần Giờ thanh khoản chậm. Dù vậy tôi nhận định thị trường vẫn còn nhiều dư địa ở tầm nhìn dài hạn. 5-10 năm tới, sẽ khó lường trước được điều gì xảy ra khi Cần Giờ trở thành điểm đến du lịch đối trọng của Vũng Tàu” - anh B. chia sẻ.
Từ xã Bình Khánh, chúng tôi tiếp tục vượt 40km tuyến đường độc đạo Rừng Sác để đến thị trấn Cần Thạnh - nơi được xem là tâm điểm sốt đất Cần Giờ. Đã hơn 2 giờ chiều, từ các điểm giao dịch nhà đất dọc đường Duyên Hải, lẫn trong các khu dân cư đều vắng vẻ bất thường, thậm chí gọi cửa không ai đón tiếp.Chúng tôi ghé vào một quán cà phê ven đường tránh cái nắng oi bức gần 40oC. Tại đây, một người phụ nữ trung niên bàn bên cạnh liền tiếp cận và ngỏ ý muốn bán một lô đất vườn rộng gần 1ha ở xã Long Hòa với giá 5,5 triệu đồng/m2.
“Lô đất vuông vức, phù hợp chuyển đổi mục đích xây nhà hàng, nhà nghỉ. Tôi và 3 người khác vay ngân hàng hùn vốn đầu tư, nhưng nay chúng tôi quyết định chuyển nhượng thu hồi vốn do áp lực trả nợ vay. Mức giá này quá tốt để đầu tư. Bởi đất mặt tiền dọc đường Duyên Hải đã bị nhà đầu tư lớn gom hết, muốn mua cũng không ai bán ” - người phụ nữ thuyết phục tôi.
Tăng nhẹ, không sốt nóng
Anh Khải, một môi giới lâu năm trên địa bàn cho biết, đất Cần Giờ hiện đã xác lập mặt bằng giá khá cao, nhất là đất thổ cư, đất thổ vườn diện tích nhỏ, khả năng đầu tư sinh lợi ngắn hạn khá thấp. Với lại, muốn mua cũng khó do giá nhà đầu tư lướt hàng chục lần. Còn những lô đất nuôi trồng thủy sản, đất vườn diện tích lớn từ 1 đến vài ha, giá trị lớn đòi hỏi nhà đầu tư phải có tiềm lực tài chính hoặc liên kết nhóm đầu tư hùn vốn. Chính vì vậy, nhà đất Cần Giờ đang dần kén khách và kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư sành sỏi.
Khảo sát cho thấy, so với cùng kỳ năm 2018, ở những khu vực đô thị hóa cao như xã Bình Khánh, Cần Thạnh, An Thới Đông, Long Hòa… giá đất tăng bình quân 10-15%. Cụ thể, tại xã Bình Khánh, đất thổ cư xung quanh UBND xã giá trung trình 15-16 triệu đồng/m2; đất thổ vườn, đất nuôi trồng thủy sản giá 2-4 triệu đồng/m2.Khu vực thị trấn Cần Thạnh, dọc trục đường Duyên Hải đi theo hướng về UBND huyện Cần Giờ giá đất vườn trung bình 25-30 triệu đồng/m2. Trong khi đó hướng về xã Long Hòa đất vườn có giá 8-10 triệu đồng/m2, đất vườn thổ giá 15 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, ấp Hòa Hiệp giá đất hiện cũng tăng vọt lên mức 25-26 triệu đồng/m2.
Lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM Chi nhánh huyện Cần Giờ, cho biết trong 3 tháng đầu năm, cơ quan này tiếp nhận và giải quyết 151 hồ sơ liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (cấp mới, cấp đổi, tách hợp thửa). Bên cạnh đó, có 172 hồ sơ đăng ký xác nhận thay đổi chủ sở hữu nhà, đất (đã giải quyết 150 hồ sơ, đã xác nhận thay đổi trên trang 3, 4 của giấy chứng nhận và 22 hồ sơ có trả lời thư chưa đủ điều kiện).
Trao đổi với ĐTTC, đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Cần Giờ, cho biết dự án xây dựng cầu Cần Giờ đang triển khai giai đoạn ý tưởng quy hoạch, chính quyền địa phương chưa tiến hành kiểm kê, bồi thường giải phóng mặt bằng, nên cũng không biết lúc nào khởi công. Hiện huyện Cần Giờ mới có 2 dự án khu dân cư được triển khai đó là Phước Lộc (Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Phước Lộc) và Cần Giờ (CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TPHCM - Fideco).
Hiện nay, UBND TP đang giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các cơ quan, UBND huyện Cần Giờ lập quy hoạch phân khu 1/5.000 trên cơ sở ý tưởng quy hoạch chung huyện Cần Giờ đã được chọn. Vì vậy, UBND TP đang tạm dừng xem xét chấp thuận chủ trương các dự án. Về việc phân lô, tách thửa, Phòng TN-MT đã tham mưu cho UBND huyện Cần Giờ quản lý rất chặt chẽ theo Quyết định 60 của UBND TP.
Giao dịch bất động sản trên địa bàn Cần Giờ những tháng đầu năm diễn ra bình thường ở phân khúc đất vườn, đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Không có chuyện sốt nóng, nhất là sau khi có thông tin về dự án xây dựng cầu Cần Giờ như báo chí đưa tin. Ông Kha Văn Phước,Trưởng Phòng TN-MT Cần Giờ |