Theo đó, UBND TP.HCM đã giao UBND các quận, huyện rà soát và giao Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu, đề xuất UBND Thành phố hủy bỏ việc thu hồi đất để thực hiện dự án, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đã ghi trong kế hoạch sử dụng đất; công bố việc hủy bỏ cho người dân được biết để thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Hàng loạt dự án bị “điểm mặt”
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, sẽ thực hiện việc thu hồi đất tại những dự án chậm triển khai, Sở này sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện để rà soát tình hình các dự án chậm triển khai trên 10 năm. Theo đó, sẽ thí điểm tại huyện Nhà Bè vì đây là "điểm đen" của thành phố về tình trạng chủ đầu tư ôm đất dự án hàng chục năm nhưng vẫn không triển khai thực hiện, cụ thể sẽ thu hồi khu đất 23ha tại xã Phước Kiển và khu đất 89,62ha tại xã Nhơn Đức và Phước Lộc.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai thu hồi dự án 263,9ha đất tại phường Long Trường (quận 9) để tạo quỹ đất hoàn vốn xây dựng đường Vành đai 2 và dự án 144ha tại các phường Bình Chiểu, Linh Đông, Tam Phú, Tam Bình (quận Thủ Đức).
Sở này còn cho biết, dự kiến năm 2018 sẽ có 184 dự án cần thu hồi đất, khắc phục việc chậm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho hơn 100 dự án đã phê duyệt từ năm 2014 trên địa bàn toàn thành phố. Theo tìm hiểu, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.200 dự án hiệu lực triển khai. Tuy nhiên, có đến gần 500 dự án chưa khởi công xây dựng.
Rất nhiều dự án quy mô “khủng” có thời gian quy hoạch cách đây 7 - 8 năm, cũng có dự án tính tới thời điểm này cũng đã được hơn 20 năm. Điển hình là dự án Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh), có diện tích hơn 426ha; dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) có quy mô 900ha.
Riêng tại huyện Nhà Bè, có đến 60 dự án đang còn hiệu lực triển khai, trong đó có 26 dự án chưa khởi công; 28 dự án đang thực hiện các khâu giải tỏa đền bù, san lấp mặt bằng và xây dựng công trình. Thậm chí, có những dự án mặc dù đã giải tỏa đền bù được 80 - 90% nhưng vẫn chưa thể triển khai.
Trường hợp cá biệt tại xã Hiệp Phước, toàn bộ xã được quy hoạch thành khu đô thị cảng, riêng phần cảng đã có chủ đầu tư nhưng phần đô thị với diện tích quy hoạch 1.531ha vẫn chưa có chủ đầu tư. Hiện nay huyện đang kiến nghị TP.HCM để tháo gỡ khó khăn tại dự án này.
Phải thu hồi vì nhiều nguyên nhân
Được biết, từ năm 2012 đến tháng 11/2017, UBND TP.HCM đã rà soát 1.269 dự án với tổng diện tích 18.930ha đất, đã xử lý điều chỉnh cắt giảm quy mô, diện tích 10 dự án với tổng diện tích cắt giảm 33,84ha. Bên cạnh đó, đã hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577 dự án (chiếm tỷ lệ 45,5%), với tổng diện tích là 5.915ha đất.
Hiện nay, TP.HCM vẫn còn 927,4ha đất chưa sử dụng, 13.930 căn hộ và nền đất đã được hình thành trong nhiều năm nhưng chưa bố trí sử dụng, phần nào gây lãng phí ngân sách. Qua kiểm tra, thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy có 346 khu đất do 10 tổng công ty và công ty nhà nước đang quản lý sử dụng, có 112 địa chỉ sử dụng sai mục đích hoặc bỏ trống, cho thuê lại, cho thấy trên địa bàn vẫn còn một số dự án chậm triển khai, quy hoạch nhiều năm chưa thực hiện, đặc biệt là đối với các công trình công cộng.
Trước yêu cầu của UBND Thành phố, các đơn vị chuyên môn cho rằng, hiện nay trên địa bàn vẫn còn khá nhiều quy hoạch không triển khai được vì thiếu vốn, nhiều dự án đã giao đất mà nhà đầu tư vẫn chậm triển khai. Từ đó, UBND TP.HCM cũng sẽ rà lại quy hoạch, nếu dự án nào không khả thi thì dứt khoát xóa để trả lại quyền lợi cho dân.
Ngoài ra, việc xác định giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi, nhất là đối với đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư có giá rất thấp so với giá giao dịch thực tế trên thị trường. Vẫn còn tình trạng nhiều dự án đã bồi thường 100% diện tích đất nhưng không triển khai thực hiện trong thời gian dài, có nơi trở thành bãi chứa rác làm ô nhiễm môi trường xung quanh.
Cũng theo UBND TP.HCM, những khu vực đã có quy hoạch, đã có chủ trương đầu tư, chủ trương thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất, nhưng chậm hoặc chưa triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư như khu đô thị Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi,... đã làm hạn chế quyền lợi của người dân.
UBND TP.HCM cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, về nguyên nhân chủ quan, một số cấp ủy, địa phương, đơn vị và lãnh đạo sở ngành thiếu sâu sát, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, thiếu đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Còn nguyên nhân khách quan, chủ yếu do nguồn gốc sử dụng đất trên địa bàn thành phố rất phức tạp, trong khi hồ sơ dữ liệu về quản lý đất đai, theo dõi biến động trong sử dụng đất chưa đầy đủ, kịp thời. Đồng thời, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa thực tế, đã dẫn đến thường xuyên phải điều chỉnh nhiều dự án.