Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng các bộ ngành và cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương; đại biểu, đại sứ, lãnh sự các nước Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào... và đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn.
Ông Phạm Ngọc Thịnh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, giới thiệu: Nằm ở khu vực trung tâm của vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có diện tích lớn thứ 4 cả nước với 40% diện tích là đất đỏ bazan phù hợp trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, như cà phê, cao su, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, xoài… và nhiều loại sản phẩm khác: ngô lai, mật ong, sắn, mía… Đắk Lắk có không gian văn hóa cồng chiêng và bản sắc truyền thống đa dạng, phong phú phù hợp với du lịch sinh thái. Ngoài ra, Đắk Lắk đang triển khai dự án năng lượng điện mặt trời, điện gió, dân số thứ 9 cả nước… là thị trường dồi dào sức lao động và là nơi có sức tiêu thụ hàng hóa hàng đầu, cung cấp cho tỉnh và các địa phương trong cả nước... UBND tỉnh Đắk Lắk cũng vừa phê duyệt dự án KCN Cư M’gar gắn với thúc đẩy vùng nguyên liệu chất lượng cao.
Hội nghị xúc tiến đầu tư “Tiềm năng Đắk Lắk - Cơ hội của doanh nghiệp” - là diễn đàn trao đổi tiềm năng, cơ chế chính sách; cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, trồng rừng; công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; năng lượng tái tạo; hạ tầng đô thị, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp… hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Đồng thời, hội nghị là nơi để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và hợp tác đầu tư tại Đắk Lắk; góp phần tăng cường giao lưu, kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đây cũng là diễn đàn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng và các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh khu vực Tây Nguyên gặp gỡ, trao đổi, thảo luận về chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư, cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị và giải pháp để Đắk Lắk trở thành thủ phủ của Tây Nguyên, là trung tâm vùng theo chủ trương của Chính phủ. Đại diện các bộ ngành Trung ương ký kết các chương trình hợp tác với tỉnh Đắk Lắk về hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư; lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cũng trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư, với tổng vốn dự kiến lên tới 71.619 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận những nỗ lực của Đăk Lăk trong việc phối hợp với các bộ, ban ngành tổ chức các chương trình Lễ hội Cà phê năm 2019. Đây là cơ hội để đánh giá thực trạng, cơ hội, thách thức để tăng cường thu hút đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh, quyết tâm đầu tư của các doanh nghiệp và sự hợp tác của tỉnh chính là chìa khóa vươn lên của Đắk Lắk trong thời gian tới. Tuy nhiên, Đắk Lắk cần thay đổi tư duy, hình thành tầm nhìn mới, tạo luồng sinh khí và sung lực thúc đẩy kinh tế - xã hội; cần chú ý thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, đào tạo nguồn nhân lực…
Song song đó, Đắk Lắk phải khẳng định lại mình với tâm thế của một trung tâm vùng của Tây Nguyên, thủ phủ cà phê Việt Nam, phải có quy hoạch vùng, xác định ngành mũi nhọn, giữ gìn và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, cơ lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, tăng cường chế biến, sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị… Làm được những điều đó, vùng đất đầy nắng, đầy gió sẽ cấu trở thành vùng đất đầy năng lượng để Đắk Lắk phát triển nhanh, mạnh và bền vững, không phá rừng và hủy hoại môi trường...
Ý kiến chuyên gia:
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Cơ hội phát triển Đắk Lắk - thách thức của doanh nghiệp đầu tư”
Diện tích sản xuất mới của Đắk Lắk mỗi năm tăng 2,5%, nghĩa là việc khai thác quỹ đất tự nhiên đã diễn ra khá “bình thường”, trong khi Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố phải đóng cửa rừng. Thực tế trong năm 2018, Đắk Lắk chỉ đạt 38,4% trên 39,6% mục tiêu kế hoạch đề ra về độ che phủ rừng. Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên nên coi “đại ngàn” là thế mạnh đặc biệt. Đại ngàn ở đây không chỉ là những cánh rừng và tiềm năng đất đai màu mỡ, mà còn đó là linh hồn Tây Nguyên với giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa cồng chiêng - “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Định hướng trong thời gian tới, Đắk Lắk phải chuyển hướng xây dựng chuỗi sản xuất với các sản phẩm lợi thế, khuyến khích đầu tư chế biến sâu, phát triển du lịch trụ cột với “Văn hóa Tây Nguyên, linh hồn đại ngàn”…
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn: “Đắk Lắk vẫn còn hạn chế phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với nhu nhu cầu thị trường”
Các mặt hàng cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Lắk đều là mặt hàng xuất khẩu, chịu ảnh hưởng nhiều bởi biến động về giá cả, cung và cầu trên thương trường thế giới. Trong khi đó còn thiếu phương án phát triển chi tiết đối với một số đối tượng cây trồng, vật nuôi. Các mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ còn ít, dẫn đến khủng hoảng thừa sản phẩm vẫn xảy ra. Bởi vậy trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cần phát triển toàn diện ngành kinh tế nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, trọng tâm, trọng điểm, theo chiều sâu…
Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN: “Chúng tôi có cách tiếp cận hoàn toàn mới khi đầu tư vào nông nghiệp”
Thứ nhất, chúng tôi quy hoạch và đưa ra các phương án hợp tác với nông dân sản xuất trên chính mảnh đất của mình. Thứ hai, cạnh tranh bằng hàng hóa chất lượng cao, thay vì tìm cách tăng sản lượng và giảm giá tối đa. Kết quả sau 8 năm hoạt động, tập đoàn PAN đứng đầu ngành giống cây trồng trong cả nước. Trong đó, cây hoa sản xuất tại Lâm Đồng xuất khẩu sang Nhật được đánh giá là một trong các vùng sản xuất hoa đẹp nhất thế giới.
Ông Gijae Seong, Giám đốc phát triển bán hàng toàn cầu Amazon Global Selling Đông Nam Á: “Mở rộng xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử”
Amazon phát minh cải tiến cho người tiêu dùng và giúp bán thành công trên toàn cầu, bắt đầu từ nhu cầu khách hàng. Dấu ấn Amazon toàn cầu với 18 trang Web, 300 triệu khách hàng mua sắm. Amazon hỗ trợ 200.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, vượt doanh thu 1 triệu USD trong năm 2018. Tăng trưởng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều sản phẩm của các địa phương được khách hàng toàn cầu ưa chuộng trên Amazon như Cà phê Trung Nguyên, sản phẩm pha chế cà phê của Thăng Long, sản phẩm cà phê, nông sản sấy khô… của Công ty Vinamit. Đặc biệt, Amazon đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa, xây dựng thương hiệu, đào tạo bán hàng trực tuyến trên toàn cầu…
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Nhận diện tiềm năng Đắk Lắk nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư mới"
Giải pháp đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Đắk Lắk cần xác định rõ danh mục ưu tiên đầu tư phù hợp, tập trung vào du lịch chất lượng cao, sử dụng hiệu quả tiềm năng nắng, gió, rừng. Xây dựng kế hoạch đầu tư chủ động, tạo những quả đấm thép với những nhà đầu tư lớn, lồng ghép xúc tiến du lịch, quảng bá, truyền tải giới thiệu tiềm năng đầu tư; xây dựng cụm công nghiệp chế biến gắn kết với sản xuất nông nghiệp; cải thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng liên kết khu vực với tỉnh Đắk Lắk là trung tâm liên kết vùng Tây Nguyên và các vùng miền trong nước…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường: “Đăk Lăk khẳng định tiềm năng lợi thế cây công nghiệp và cây ăn quả”
Chúng ta tự hào thành công ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập có 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long với lúa gạo, thủy sản; vùng Tây Nguyên khẳng định lợi thế cây công nghiệp và cây ăn quả. Việc đầu tư vào Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng cần lựa chọn từng nhóm cây đặc hữu đột phá. Và giải pháp xác định là ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ du lịch, tiềm năng nắng là điện mặt trời, gió là năng lượng tái tạo….