Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Võ Thị Trung Trinh, một tồn tại hiện nay là doanh nghiệp và người dân tham gia các dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều như TP mong muốn. Phần lớn do các dịch vụ chưa được thuận tiện cho người sử dụng. Phần nhỏ do TP chưa ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử TP.
Từ đó, việc áp dụng kiến trúc chính quyền điện tử TP là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của TP, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP phát triển thành đô thị thông minh.
Trong định hướng xây dựng, TP.HCM sẽ nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền số phục vụ tốt nhất quá trình triển khai đô thị thông minh.
Cụ thể là giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh trật tự; an sinh và phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống nhân dân…
“Kiến trúc chính quyền điện tử TP được xây dựng dựa trên các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 như Internet vạn vật (IOT), cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ trợ lý ảo, robot thông minh…”, bà Trinh nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng nhấn mạnh những tiện ích của cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Việc xây dựng chính quyền điện tử là vấn đề nhất thiết đối với TP.HCM. Khi đó, chính quyền điện tử sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp nhiều dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp chứ không chỉ các văn bản pháp luật.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp nên làm quen và sử dụng thường xuyên dịch vụ công trực tuyến để tránh bị phiền hà, nhũng nhiễu, nhất là mang lại những tiện ích cần thiết nhất.