Mở rộng quy mô, không đánh mất cảnh quan
Lịch sử kiến tạo đô thị Đà Lạt được giới kiến trúc sư và chuyên gia quy hoạch thừa nhận rằng, đó là đô thị duy nhất ở Việt Nam có ngày sinh tháng đẻ. Bởi lẽ, khi hình thành đô thị Đà Lạt trên Cao nguyên Lâm Viên, vùng đất bình sơn nguyên dạng thung lũng cổ khi ấy còn rất hoang sơ và chỉ được quyết định xây dựng thành phố du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên ở xứ Đông Dương vào năm 1893.
Sau nhiều cuộc hội thảo khoa học thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia quy hoạch, thiết kế đô thị trong và ngoài nước, cùng với những hội thảo tìm kiếm chính sách, giải pháp thực hiện và ý kiến góp ý của người dân, cuối cùng bản đồ án “Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đã hoàn tất chờ phê duyệt.
Thành phố Đà Lạt được mở rộng quy mô về diện tích gấp 8 lần đô thị hiện hữu (rộng 39.271 ha) lên đến 335.930 ha với độ cao từ 850 m trở lên so với mực nước biển. Với diện tích quy hoạch này, thành phố Đà Lạt trở thành đô thị có quy mô diện tích lớn hơn thành phố Hồ Chí Minh và chỉ đứng sau Thủ đô Hà Nội trong hệ thống đô thị Việt Nam. Phạm vi mở rộng bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Đà Lạt hiện hữu và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng cùng với một phần huyện Lâm Hà gồm các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà và thị trấn Nam Ban.
Không gian kiến trúc đô thị cảnh quan của Đà Lạt tương lai dựa trên cơ sở phát huy đặc trưng địa hình, địa mạo, sinh cảnh rừng đặc dụng, rừng thông tự nhiên, mặt nước suối hồ và bảo tồn di sản kiến trúc cổ của Đà Lạt. Bất cứ một đô thị nào trong tiến trình phát triển cũng phải chịu nhiều áp lực, nhất là đô thị mang tính chất đặc thù, đặc biệt có một không hai trong vùng Đông Nam Á như Đà Lạt.
Theo PGS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - “Đà Lạt đứng trên đôi chân bảo tồn và phát triển. Nghĩa là nhất thiết phải bảo tồn các giá trị cốt lõi của Đà Lạt đó là quỹ kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên nhưng cũng cần đường hướng phát triển để trở thành một đô thị hiện đại giàu bản sắc. Do đó, cần có một triết lý hay một chiến lược phát triển khôn ngoan dựa trên cơ sở phát triển tiếp nối những giá trị sẵn có, đó là đô thị nghỉ dưỡng - sinh thái và di sản kiến trúc. Với triết lý này, bên cạnh Đà Lạt hiện hữu cần bảo vệ nghiêm ngặt, nên chăng hình thành chuỗi đô thị nhỏ mang bản sắc riêng, có đặc tính riêng, chức năng riêng”.
Điều đáng chú ý, trong lịch sử 120 năm thành hình và phát triển Đà Lạt, những ý tưởng quy hoạch, lập đồ án quy hoạch chung thành phố đều có dấu ấn của các kiến trúc sư Pháp qua các thời kỳ. Mới đây nhất là Ths.KTS Thierry Huau với đồ án “Điều chỉnh quy hoạch Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Sự hiển diện của các kiến trúc sư Pháp tham gia làm quy hoạch là sự may mắn đối với đô thị Đà Lạt khi sớm được tiếp cận với phương pháp, tư duy quy hoạch hiện đại.
Ths. KTS Thierry Huau cho rằng: Xuyên suốt 120 năm, từ đồ án quy hoạch đầu tiên đến nay Đà Lạt liên tục được kế thừa, phát triển quy hoạch từ các bản quy hoạch trước. Và với khí hậu đặc trưng, đô thị đặc biệt - một trong yếu tố trọng yếu mà không bản quy hoạch nào bỏ qua đấy là tính dễ vỡ về môi trường sinh thái, cảnh quan của Đà Lạt. Mấu chốt quy hoạch mở rộng Đà Lạt lần này là cần thiết kế nên cấu trúc đô thị dựa trên các giá trị di sản kiến trúc, bảo vệ tính thiên văn và hoạt động nông nghiệp thân thiện với môi trường. Lựa chọn hình thức kiến trúc là việc lớn cho ngày mai trên cơ sở phải cân bằng, hài hòa với môi trường cảnh quan.
Chuỗi đô thị vệ tinh
Đưa ra mô hình phát triển và cấu trúc đô thị đảm bảo phù hợp với quan điểm, mục tiêu phát triển, nhất là đặc thù sinh thái tự nhiên, không gian đặc trưng kiến trúc cảnh quan đô thị du lịch. Hạn chế mở rộng khu vực nội thành hiện hữu, phát triển khu đô thị mới gắn với các khu vực động lực phát triển kinh tế như: Làng đại học, khu du lịch sinh thái, khu công nghiệp chất lượng cao, khu thể thao, sân bay… tại ngoại thành và các đô thị vùng phù cận.
Theo đó, xây dựng đô thị trung tâm - Đà Lạt hiện hữu với cấu trúc không gian đô thị bao gồm: Trục di sản văn hóa - lịch sử theo hướng Đông Tây và chuỗi mặt nước là các tuyến cảnh quan xương sống của đô thị. Phát triển Đà Lạt theo mô hình tuyến vành đai, các trục hướng tâm theo hình nan quạt, kết nối với trục cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng, cảnh quan địa hình, công viên xanh.
Đồng thời xây dựng chuỗi đô thị vệ tinh với những chức năng riêng phù hợp với tích chất thành phố Đà Lạt mở rộng. Đó là xây dựng đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương trở thành đô thị đối trọng, nhằm chia sẻ chức năng đô thị với Đà Lạt và là đô thị cửa ngõ, giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và khu phi thuế quan cấp vùng… Kế tiếp là đô thị Finôm - Thạnh Mỹ ngoài chức năng trung tâm hành chính ra là đô thị chuyên ngành nghiên cứu công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao của quốc gia và quốc tế, trung tâm hội chợ, triển lãm về sản phẩm nông nghiệp cấp vùng. Xây dựng đô thị Lạc Dương trở thành trung tâm du lịch văn hóa dân tộc bản địa, nông nghiệp công nghệ cao… gắn với du lịch sinh thái, vùng cảnh quan thiên nhiên tự nhiên. Trung tâm kinh tế phía Đông vùng Đà Lạt là đô thị D’ran phát triển theo trục cảnh quan sông Đa Nhim, trung tâm du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tương tự, phía Tây thành phố Đà Lạt là đô thị Nam Ban phát triển theo trục vành đai, kết nối cảnh quan, làng nghề, du lịch nông nghiệp và văn hóa bản địa. Cuối cùng là đô thị Đại Ninh nơi xây dựng chuyên ngành du lịch dịch vụ gắn kết với du lịch sinh thái rừng, hồ nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia Tp.HCM thì đề án quy hoạch chung lần này, Đà Lạt không phát triển theo nguyên mẫu nào của đô thị Việt Nam mà có bước đi, cách thức riêng biệt. Việc Lâm Đồng lựa chọn mô hình phát triển khi mở rộng Đà Lạt gấp 8 lần hiện tại theo hướng vùng đô thị mà hạt nhân vẫn là thành phố Đà Lạt hiện hữu đó là lựa chọn khôn ngoan, không lặp lại những hạn chế của các đô thị tập trung hóa và phù hợp với xu thế thế giới đang làm.
Nếu xây dựng thành công theo mô hình đô thị vùng - chuỗi đô thị vệ tinh, có thể coi Đà Lạt là hình mẫu đầu tiên của Việt Nam mà theo như GS Aprodico A. Laquian - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu định cư Đại học British Columbia, Canada đã xác quyết rằng “kiến tạo vùng đô thị và phân quyền quản lý là hai hoạt động chính yếu trong phát triển và quản lý đô thị ở thế kỷ 21”...
Hiện đại và bản sắc
Với tầm nhìn phát triển, Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2050 trở thành vùng đô thị có ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á. Đó là đô thị với các công năng: trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch văn hóa lịch sử tầm quốc gia và quốc tế; trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Đô thị đặc thù về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp đặc trưng, vùng đô thị có chất lượng sống cao.
Việc lựa chọn hướng phát triển đô thị cho thành phố Đà Lạt mở rộng lần này đúng vào thời điểm Đà Lạt chạm cột mốc 120 năm hình thành và phát triển được xem như vận hội mới, nhưng cũng đầy thách thức đan xen nhau. Bởi vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững luôn là bài toán không đơn giản đặt ra đối với nhiệm vụ quy hoạch cũng như sự dẫn dắt đô thị Đà Lạt thực sự trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, cảnh quan và đa dạng sinh học - một trong những tính chất cốt lõi của đô thị Đà Lạt.
TSKH.KTS Ngô Viết Sơn Nam cho hay: “Tương lai Đà Lạt hiện đang đứng trước viễn cảnh phát triển tươi sáng, nếu như các nhà lãnh đạo hôm nay có thể dẫn dắt thành phố vượt qua các thử thách to lớn trong việc phát triển song song với việc bảo tồn môi trường và bảo tồn di sản”.
Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, với đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã phác họa hình ảnh thành phố Đà Lạt mới trong tương lai với chuỗi đô thị vệ tinh, liên kết nhau trong một nguyên tắc thống nhất. Đó là, vừa phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng đô thị, địa phương trong vùng quy hoạch; đồng thời đảm bảo việc gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc của một Đà Lạt truyền thống với khí hậu, rừng cảnh quan, không gian mặt nước, tính chất đô thị sinh thái. Song cũng kế thừa tính hiện đại về quy hoạch, kiến trúc đô thị thể hiện văn hóa, phong cách châu Âu nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao cuộc sống thị dân, tăng cường hình thức hoạt động cho một đô thị - du lịch - sinh thái ngang tầm quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.
Qua đó, đồ án đã tổ chức phân chia các vùng quy hoạch theo tính chất và chức năng chung. Phân định vùng phát triển và hạn chế phát triển. Giải quyết những vấn đề trực tiếp đến kinh tế - xã hội và đời sống của người dân trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa bảo tồn và phát triển trong sự hài hòa trên 3 phương diện: Giữ gìn bản sắc đặc trưng truyền thống của Đà Lạt, đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của con người và đảm bảo định hướng phát triển đô thị hiện đại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phân vùng phát triển Đà Lạt mở rộng đến năm 2030 Vùng đô thị:+ Thành phố Đà Lạt hiện hữu: Diện tích đất xây dựng 6.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 2.000 - 2.500 ha; dân số 250.000 người kể cả quy đổi khách du lịch. + Đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương: Diện tích đất xây dựng 2.600 ha, dân số từ 95.000 - 150.000 người. + Đô thị Finôm - Thạnh Mỹ: Diện tích xây dựng 1.700 ha, dân số từ 55.000 - 65.000 người. + Đô thị Lạc Dương: Diện tích xây dựng 300 ha, dân số từ 8.000 - 12.000 người. + Đô thị D’ran: Diện tích xây dựng 350 ha, dân số từ 18.000 - 21.000 người. + Đô thị Nam Ban: Diện tích xây dựng 500 ha, dân số từ 20.000 - 23.000 người. + Đô thị Đại Ninh: Diện tích xây dựng 350 ha, dân số từ 14.000 - 16.000 người. - Vùng phát triển nông nghiệp, nông thôn: Tổng diện tích 73.000 ha.- Vùng bảo tồn và phát triển rừng: Tổng diện tích 232.000 ha.- Vùng phát triển du lịch sinh thái và du lịch hỗn hợp: Tổng diện tích 6.500 ha. |