Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh TP.HCM có những đóng góp quan trọng cho cả nước về ngân sách, phát triển khoa học công nghệ, hay hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp.
Ông cũng bày tỏ tin tưởng, dù gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng thành phố sẽ nỗ lực vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và luôn giữ tinh thần đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ ra rằng TP đang đối mặt với nhiều bất cập trong quy hoạch và quản lý đô thị như cơ sở hạ tầng quá tải khiến ô nhiễm, ngập nước ngày càng trở nên đáng ngại, trong khi đó nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ.
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, trước đây cả nước tăng 1% thì TP tăng 1,6%, nhưng hiện nay nếu cả nước tăng 1% thì con số này của TP chỉ là hơn 1% một chút.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Thủ tướng yêu cầu TP có kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị quyết 54, đẩy mạnh cải cách hành chính và chống lại sự trì trệ trong đội ngũ cán bộ.
Theo Thủ tướng, TP cần coi đổi mới sáng tạo là lối ra, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng công nghệ thông tin, nhanh chóng xây dựng thành phố thông minh và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đầu tư và dịch vụ công.
Đặc biệt thành phố cần xử lý các vấn đề bức xúc của người dân, trong đó ông nhấn mạnh đến sự việc tại Thủ Thiêm. Thủ tướng chỉ đạo cần giải quyết bức xúc của người dân, doanh nghiệp trên tinh thần đối thoại, công khai để từ đó tìm ra hướng đi tốt nhất.
Cũng tại buổi làm việc này Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nêu ra nhiều vướng mắc TP đang gặp phải và đề nghị Thủ tướng tháo gỡ.
Về sự việc tại Thủ Thiêm, ông Phong cho biết sau khi có Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ về khu đô thị Thủ Thiêm thì TP đã nghiêm túc triển khai các giải pháp để giải quyết các khiếu nại của công dân. Về xác định ranh phần đất diện tích khoảng 4,3 ha ngoài quy hoạch, TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt ranh giới khu vực này để triển khai các chính sách đền bù, hỗ trợ cho 321 hộ dân bị ảnh hưởng.
Với dự án “Khu phức hợp thông minh” tại khu đô thị này, thành phố đề nghị giảm quy mô từ 10 lô đất, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,11 tỷ USD giảm còn 6 lô đất, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD (do các lô còn lại đang vướng giải phóng mặt bằng) và rút gọn thành phần nhà đầu tư tham gia dự án từ 7 nhà đầu tư xuống còn 4 nhà đầu tư thuộc Tập đoàn Lotte thực hiện dự án.
Với dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành chủ trì, phối hợp với thành phố sớm hoàn thành các thủ tục thẩm định, trình phê duyệt tổng mức đầu tư dự án theo quy định, đồng thời ưu tiên bố trí vốn giải ngân cho dự án theo Hiệp định vay đã ký.
Trong lĩnh vực giao thông, TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3. Đồng thời cho phép thành phố tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ Trung ương triển khai thủ tục, ngân sách Trung ương sẽ bố trí hoàn trả lại theo hướng bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.
Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và cho phép chuyển đổi công năng, quy hoạch toàn bộ 1.800m cầu cảng tại khu cảng Sài Gòn - Khánh Hội thành cảng hành khách cho các tàu khách quốc tế, nội địa, tàu nhà hàng và các phương tiện thủy phục vụ du lịch.
Ở lĩnh vực du lịch, TP kiến nghị xem xét miễn visa cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha) và tiếp tục mở rộng diện thị thực miễn visa cho một số thị trường quốc tế khác; đồng thời tăng thời hạn lưu trú ở Việt Nam đối với khách đến từ các thị trường (Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc, Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha…) từ 15 lên 21 hoặc 30 ngày để phù hợp với thời gian cho khách tham gia một chương trình du lịch đến Việt Nam.