Thống kê mới nhất của Tổng Cục Du lịch Việt Nam ghi nhận lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm tới nay.
Cụ thể, cả tháng 6, Việt Nam chỉ đón gần 1,2 triệu lượt khách, giảm 10,6% so với tháng 5 và chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, thị trường lớn nhất là Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh trong tháng 6, chỉ đạt khoảng 347.000 lượt khách đến, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ... có tăng nhưng ở mức độ nhẹ.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, mức tăng trưởng khách quốc tế đang có dấu hiệu chững lại, chỉ đạt xấp xỉ 8,5 triệu lượt (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018). Nhìn vào các con số trên và so với mục tiêu năm 2019 mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5 – 18 triệu lượt khách quốc tế thì nhiệm vụ 6 tháng cuối năm được coi là khá nặng nề.
Những dấu hiệu chững lại của lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đặt ra nhiều lo ngại cho ngành du lịch nói chung và thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng.
Sự sụt giảm chỉ mang tính thời điểm
Đánh giá về các con số thống kê mức tăng trưởng ngành du lịch nửa đầu năm 2019, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, không nên quá áy náy khi nhìn vào những con số thống kê cho thấy sự chững lại của khách du lịch vào Việt Nam nửa đầu năm nay, bởi sự sụt giảm này chỉ mang tính thời điểm và chưa có gì đáng ngại. Thay vào đó, chúng ta nên nghĩ cách làm sao để tăng và thu hút nhiều hơn nữa lượng khách quốc tế.
“Sự phát triển của một ngành thì không thể đòi hỏi lúc nào cũng tăng, ở nhiều thời điểm, các con số có thể biểu hiện sự sụt giảm nhưng quan trọng là xu hướng chung vẫn tăng. Nên chúng ta không nên nhìn vào con số giảm một chút trong tháng 6 mà có góc nhìn bi quan, vì sự giảm này chỉ mang tính tức thời.
Do thời điểm này, tình hình quốc tế đang có dấu hiệu nóng lên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra gay gắt hơn hay câu chuyện của Nam – Bắc Triều Tiên và những căng thẳng ở vùng vịnh… Tất cả những bất ổn, phức tạp đó đều có thể ảnh hưởng đến hứng thú của người dân các nước trong việc đi du lịch”.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chững lại cũng vì kinh tế Trung Quốc khó khăn hơn trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, điều này cũng không có gì đáng bàn.
“Hiện nay, tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc vẫn cao. Nhưng họ đến thông qua rất nhiều tour giá rẻ, thậm chí 0 đồng và có khi chúng ta không thu được đồng nào. Nên tôi cho rằng, con số khách du lịch không quan trọng lắm mà cốt yếu là thông qua du lịch, hình ảnh đất nước được quảng bá ra sao và thu về được bao nhiêu tiền”.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, nếu lượng khách sụt giảm liên tục và mang tính quy luật thì rất đáng phải bàn một cách nghiêm túc rằng liệu bất động sản có còn cơ hội hay không, bởi việc sụt giảm khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài sẽ tác động đến việc khai thác cũng như tỷ lệ lấp đầy của các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
“Du lịch phát triển thì sẽ trải thảm cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển theo. Đó là quy luật không thể phủ nhận. Một khi khách du lịch giảm thì độ lấp đầy của các bất động sản du lịch sẽ giảm đi. Một dự án bất động sản du lịch thường phải lấp đầy được 50% thì mới có thể mang lại hiệu quả, còn thấp hơn 50% thì sẽ có thể thua lỗ vì lãi rất ít.
Do vậy, nếu lượng khách du lịch giảm đến mức khai thác bất động sản lưu trú dưới 50% thì sẽ phải nhìn nhận lại, là do các khách sạn đối xử quá tệ khiến người ta không quay lại nữa hay do môi trường du lịch Việt Nam chưa hấp dẫn được người nước ngoài”, ông Võ nhấn mạnh.
Phát triển bất động sản nghỉ dưỡng phải chú trọng đến yếu tố văn hóa
Theo nhận định của GS. Đặng Hùng Võ, các nhà đầu tư cũng không nên bi quan quá khi nhìn vào những con số cho thấy sự chững lại của khách du lịch, mà phải nghĩ cách làm sao để thu hút nhiều hơn và giữ chân du khách để khai thác các sản phẩm bất động sản du lịch một cách hiệu quả nhất. Trong đó, cần quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn hóa trong việc phát triển các dự án, để các sản phẩm nghỉ dưỡng trở nên có hồn.
“Ở Thái Lan hay Indonesia, họ rất biết cách tạo ra sự thoải mái nhất cho khách du lịch đến. Tôi đã từng nghỉ lại một khách sạn ở Indonesia trong ngày sinh nhật và được tổ chức một tiệc sinh nhật nho nhỏ vì họ nắm được thông tin của tôi. Họ khiến tôi cảm thấy rất thú vị và ngỡ ngàng vì sao mình lại được tôn trọng đến như vậy. Còn chúng ta mới chỉ nghĩ đến việc xây được bao nhiêu nhà, làm được bao nhiêu đường, vốn đầu tư bao nhiêu mà chưa quan tâm khai thác nhiều đến hạ tầng văn hóa, trong khi văn hóa mới là yếu tố quyết định tính hấp dẫn đối với khách du lịch”, ông Võ phân tích.
Ông Võ cho hay, khách du lịch đến Việt Nam muốn tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm cuộc sống theo cách mà họ chưa thấy và sự tò mò mới là yếu tố thu hút họ đến chứ không phải sự tiện lợi của hạ tầng du lịch.
“Khi Phim Kong - Đảo đầu lâu quay tại 3 địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam là Hạ Long, Tràng An và Quảng Bình, lập tức trên thế giới biết đến nhiều hơn về các địa điểm này.
Từ khi phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khởi chiếu, khách du lịch trong và ngoài nước đến Phú Yên rất nhiều. Việc tuyên truyền xây dựng một hạ tầng văn hóa cho du lịch là điều bền vững nhất nhưng chúng ta vẫn còn làm lỗ chỗ chứ chưa thành một chính sách để phát triển văn hóa du lịch. Đó mới là điều cần phải tư duy, làm thế nào để văn hóa Việt Nam được trưng ra thế giới.
Chúng ta biết rằng, Hàn Quốc quảng bá dưới góc độ văn hóa Hàn Quốc đi đến đâu thì hàng hóa Hàn Quốc đi đến đó, họ dùng văn hóa để kêu gọi mọi người đến với mình thông qua phim ảnh, ẩm thực, thời trang”, GS. Đặng Hùng Võ nêu ví dụ.
Theo đó, GS. Võ cho rằng, các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cũng phải chủ động xây dựng những cơ sở lưu trú mang tính văn hóa, thay vì những kiến trúc vô hồn:
“Kiến trúc nói lên câu chuyện như Sơn Tinh, Thủy Tinh hay những câu chuyện mang tính thần thoại của Việt Nam, có thể hấp dẫn người nước ngoài như Tấm Cám, Thạch Sanh. Nếu kiến trúc mô tả được thì sẽ rất hấp dẫn và du khách sẽ tò mò, đồn đoán với nhau về sự hấp dẫn của nơi lưu trú đó.
Trong các bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, khâu kiến trúc nhất là kiến trúc gắn với thiên nhiên là một điều rất quyến rũ đối với khách du lịch nước ngoài, nhiều khi đến Việt Nam họ mới được trải nghiệm là ở trong một cơ sở lưu trú gắn với sông nước, gắn với suối, gắn với hoạt động độc đáo của người bản địa.
Bên cạnh đó, ở những nơi lưu trú, văn hóa ẩm thực là một yếu tố dễ hấp dẫn khách du lịch. Họ đến đây mới được ăn món này và họ cảm thấy rất ngon và lạ miệng, hoặc có thể uống một thứ cà phê chỉ ở đó mới có.
Tại những nơi lưu trú, nơi nào cũng phải tìm ra những món ăn đặc biệt của Việt Nam và hấp dẫn được khẩu vị của khách du lịch quốc tế. Các trang phục của người phục vụ cũng nên lấy từ những nét đặc trưng trong trang phục của địa phương. Đó là những thứ giúp níu chân khách du lịch nhiều nhất. Chúng ta hãy lấy đó làm triết lý phát triển văn hóa du lịch”.
Có thể nói thành công của các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nằm ở khâu khai thác chứ không phải đầu tư. Do vậy, chính các nhà đầu tư cũng cần chủ động tham gia vào câu chuyện làm thế nào để thu hút và giữ chân du khách chứ không chỉ chăm chú vào việc xây và bán các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Đó vừa là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản chân chính.
Thiết kế: Đức Anh