Sự quyết liệt của Chủ tịch tỉnh
Ngay sau khi thông tin về hiện tượng phân lô bán nền trái phép, phá vỡ quy hoạch tại TP.Pleiku được phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành đã chỉ đạo xử lý. Báo cáo của Sở Xây dựng gửi về tỉnh sau đó khẳng định: Đã có khoảng 1.600 lô đất tách thửa trái phép. Hiện tượng phân lô, bán nền diễn ra trên địa bàn 8 xã/phường của TP.Pleiku. “Vụ việc đúng như Báo Lao Động phản ánh” - báo cáo được Phó Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai - ông Trịnh Văn Sang ký, thừa nhận.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản đình chỉ tất cả mọi hoạt động không đúng quy định của việc san lấp, tách thửa, phân lô, bán nền. Đến ngày 16/5, UBND tỉnh Gia Lai quyết định thành lập đoàn liên ngành, trong đó không có đại diện UBND TP.Pleiku tham gia. Sau 45 ngày thanh tra, đoàn liên ngành do Sở Xây dựng làm trưởng đoàn cơ bản khái quát được “thảm trạng” phá vỡ quy hoạch đô thị TP.Pleiku. Tuy vậy, cán bộ nào làm sai, trách nhiệm của ai? Như thế nào? Có trục lợi? Lợi ích nhóm? chưa được nêu rõ, cụ thể.
Để làm rõ hơn, đến ngày 21/6, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký tiếp quyết định thành lập đoàn liên ngành thứ 2 do Thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn với mục đích làm rõ hơn vụ việc, xử lý nặng cá nhân, tổ chức vi phạm.
Cảnh báo cho nhiều tỉnh, thành
Chủ tịch UBND TP.Pleiku, ông Trần Xuân Quang từng phát ngôn rằng: Người dân mua đất của doanh nghiệp rao bán đó là thỏa thuận dân sự, do vậy chính quyền không thể can thiệp mà chỉ khuyến cáo. Về vấn đề này, luật sư Tạ Quang Tòng - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk - đáp trả: “TP.Pleiku hợp thức hóa việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm sổ đỏ đất nông nghiệp thành đất thổ cư thì hành vi đó gọi là tiếp tay cho hoạt động mua bán đất nông nghiệp trái phép và cũng như tiếp tay cho việc phá vỡ quy hoạch toàn bộ của thành phố”. Hiện tại Chủ tịch TP.Pleiku Trần Xuân Quang, cùng Ban Thường vụ Đảng ủy TP.Pleiku đang bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai kiểm tra dấu hiệu vi phạm khi để xảy ra sai phạm, tiếp tay trong việc phân lô, bán nền trái phép.
Một cựu lãnh đạo tỉnh Gia Lai thẳng thắn: “Sau khi vấn nạn phân lô, bán nền bị phanh phui, thấy rằng sự thiếu năng lực tham mưu (Sở TNMT) và trách nhiệm quản lý (Thành ủy Pleiku, UBND TP.Pleiku) trong việc quản lý đất đai, để xảy ra sai sót một cách nghiêm trọng và xâm phạm đến quy hoạch sử dụng đất của thành phố mà Luật Đất đai đã quy định, gây tổn thất lớn cho tỉnh về quản lý quy hoạch, cũng như tổn thất cho các giao dịch dân sự, xảy ra những tranh chấp không đáng có”.
Vị cựu lãnh đạo này phân tích: Với chức năng và nhiệm vụ tham mưu về đất đai, nói thẳng Sở TNMT chức năng tham mưu không có, yếu về năng lực dẫn đến tham mưu sai, cũng có thể họ nhìn thấy vi phạm nhưng vẫn cố tình vi phạm thêm, đó gọi là hành vi cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm. Cụ thể, thiếu trách nhiệm về tham mưu sai, cố ý làm trái mà trong Kết luận số 2405/KL-UBND (ngày 26.10.2018) Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành ký, nêu: “Thay vì tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về diện tích tối thiểu được tách theo nghị định của Chính phủ, thì Sở TNMT lại đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho tách thửa với lý do: “Vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất””. Sở TNMT cố ý “làm lợi” cho các cá nhân, tổ chức phân lô bán nền mà đẩy UBND tỉnh đi ngược quy định của Chính phủ. Khẳng định, Sở TNMT đã cố ý làm trái chức năng trong quản lý đất đai và tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, đó là bài học xương máu cho việc hoạt động quản lý đất đai.
Trách nhiệm của UBND TP.Pleku, cũng là cơ quan không có năng lực, không nắm vững được các căn cứ pháp luật trong vấn đề quản lý đất đai, tức những người làm chức năng này không làm được việc. Đại diện Sở Xây dựng Gia Lai góp ý: “Từ vụ việc tại Gia Lai, không riêng gì các tỉnh Tây Nguyên, mà các tỉnh, thành trên toàn quốc, ít nhiều rút ra được các bài học về quy hoạch đô thị cho tỉnh mình”.
Vị lãnh đạo Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Gia Lai có cơ chế ràng buộc về quản lý đất đai, đó là: Thứ nhất, khu vực đô thị phải có quy hoạch xây dựng; thứ hai phải có kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất trong 5 năm và hằng năm; thứ ba, có quy chế phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng (từ cấp tỉnh xuống cấp huyện, xã phường) để phát hiện và ngăn chặn ngay; thứ tư, tăng cường tập huấn chuyên môn cho cán bộ xã phường, cấp huyện.
Vị cán bộ này cho biết thêm: “Sở Xây dựng đã đề xuất lên UBND tỉnh cho nghiên cứu, lập quy chế phối hợp về quản lý trật tự xây dựng từ cấp tỉnh xuống cấp xã phường. Nếu không có gì thay đổi, đầu năm 2019, Gia Lai sẽ triển khai quy chế này”. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai - ông Lưu Văn Thanh nhấn mạnh: Tỉnh cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch chi tiết càng nhanh càng tốt. Nếu trước mắt chưa có quy hoạch thì tỉnh phải có chế tài, chính sách lộ trình quản lý các quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất vùng ven đô thị.