Dòng vốn sụt giảm
Theo số liệu của UBND TP.HCM vừa công bố, 2 tháng đầu năm 2019, Thành phố thu hút được 1,02 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 94,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 165 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 96,69 triệu USD, tăng 29% số dự án cấp mới và bằng 45,4% vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nếu 2 tháng đầu năm ngoái, lĩnh vực bất động sản chiếm 7% tổng vốn đăng ký mới, thì 2 tháng đầu năm nay, bất động sản không xuất hiện trong danh sách. Thay vào đó, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nhiều nhất (51%); tiếp theo là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác là chiếm 34,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 5,7%...
Cũng trong 2 tháng, TP.HCM có 31 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 31,06 triệu USD, tăng 19,2% số dự án điều chỉnh và tăng gấp 5,7 lần vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Thành phố cũng chấp thuận cho 554 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 894,14 triệu USD, tăng 28% về số trường hợp và tăng 2,2% về vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Trong hoạt động này, nếu 2 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực bất động sản đứng đầu về thu hút vốn ngoại khi chiếm trên 40% tổng vốn góp vốn mua cổ phần, thì năm nay đã lùi xuống vị trí thứ 2, chỉ chiếm 21,1%, còn hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nhiều nhất, chiếm 22,1%.
Tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 17,2%, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 13,5%...
Không chỉ vốn đầu tư nước ngoài, dòng vốn trong nước chảy vào bất động sản TP.HCM cũng giảm trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung của các doanh nghiệp trong nước trong 2 tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM là 136.432 tỷ đồng, bằng 95,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, có 4.401 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 94.264 tỷ đồng, bằng 78,7% số lượng doanh nghiệp và tăng 39,5% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Có 14.177 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, vốn điều chỉnh bổ sung tăng 42.168 tỷ đồng.
Về lĩnh vực, nếu doanh nghiệp thành lập mới ngành bất động sản 2 tháng đầu năm 2018 chiếm 7,7% số doanh nghiệp và 30% tổng vốn đăng ký mới, thì 2 tháng đầu năm 2019, hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ đóng góp 6,6% số doanh nghiệp và 25,5% số vốn đăng ký mới.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, để thúc đẩy vốn vào ngành bất động sản, tháng 3, TP.HCM đề ra kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong nước để hút vốn đầu tư nước ngoài như hội thảo giới thiệu thông tin thị trường, hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Kỳ vọng vào các dự án trọng điểm
Theo giới phân tích, việc sụt giảm nguồn vốn vào bất động sản TP.HCM đã được các doanh nghiệp và cả giới chuyên môn dự đoán trước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, từ năm 2018, TP.HCM siết chặt việc cấp phép dự án mới, đây chính là nguyên nhân chính cho việc giảm vốn vào ngành bất động sản TP.HCM. Cụ thể, theo số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM, năm 2018, có hơn 120 dự án xin cấp phép, nhưng UBND Thành phố chỉ cấp phép cho 77 dự án với 28.316 căn nhà, giảm 18 dự án với khoảng 16.675 căn nhà so với năm 2017.
Ngoài ra, việc Thanh tra Chính phủ và TP.HCM đang tiến hành thanh tra 90 dự án bất động sản liên quan tới quỹ đất định giá chưa đúng với giá trị thực của thị trường cũng khiến các doanh nghiệp e dè khi rót tiền vào triển khai dự án bất động sản tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch, định hình lại thị trường cũng như việc vướng mắc trong thủ tục hành chính trong cấp phép dự án, cũng cản trở dòng vốn chảy vào thị trường địa ốc TP.HCM.
“Việc dừng cấp phép sẽ còn kéo dài trong năm 2019, nên dòng vốn đổ vào địa ốc TP.HCM sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới”, ông Châu nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, với chính sách hiện nay, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ tiếp tục gặp khó trong việc huy động vốn.
Ngoài ra, việc thay đổi cơ chế quy hoạch trong dự án đang quá nhiêu khê và chậm cũng là một trong những nguyên nhân khiến dòng vốn vào bất động sản TP.HCM bị chậm lại.
“Chẳng hạn, một dự án đã được TP.HCM cấp phép 10 năm trước, nhưng chủ đầu tư không thực hiện, giờ một doanh nghiệp khác mua lại. Để phù hợp với nhu cầu thị trường, chủ đầu tư mới buộc phải xin thay đổi thiết thế căn hộ, thiết kế dự án. Tuy nhiên, để xin thay đổi này, doanh nghiệp phải làm lại thủ tục toàn bộ mới và mất thời gian trên 1 năm. Điều này khiến doanh nghiệp một tâm lý e ngại và khó khăn rất lớn”, bà Hương nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế còn cho rằng, việc dòng vốn đổ bộ vào ngành bất động sản, một ngành mang nguồn thu lớn cho TP.HCM nhiều năm qua sụt giảm, đồng nghĩa với việc tạo thêm gánh nặng về thu ngân sách cho TP.HCM trong năm 2019, đặc biệt là Trung ương năm 2019 giao thêm 10% chỉ tiêu ngân sách cho TP.HCM.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành bất động sản không có hàng mới phát triển, kéo theo hàng ngàn lao động trong lĩnh vực bất động sản và liên quan đứng trước nguy cơ thất nghiệp…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người lạc quan vào thị trường bất động sản thời gian tới khi TP.HCM tiến hành đấu thầu nhiều dự án trọng điểm.
Cụ thể, UBND TP.HCM thông báo, đã có 5 doanh nghiệp nộp hồ sơ đấu thầu phát triển Dự án Khu đô thị Bán đảo Bình Quới – Thanh, Đa quận Bình Thạnh trong năm 2019. Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đã ra quyết định chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đô thị. Dự kiến nguồn thu ngân sách sẽ có thêm khoảng 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2019.