Mới đây nhất, tại cuộc họp báo kinh tế - văn hóa - xã hội tháng 2/2019, người phát ngôn UBND TPHCM - Chánh Văn phòng Võ Văn Hoan cho biết, sắp tới TPHCM tiến hành rà soát lại quy hoạch cũ, điều chỉnh dự án Bình Quới - Thanh Đa cho phù hợp thực tế. Quy hoạch trước đây do nhà đầu tư cũ đề xuất không còn phù hợp, thực tế cũng có nhiều biến động như TPHCM có chủ trương tạm thời cấp giấy phép xây dựng tạm trong vùng quy hoạch. Do đó, cần phải rà soát, điều chỉnh lại dự án này.
Mặt khác, TPHCM cũng có chủ trương cấp phép tạm (trên đất được quy hoạch làm đất ở nhưng chưa triển khai thực hiện). Vì vậy, TPHCM sẽ xem xét và điều chỉnh lại ranh quy hoạch, có thể tạo điều kiện để người dân trong vùng tự phát triển, phù hợp với quy hoạch.
Như vậy, sau 26 năm sống trong những ngôi lụp xụp mà không được phép sửa chữa cho khang trang thì sắp tới khoảng 3.400 người dân đang sinh sống tại đây đã có đủ điều kiện để nâng cấp nhà cửa, ổn định đời sống.
Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá, xác định tính khả thi của dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa để điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm, làm cơ sở để người dân được thực hiện tách thửa và được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định của UBND TP.HCM.
Nhờ đó, sẽ đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch kéo dài; giúp cho cơ quan quản lý có thể đánh giá tính khả thi về quy mô của dự án, làm cơ sở để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực phù hợp để thực hiện dự án theo quy hoạch.
Song song đó, UBND quận Bình Thạnh cũng vừa có văn bản kiến nghị, liên quan đến quy định tách thửa và cấp giấy phép xây dựng có thời hạn tại khu vực Bình Quới - Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh.
Theo đó, diện tích đất tự nhiên tại phường 28, quận Bình Thạnh là 549,43ha; dân số 14.722 người với 4.404 hộ. Từ năm 2005 đến nay, UBND TPHCM đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt liên quan đến khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Chính các nội dung này làm cho người dân không được tách thửa, chỉ được giải quyết cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo công trình.
Song song với việc điều chỉnh lại dự án, UBND TPHCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tính toán, xây dựng tiêu chí để tổ chức đấu thầu theo đúng quy định. Động thái trên nhằm chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án có quy mô lớn, phức tạp để bảo đảm tính khả thi, triển khai nhanh dự án.
Hiện nay đã có 5 nhà đầu tư quan tâm đến dự án, trong đó có nhà đầu tư năng lực tài chính rất tốt, họ cam kết ứng trước 3 tỷ USD để triển khai dự án. Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM cũng cho biết thêm hiện nay ngại nhất là thủ tục. Các nhà đầu tư chỉ hỏi lãnh đạo TPHCM 2 câu hỏi: Tổng mức bồi thường bao nhiêu? Bao giờ bàn giao mặt bằng? nhưng chúng ta trả lời không được là họ rút.
UBND TPHCM cũng lưu ý báo cáo cần phải nêu rõ cơ sở pháp lý, yếu tố thuận lợi chọn hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quy trình cụ thể triển khai lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư (tiêu chí phải có nội dung ký quỹ với số tiền đảm bảo đủ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có bảo lãnh hợp pháp của các tổ chức tín dụng nhằm chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm).
Trong thời gian tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án, Thường trực UBND TPHCM cũng giao UBND quận Bình Thạnh chủ trì, phối hợp với các sở - ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TPHCM về các giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân khu vực dự án.
Ngoài ra, UBND TPHCM còn giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm của các hộ dân. Bởi đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án kéo dài; để tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân trong khu vực dự án.