Thị trường bất động sản TP.HCM bắt đầu vào mùa

Thị trường bất động sản TP.HCM bắt đầu vào mùa; Doanh nghiệp môi giới địa ốc muốn “lên đời"; Toàn cảnh khu đô thị "ma" Nhơn Trạch qua những cơn sốt đất... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

03:30 14/09/2018

Thị trường bất động sản TP.HCM bắt đầu vào mùa

Theo số liệu từ một số công ty nghiên cứu thị trường như CBRE, DKRA và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nửa đầu năm 2018, thị trường bất động sản TP.HCM chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt về cả nguồn cung mới và thanh khoản so với cùng kỳ.

Cụ thể, số căn hộ đưa ra thị trường giảm đến 44,5% so với năm 2017 và mức giảm này xuất hiện ở cả 3 phân khúc chính là căn hộ cao cấp, trung cấp, bình dân.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, nhiều khả năng, tình trạng này sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm. Bởi thông thường, quý I và quý II là thời điểm nhiều doanh nghiệp nghe ngóng tình hình để chuẩn bị tâm thế cho việc bung hàng từ quý III trở đi.

Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện TP.HCM có hàng loạt dự án đã và chuẩn bị ra hàng trong những tháng cuối năm 2018.

Đặc biệt, các dự án mới sắp chào bán chủ yếu tọa lạc ở những vị trí đắc địa, có view đẹp, hướng sông, cơ sở hạ tầng tốt.

Nhu cầu mua nhà thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm

Nhu cầu mua nhà thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm

Chẳng hạn, Dự án Charmington Iris (quận 4, TP.HCM) của chủ đầu tư Vietcomreal do Công ty TTC Land phân phối. Dự án có 1.400 căn hộ, hiện đang cho khách hàng đăng ký mua với giá dự kiến khoảng 60 triệu đồng/m2 (đã VAT).

Ở quận 7, Dự án căn hộ Urban Hill cao 13 tầng, quy mô 164 căn hộ cũng đã ra mắt từ đầu tháng 6/2018. Dự án Dragon Riverside City cũng mở bán vào cuối quý II/2018.

Dự án này bao gồm gồm cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp. Hiện chủ đầu tư này đang cho giữ chỗ với giá dự kiến từ 60 - 65 triệu đồng/m2.

Hung Thinh Corp cũng cho biết, sẽ tiếp tục chào bán đợt tiếp theo Dự án Q7Saigon Riverside Complex tại quận 7, TP.HCM. Dự án này gồm hơn 3.000 căn hộ chung cư cao cấp.

Còn tại quận 1, Dự án Sping Lingt City cũng đang cho nhận giữ chỗ với mức giá từ 100 triệu đồng/m2, bao gồm các căn hộ dịch vụ, khách sạn…

Ngoài ra, Him Lam Land cũng cho biết, đang lên kế hoạch bán dự án chung cư tại quận 7, TP.HCM; Novaland đang chuẩn bị đưa ra thị trường dự án tại khu Tây TP.HCM; Vingroup cũng đang tiến hành những bước cuối cùng để đưa Dự án VinCity tại quận 9 với hơn 30.000 căn hộ chung cư giá tầm trung và hàng trăm căn nhà phố ra thị trường…

Đáng nhắc tới nhất là Tập đoàn Đại Phúc đã hoàn thành xong kế hoạch tung ra thị trường 2 block chung cư của siêu dự án Vạn Phúc City tại quận Thủ Đức vào những tháng cuối năm nay.

Hay Tập đoàn Hà Đô cũng cho biết, đang phát triển dự án chung cư hơn 1.000 căn tại quận 8 và dự tính cho ra thị trường vào tháng 10 này.

Xem chi tiết tại đây.

Doanh nghiệp môi giới địa ốc muốn “lên đời"

Thành lập năm 2015, Công ty cổ phần Bất động sản Rio Land với nòng cốt là 2 phụ nữ từng làm sales rồi quản lý sàn và tách ra thành lập công ty với hoạt động kinh doanh trọng tâm là môi giới bất động sản.

Từ lúc thành lập tới nay, doanh nghiệp này đa phần lấy hàng F1, F2 bán với các dòng sản phẩm như đất nền, chung cư giá tầm chung.

Mới đây, doanh nghiệp này quyết định “lên đời” bằng việc bắt tay làm đơn vị phát triển và bán dự án bất động sản cao cấp biệt thự nghỉ dưỡng biển mang tên The Regal tại TP.Vũng Tàu. Dự án với 28 căn biệt thự trị giá từ 20 đến 30 tỷ đồng/ căn.

Công ty cổ phần Bất động sản Asian Hoding cũng thuộc nhóm doanh nghiệp môi giới thành lập năm 2016, với việc bán những sản phẩm đất nền, chung cư tầm chung.

Lúc mới thành lập, doanh nghiệp này chỉ là sàn F2, F3, nhưng tháng 7 vừa qua có thể gọi là bước ngoặt với Asian Hoding khi ký kết với Tập đoàn FLC độc quyền bán Dự án FLC Crown Villa tại Bình Định. Đây là dự án bất động sản nghỉ dưỡng, với giá trị hàng chục tỷ đồng/căn, thuộc dòng sản phẩm kén khách.

Phân phối sản phẩm hạng sang, môi giới cần trang bị rất nhiều kỹ năng.

Phân phối sản phẩm hạng sang, môi giới cần trang bị rất nhiều kỹ năng.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Hoding cho rằng, việc từ sàn F2, F3 bán các sản phẩm tầm trung, để rồi được bán những sản phẩm cao cấp và lại là độc quyền bán là một bước đi quan trọng.

“Không đơn giản mà có thể lên đời bán sản phẩm cao cấp, bởi doanh nghiệp muốn bán được những sản phẩm cao cấp phải có lượng khách hàng tiềm năng, lượng sales nhiều, vốn mạnh để có thể ký quỹ đặt cọc”, ông Hậu nói và cho biết thêm, việc quyết bán những dòng sản phẩm cao cấp của doanh nghiệp hiện nay ngoài khẳng định giá trị thương hiệu doanh nghiệp còn có lợi nhuận thu về khá cao. Chính điều này là lực hấp dẫn doanh nghiệp địa ốc “lên đời”.

Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An - một đơn vị “lên đời” từ môi giới đất phân lô trở thành chủ đầu tư lớn hiện nay - cho rằng, không dễ để “lên đời” khi mà doanh nghiệp chỉ thành lập vài năm, hoạt động chủ yếu là môi giới hàng trung bình nhưng đẩy lên bán các sản phẩm cao cấp.

“Chúng tôi mất trên 10 năm để chuyển đổi thành công và trong hơn 10 năm đó chúng tôi đã gặp thất bại khá nhiều”, ông Vinh nói. 

Xem chi tiết tại đây.

Đại gia bị phạt 150.000 ngàn vì xây chung cư vượt tầng

Câu chuyện này diễn ra tại chung cư tại số 259 Lê Văn Lương, quận 7, TP.HCM. Dự án này được Sở Xây dựng TP.HCM cấp Giấy phép xây dựng hồi tháng 6/2005. Theo đó, chủ đầu tư là công ty Minh Thành được xây dựng công trình chung cư 15 tầng. Thời điểm này, chủ đầu tư chưa hoàn tất lập, trình phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng dự án và chưa lập dự án đầu tư.

Công ty Minh Thành triển khai xây dựng công trình và xây tăng thêm 1 tầng so với giấy phép. Tháng 1/2007, UBND quận 7 đã xử phạt hành chính công ty Minh Thành 150.000 đồng và buộc thực hiện đúng thiết kế được duyệt. Được biết, thời điểm xảy ra sai phạm, hành vi xây sai giấy phép xây dựng của chủ đầu tư, chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, theo Nghị định số 126/2004NĐ-CP.

Sau khi xử phạt, ngày 14/6/2007, UBND quận 7 lại chấp thuận cho công trình được tăng thêm 1 tầng. Cũng trong năm 2007, Sở Quy hoạch Kiến trúc ra văn bản chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc công trình (tầng cao tối đa 16 tầng, không kể tầng hầm và tầng lửng).

Thông tin trên vừa được Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) báo cáo trình UBND TP.HCM, liên quan đến vấn đề cấp giấy chủ quyền tại chung cư tại số 259 Lê Văn Lương, quận 7, TP.HCM. Được biết, lô đất của dự án này có nguồn gốc là nhà kho và được chủ sở hữu đem thế chấp ngân hàng. Năm 2002, ngân hàng đã bán đấu giá nhà kho này và đơn vị trúng đấu giá là công ty Minh Thành.

Xem chi tiết tại đây.

Toàn cảnh khu đô thị "ma" Nhơn Trạch qua những cơn sốt đất

Gần 20 năm qua, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) từng được kỳ vọng sẽ là một thành phố mới phát triển nhanh chóng, là vệ tinh đắt giá của TP.HCM, một "Đông Sài Gòn" sầm uất. Tuy nhiên, sau 20 năm đến nay đô thị mới Nhơn Trạch được nhiều người trong giới địa  ốc vẫn gọi Nhơn Trạch bằng những từ không mấy thiện cảm như "thành phố ma" hay "cú lừa lớn của thập niên"…

Nhìn lại quá khứ, có thể nhận thấy tại đây cũng vì thông tin nhiều dự án hạ tầng giao thông được "bơm thổi" quá lớn nên đã liên tục xảy ra các cuộc sốt đất ảo. Kết quả, đến thời điểm hiện tại thị trường dường như đã mất niềm tin vào khu vực này, ngay trong lòng khu đô thị Nhơn Trạch vẫn còn các dự án bỏ hoang, bốn bề hoang vắng và chỉ phát triển được cây cao su.

Cơn sốt đất đầu tiên của Nhơn Trạch diễn ra vào năm 1996, khi huyện này được phê duyệt quy hoạch lên thành phố, là đô thị loại II với dân số dự kiến năm 2005 là 100.000 người cho diện tích 2.000ha và đến năm 2020 khoảng 500.000 người cho diện tích 8.000ha. Huyện Nhơn Trạch có đầy đủ các khu chức năng như công nghiệp, dân dụng, đô thị...

Lần thứ 2, giá đất Nhơn Trạch lên đỉnh bắt đầu từ năm 2006, khi có thông tin xây cầu nối với quận 9, TP.HCM. Đến năm 2014, dự án sân bay quốc tế Long Thành được thông qua chủ trương, đất đai ở huyện Nhơn Trạch lại sốt lần thứ 3, sau đó trầm lắng.

Xem chi tiết tại đây.

"Chiến sự" leo thang tại dự án New City Thủ Thiêm

Dự án New City Thủ Thiêm do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt(Thuận Việt) làm chủ đầu tư. Đây là dự án được chuyển đổi từ khu tái định cư 1.330 căn hộ, phục vụ cho nhu cầu tái định cư của Khu đô thị Thủ Thiêm. Với vị trí ngay mặt tiền đại lộ Mai Chí Thọ, New City Thủ Thiêm được đánh giá là dự án có vị trí đắc địa bậc nhất, trong số các dự án tái định cư ở Thủ Thiêm.

Thuận Việt vừa gửi thông báo cho khách hàng yêu cầu người mua nhà tiếp tục đóng tiền vì dự án đã đầy đủ tính pháp lý. Thuận Việt đề nghị khách hàng tiến hành ký kết Hợp đồng mua bán căn hộ với Chủ đầu tư, chậm nhất đến ngày 17/9/2018. Trong trường hợp khách hàng không đến ký kết Hợp đồng mua bán căn hộ, Thuận Việt sẽ thanh lý căn hộ và hoàn trả toàn bộ số tiền khách hàng đã thanh toán.

Theo chủ đầu tư này, New City là dự án đặc biệt, không giống các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thông thường. Dự án New City vốn là dự án 1330 căn hộ tái định cư khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2016, UBND thành phố chủ trương giao cho Thuận Việt làm chủ đầu tư phát triển dự án với mục tiêu thương mại. Thuận Việt đã hoàn tất việc tạm đóng tiền sử dụng đất theo quy định vào ngân sách Nhà nước.

“Dự án New City đến nay đã được xây dựng hoàn thành, công ty Thuận Việt đã hoàn tất việc nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Dự án New City cũng đã được cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Vì vậy, nhà, công trình xây dựng tại dự án New City là nhà, công trình xây dựng có sẵn theo quy định tại khoản Luật Kinh doanh bất động sản. Quý khách sau khi thực hiện các giao dịch tại Sàn giao dịch New City thì có thể được nhận nhà ngay”, văn bản nêu.

Xem chi tiết tại đây.

Quý Dương (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thị trường bất động sản TP.HCM bắt đầu vào mùa tại chuyên mục THÀNH PHỐ HCM của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận