Nỗi lo vùng ven
Những ngày này, khu vực ven biển phía bắc của Quảng Nam giáp ranh TP.Đà Nẵng đang “hầm hập” trong cơn “sốt” đất. Theo anh Ngô Văn L. - một người môi giới đất đai ở phường Điện Dương (Điện Bàn): “Từ ra tết đến nay, không cần phải ở khu vực kinh doanh sầm uất, kể cả đất trong đường bê tông, đường ngõ xóm chỉ cần người dân có nhu cầu bán là sẽ có khách mua ngay”. Hòa cùng cơn “sốt” đất, hàng loạt tin đồn thất thiệt nhằm trục lợi được tung ra để “đẩy giá” đất dọc theo trục đô thị này từ việc giả văn bản của UBND tỉnh cấp phép đầu tư dự án tại phường Cẩm Nam (TP.Hội An) đến việc chia tách, sáp nhập một số xã, phường của Điện Bàn về TP.Đà Nẵng… Câu chuyện mảnh đất người dân bán trước tết đến nay giá cả đã tăng chóng mặt khiến gia đình xào xáo, lục đục đã trở nên quen thuộc với khu vực đô thị mới một thời chưa xa heo hút gió cát này.
Được biết, quỹ đất cho phép phát triển đô thị và nhà ở tại Điện Bàn trong hai năm 2019, 2020 có khoảng 280ha. Dễ dàng nhận thấy, chưa nhiều trong số các giao dịch bất động sản tại vùng giáp ranh TP.Đà Nẵng có mục đích xây dựng nhà ở hoặc các công trình xã hội khác mà chủ yếu để đầu tư, chờ cơ hội sinh lời. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nhìn nhận: “Điện Bàn đang thiếu trầm trọng các công trình nhà ở và thiết chế văn hóa phục vụ công nhân trong tiến trình phát triển đô thị của thị xã”. Theo TS-KTS. Ngô Trung Hải - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và nông thôn quốc gia, về mặt văn hóa - xã hội đối với các khu đô thị mới tại vùng này sẽ có biến đổi về văn hóa, ứng xử và các mối quan hệ xã hội từ quan hệ họ hàng, làng xã sang quan hệ xã hội phức tạp đa chiều do sự pha trộn nhiều tầng lớp dân cư, chuyển đổi mô hình tổ chức và do lợi ích kinh tế.
Liên kết vùng đô thị
Với vị trí đắc địa và đón được làn sóng đầu tư lớn thời gian qua, cả 3 đô thị Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An đều có được sức bật riêng để phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để trở thành một vùng đô thị động lực của cả miền Trung thì cần có sự kết nối tạo chuỗi liên kết bền vững để phát triển kinh tế - xã hội. Trên thực tế, hiện vẫn chưa có mối liên kết chính thức nào được xác lập giữa 3 đô thị. Theo TS-KTS. Ngô Trung Hải, để phát triển hài hòa cần hình thành sự phân công giữa các đô thị trong đó Điện Bàn chú trọng phát triển công nghiệp nhẹ, giảm áp lực về lao động, việc làm, nhà ở, hình thành vùng chuyên canh công nghiệp hóa nông nghiệp để tương hỗ cho Đà Nẵng và Hội An.
Khớp nối hạ tầng cũng là vấn đề quan trọng để tạo sức bật cho cả trục đô thị phát triển mạnh mẽ hơn. Sau một thời gian dài bị đình trệ thi công ở khu vực qua phường Điện Nam Trung (Điện Bàn), dự án cải tạo nâng cấp ĐT 607 từ Đà Nẵng đi Hội An đã được đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thiện tương đối cơ bản đến đoạn giáp ranh TP.Hội An, tạo thuận lợi cho một lượng lớn phương tiện, hàng hóa lưu thông bởi trên tuyến có Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ngoài ra, tuyến ĐT 608 Vĩnh Điện - Hội An hiện còn gần 3km đoạn thuộc Điện Bàn bị xuống cấp cũng sẽ được cải tạo trong thời gian sớm nhất với quy mô đường cấp 3 đồng bằng để khớp nối với đoạn qua TP.Hội An đã hoàn thiện trong năm 2018.
Cuối năm ngoái, tại hội thảo quốc tế đầu tư và đô thị hóa bền vững tại TP.Đà Nẵng, Sở KH&ĐT Đà Nẵng đã giới thiệu dự án tàu điện Đà Nẵng - Hội An với chiều dài 33km dự kiến đầu tư từ nguồn vốn vay ODA hoặc PPP (hợp tác công tư) với một số nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm đến dự án. Đây sẽ một kế hoạch triển vọng để đa dạng hóa giao thông đô thị, hạn chế phương tiện giao thông ở vùng trong tương lai. Việc xây dựng đập điều tiết trên sông Vĩnh Điện cũng rất cần thiết bởi trong thời gian đến còn có một cầu mới qua sông Vĩnh Điện được hoàn thành sẽ mở ra trục giao thông mới phía bắc giáp với TP.Đà Nẵng (trục giao thông nằm ở hạ lưu Tứ Câu hiện nay). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng: “Việc xây dựng cầu kết hợp đập điều tiết giúp tiết kiệm nhiều kinh phí trong khi phạm vi ngăn mặn lại rộng hơn với đập tạm hiện nay, từ đó giúp cả Quảng Nam và Đà Nẵng quản lý nguồn nước chủ động hơn”.