TP.HCM đang đứng trước một số thách thức cần tập trung giải quyết như ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu khiến thành phố phải đối mặt với nhiều tình trạng như ngập lún, triều cường dâng cao, ùn tắc giao thông; ô nhiễm môi trường, xử lý rác… Trong giai đoạn 2015 - 2020, thành phố sẽ đề ra 7 chương trình đột phá như: Chương trình giảm ngập nước, chương trình giảm kẹt xe và tai nạn giao thông, chương trình giảm ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, hạ tầng hiện có không đủ phục vụ cho các nhu cầu ngày càng tăng của người dân.
Do đó, thành phố hiện đang kêu gọi đầu tư vào một số dự án như: Dự án xây dựng đường trên cao, hệ thống tàu điện (Tramway) số 1, các tuyến tàu điện một ray (Monorail) số 3,6; các dự án xử lý chất thải công nghiệp, rác thải của TP.HCM; các trung tâm thuộc đề án đô thị thông minh…
Để thực hiện các dự án, ngoài nguồn vốn vay bảo lãnh từ Chính phủ, thành phố cũng đề xuất Chính phủ cho TP.HCM tự vay vốn thực hiện dự án. Lãnh đạo UBND TPHCM mong muốn AIIB quan tâm, xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, sở, ngành để đầu tư vào các dự án PPP góp phần phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống người dân trong tương lai gần.
Ông Joachim Von Amsberg cho biết, hiện AIIB quan tâm về nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực giao thông, năng lượng, môi trường. Thời gian tới, AIIB sẽ làm việc với các sở, ngành để thực hiện các dự án trong tương lai, đồng thời linh hoạt hỗ trợ thành phố trong việc cho vay thực hiện các dự án và mong muốn được cộng tác góp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng trên địa bàn TP.HCM.
Các phương thức hỗ trợ tài chính mà AIIB có thể cung cấp bao gồm tài trợ thông qua sự bảo lãnh của chính phủ và không có bảo lãnh của chính phủ. Với phương án thứ hai, AIIB có thể hỗ trợ cho nhà đầu tư thực hiện dự án cơ sở hạ tầng của TP.HCM, hoặc tài trợ thông qua trung gian tài chính là hệ thống ngân hàng trong nước, hoặc tài trợ thông qua một ngân hàng thương mại, cấp hạn mức tín dụng cả gói, sau đó ngân hàng sẽ tài trợ cho các dự án; hoặc huy động vốn đồng tài trợ. Đối với các dự án đầu tư không có bảo lãnh của chính phủ, hạn mức tối đa AIIB có thể hỗ trợ là 35%.
AIIB là ngân hàng phát triển đa phương được thành lập từ sự đề xuất của Trung Quốc và hướng đến việc phát triển hạ tầng tại châu Á - Thái Bình Dương. AIIB thường được xem là một đối trọng tiềm năng đối với các định chế tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Việt Nam là một trong 57 thành viên sáng lập AIIB./.