Dưới con đường dốc đứng quen thuộc của vùng đất cao nguyên, quán đón khách bằng tấm bảng treo tên Thời thanh xuân. Cái tên ấy khiến những lữ khách vô tình phải dừng chân trước biển gỗ nhỏ mộc mạc một chút xốn xang khi nghĩ đến khoảng thời gian trẻ trung nhiệt huyết nhất của mình. Đến với Thời thanh xuân, du khách được chìm đắm trong không gian xanh mướt của cây, hoa lá, một khoảng sân rực rỡ các loại hoa cúc, hồng và những bản tình ca nhẹ nhàng của Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn.
Quán có nét đẹp như vẫn được miêu tả là kiểu đẹp giống cái áo chắp vá mà ngày bé mẹ may chồng chéo những mảnh vải không liên quan lên những lỗ rách mà khi đó ít đứa trẻ nào chịu mặc, nhưng trải qua một thời gian lâu, sau này mới thấy đẹp.
Từ những ô cửa sổ mở rộng nhìn ra xa là cánh rừng thông, những khoảng sân có hoa và có những ô cửa sổ để khách ghi lại những cảm xúc, tình yêu, lời chúc, lời hứa hẹn, ước mơ...
Ở nơi đây, trong quán nhỏ xinh, khách có thể ngồi bên khung cửa sổ đợi nhân viên hãm một bình trà và cùng nhắm những rừng thông ẩn ẩn hiện hiện qua những đóa hoa nở dưới những cầu thang gỗ.
Tách trà cùng vài cái bánh quy nho nhỏ là món quà mà Thời Thanh Xuân tặng cho những vị khách ghé thăm.
Phía hiên không che chắn bằng tôn, ở trên đó là những mành đan bằng tre, đón nhận gió trời và nắng tự nhiên, các cây trồng bên hiên cũng được tự mình vùng vẫy với nắng với gió.
Phía cửa chính bước vào là trông thấy ngay một cái giá, không phải giá để sách... mà là giá để hoa, những chậu hoa bé nhỏ, đan xen những lọ đựng vật dụng cần thiết.
Điều đặc biệt là nơi đây không chỉ là một quán trà mà còn là nơi những người điếc làm tinh dầu và xà phòng rồi bán cho những ai cần. Cách thức giao tiếp duy nhất của nhân viên phục vụ ở đây đó là bằng ngôn ngữ ký hiệu hình thể. Tất cả tạo nên một không gian yên bình với tiếng nhạc, tiếng gió tới từ rừng thông và bạn có thể tin rằng trên đời này thật sự có tồn tại chuyện chỉ nhìn cảnh vật xung quanh mà tâm tình liền trở nên dễ chịu.
An Yên