Năm 2003, Vịnh Nha Trang được công nhận là thành viên Câu lạc bộ 29 vịnh đẹp nhất thế giới, đồng thời được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia, cần được bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, danh thắng quốc gia này bị xâm hại vô tội vạ.
Vịnh Nha Trang bị san lấp, vây hãm bởi hàng loạt khách sạn, nhà hàng sang trọng... gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Bãi biển đầu đường Phạm Văn Đồng, thành phố Nha Trang như một đại công trường san lấp dang dở. Sau 4 năm ồ ạt lấn vịnh Nha Trang, Dự án Công viên Văn hóa – Giải trí Nha Trang Sao, trước mặt danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ nay đã hoang phế. Dự án bị rút giấy phép đầu tư. Dải bờ biển đẹp xưa kia từng là bến cá, neo đậu tàu thuyền của ngư dân địa phương giờ cũng không còn. Đất đá, cỏ dại, rác thải chất đống trên công trường rộng chục ngàn mét vuông.
Ông Trần Văn Sáng, ở phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang tiếc nuối: "Hồi trước, làng biển ở Hòn Đỏ đây đẹp lắm, có bãi cát ghe vô, giờ rác rến đổ tùm lum hết mà. Giờ lấp hết rồi thì cá tôm đâu nữa."
Môi trường ven biển, cảnh quan khu vực Hòn Đỏ - Hòn Chồng đang bị tàn phá. Nguồn lợi thủy sản ven vịnh Nha Trang ngày càng suy giảm bởi sự tác động của các dự án san lấp vịnh. Thế nhưng, các chủ đầu tư vẫn cho rằng, doanh nghiệp chỉ xây dựng trong ranh giới cho phép.
Ông Ngô Văn Dũng, Tổng Giám đốc điều hành dự án Công viên văn hóa- giải trí Nha Trang Sao phân bua: "Móc san hô chết, bơm cát xuống để làm bãi tắm công cộng, bà con không hiểu, công trường thì phải đào, bới. Chúng tôi chỉ thuê phần dưới phần hầm để kinh doanh thôi. Đây là biện pháp thi công trong diện tích được cho phép. Nói lấn biển, lấp biển thì chúng tôi không sai. Thi công ở biển không cho đắp kè thì làm sao tôi đắp kè công cộng được, đắp kè lại đắp diện tích tôi được phép cải tạo."
Nhiều năm qua, danh thắng Vịnh Nha Trang bị băm nát bởi hàng loạt dự án. Đó là các dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái Hòn Rùa do Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa làm chủ đầu tư; Dự án ALIBU do Công ty TNHH Toàn Hưng làm chủ đầu tư, Dự án Sao Mai Anh do Công ty TNHH Sao Mai Anh làm chủ đầu tư; Dự án Công viên bến du thuyền Quốc tế của Công ty TNHH Ana Marina Nha Trang...
Trong số những dự án xâm hại vịnh Nha Trang thì dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái Hòn Rùa đã gây ra nhiều phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Đảo Hòn Rùa là ở phía Đông Bắc vịnh Nha Trang có hình dáng giống con rùa biển.
Những năm gần đây, khi nói đến vịnh Nha Trang, nhiều người đều lo ngại về tình trạng san lấp, lấn vịnh. Tình trạng đổ đất lấn biển, san lấp vịnh Nha Trang diễn ra ồ ạt. Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang xót xa khi nói về vùng biển quê mình: "San hô của khu vực Đường Đệ - Bãi Tiên đẹp lắm, có những san hô cao 2-3m, bây giờ họ ủi hết không còn cái gì nữa. Phá thì dễ mà xây thì khó. Ví dụ như Hòn Rùa nhìn biết bao giờ hết cái vệt ủi đó, biết bao giờ mà múc phần đổ lấn đó được, nó thành như cái cũ. Quan trọng nhất đừng để gây ra hậu quả."
Đứng bên vịnh Nha Trang, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia không khỏi xót xa khi thấy đảo Hòn Rùa bị biến dạng. Đã hơn 1 năm qua, dưới chân Hòn Rùa, đất đá từ đất liền mang ra đổ xuống biển để tạo mặt bằng vẫn còn dưới đáy vịnh. Con đường như “vết chém” trên thân con Rùa giữa vịnh Nha Trang vẫn “đỏ lòm” như ứa máu.
Theo ông Đặng Văn Bài, cần gìn giữ cảnh quan thiên nhiên ở khu vực này: "Đảo Rùa xinh xắn, bé như thế mà còn gặm nhấm hết đi thì không thể tạo ra sinh thái ở đây được mà sức hấp dẫn sẽ giảm đi rất nhiều cho cả vịnh nói chung chứ không phải chỉ Hòn Rùa. Không nên cấp phép để lấn ra khai thác như thế, chắc chắn Hòn Rùa phải ứng xử khác nhưng không phải là làm du lịch sinh thái ở đó."
Vịnh Nha Trang là vịnh kín gió, diện tích khoảng 450 km2. Nơi đây có hệ sinh thái biển phong phú với hơn 350 loài cá cảnh biển, khoảng 350 loài san hô. Năm 2003, vịnh Nha Trang được công nhận là thành viên Câu lạc bộ 29 vịnh đẹp nhất thế giới, đồng thời được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia.
Vậy mà, cả chục năm nay, vịnh Nha Trang bị san lấp hàng chục héc ta để làm đường giao thông, xây dựng khu đô thị, khu du lịch. Gần đây, tốc độ san lấn càng nhanh và dữ dội hơn.
Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật biển Việt Nam rất lo lắng khi các doanh nghiệp đổ đất, đá xuống vịnh. Theo ông Nguyễn Tác An, vịnh Nha Trang có rạn san hô đa dạng, là nơi sinh sống của các loài sinh vật biển, đồng thời bảo vệ các vùng ven bờ. Nay vịnh Nha Trang bị san lấp, sinh thái biển bị tác động nghiêm trọng. Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho rằng, hệ sinh thái vịnh Nha Trang không thể khôi phục lại như trước.
"Đào xới lên thì toàn bộ những hệ sinh thái đáy, chu trình sinh lý hóa ven bờ đã bị xáo trộn hết vì bị tác động cơ học lên, mình đào, mình xới lên. Tôi thấy cũng hơi lạ. Đổ, xây dưới biển rồi đào lên thì tôi thấy rất khó khăn, không thể an toàn được về vấn đề môi trường. Khôi phục lại rất khó, về mặt khoa học không thể làm được", Tiến sĩ Nguyễn Tác An nói.
Danh thắng Quốc gia vịnh Nha Trang liên tục bị xâm hại bởi nhiều dự án lấn vịnh, san lấp trái phép, khiến dư luận bức xúc. Vịnh Nha Trang là tài sản quốc gia. Do đó, mọi động thái cư xử có hại đối với danh thắng này đều phải trả giá lâu dài. Cần làm gì để giữ gìn vẻ đẹp của "báu vật" Vịnh Nha Trang? Mời bạn đọc theo dõi bài tiếp theo “Giữ đẹp báu vật vịnh Nha Trang”./.