Triển khai 11 dự án xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương

Mới đây, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Điều hành Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương đã chủ trì cuộc họp Ban Điều hành thông qua Kế hoạch thực hiện Đề án TPTM Bình Dương trong năm 2019.

23:30 15/03/2019

Theo đó, năm 2019, Bình Dương sẽ tập trung thực hiện 11 dự án trọng điểm liên quan đến logistics thông minh, nhà máy bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ thống Fablab, Techlab trong các trường đại học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển Khu công nghiệp Khoa học công nghệ; đẩy mạnh dự án Lighting LED.

Bên cạnh đó, triển khai xây dựng hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, phát triển hệ thống chính quyền điện tử, cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh Bình Dương; tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế, phát triển các chương trình bền vững.

Mô hình thành phố thông minh Bình Dương. (Ảnh: Internet)

Mô hình thành phố thông minh Bình Dương. (Ảnh: Internet)

Dự kiến trong năm 2019 sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp, thành lập và đưa vào hoạt động 2 Fablab tại Đại học Thủ Dầu Một và Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore; hoàn thành cơ sở dữ liệu doanh nghiệp tỉnh Bình Dương kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung của tỉnh; ban hành kiến trúc cơ sở dữ liệu doanh nghiệp phục vụ TPTM; triển khai dự án chiếu sáng bằng đèn LED tại khu vực thành phố mới Bình Dương.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng Khu công nghiệp Khoa học công nghệ, nghiên cứu khả thi logistics thông minh và tuyến đường sắt trình Chính phủ phê duyệt dự án. Riêng Ban Điều hành Đề án TPTM chuẩn bị tổ chức các sự kiện lớn liên quan đến TPTM tại Bình Dương, phát huy mạng lưới quốc tế, Horasis, WTA, ICF...

Tại cuộc họp, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý các sở, ngành, đơn vị tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đã đề ra, nhất là các dự án liên quan đến bán dẫn, đèn chiếu sáng khu vực, xây dựng Chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, tỉnh cần khai thác tốt các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để họ hỗ trợ tư vấn một số dự án triển khai xây dựng TPTM.

Về đề án thành phố thông minh Bình Dương, có 5 định hướng chung để phát triển, bao gồm:

1. Triển khai mô hình Ba nhà (hợp tác giữa nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học/viện trường) ở Bình Dương, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh địa phương. Mô hình cũng sẽ hỗ trợ chính quyền Bình Dương tiếp tục tiến hành cải cách hành chính sâu hơn.

2. Thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng, nhằm giải phóng tiềm năng của một số lớn các ngành công nghiệp hiện thời để tăng cường giá trị đóng góp của các ngành này.

3. Đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển, gắn liền với thực tiễn.

4. Xây dựng thương hiệu và xác lập vị thế của tỉnh Bình Dương, quảng bá, thu hút FDI trong các ngành sản xuất tiên tiến, có giá trị gia tăng cao. Dấu ấn thương hiệu và vị thế của mô hình Ba nhà góp phần cải thiện nhận thức trong toàn vùng và đưa Bình Dương thành một điểm sáng với thế mạnh về sản xuất và kỹ thuật trong và ngoài nước. Điều này sẽ tác động hỗ trợ đến những lĩnh vực kể trên, như thu hút đầu tư và lao động tri thức.

5. Tăng cường nâng cao tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo, đặc biệt trong giới trẻ, bằng cách thiết lập các cơ sở hạ tầng cho vườn ươm doanh nghiệp (Incubators) và không gian sáng tạo (maker spaces), không gian thực nghiệm công nghệ (TechLab), không gian thực nghiệm chế tạo (FabLab)…

Tố Uyên

Bạn đang đọc bài viết Triển khai 11 dự án xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương tại chuyên mục Đông Nam Bộ của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận