Aa

Bài 20: TP.HCM kỷ luật công chức vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Năm, 27/07/2023 - 05:39

TP.HCM đã xử lý kỷ luật 184 công chức vi phạm quản lý trật tự xây dựng, trong đó 124 người bị khiển trách, cảnh cáo 43 người, hạ bậc lương 13 người, giáng chức 1 người, cách chức 1 người và buộc thôi việc 2 người.

Lời toà soạn:

Ngày 25/7/2019, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD), tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật, trên địa bàn thành phố.

Theo tinh thần Chỉ thị này, phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.

Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Tình trạng xây dựng sai phép, cấp phép xây dựng sai quy định ở một số địa bàn vẫn còn tiếp diễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình sai phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng loạt bài: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU tại TP.HCM: Thành quả và bài học thực tiễn. Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Thông tin này được Sở Xây dựng TP.HCM nêu rõ, tại báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện quả Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành uỷ và Kế hoạch số 3333/KH-UBND ngày 12/8/2019 của UBND TP.HCM.

Cụ thể, liên quan đến việc xử lý trách nhiệm các cá nhân có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, nhằm tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương hành chính, Sở Xây dựng, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã nghiêm túc xử lý trách nhiệm đối với công chức thuộc quyền quản lý có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.

Theo đó, thành phố đã xử lý kỷ luật 184 trường hợp, gồm: khiển trách 124 trường hợp, cảnh cáo 43 trường hợp, hạ bậc lương 13 trường hợp, giáng chức 1 trường hợp, cách chức 1 trường hợp, buộc thôi việc 2 trường hợp.

Sở Xây dựng cũng cho biết, thành phố tổ chức lại lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng theo tinh thần việc kiểm tra, xử lý các sai phạm trong xây dựng không phép, xây dựng trên đất không được phép xây dựng, xây dựng sai phép là trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã với lực lượng phối hợp thực hiện là Đội Thanh tra địa bàn quận, huyện thuộc Sở Xây dựng.

Trong khi chờ Đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, UBND TP đã ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 29/12/2019 về ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Từ năm 2019 đến nay, Đội Thanh tra địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận huyện thuộc Sở Xây dựng đã và đang tham mưu UBND cấp huyện trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Cụ thể là tham mưu UBND cấp huyện theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Đội Thanh tra cũng tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, UBND TP ban hành quyết định điều chuyển 10 biên chế từ Thanh tra Sở Xây dựng sang Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, nhằm tăng cường lục lượng cho Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai.

Ngày 16/8/2021, UBND TP có Tờ trình số 2727/TTr-UBND trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị. Ngày 16/6/2022, UBND TP đã có Công văn số 1979/UBND-VX gửi Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ có ý kiến đối với việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường lòng, lề đường, nơi công cộng từ Phòng Quản lý đô thị thuộc UBND cấp huyện sang Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị. Trên cơ sơ ý kiến của các cơ quan, Sở Nội vụ và Sở Xây dựng đang tiếp tục UBND TP về Đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý tham mưu trật tự xây dựng đô thị.

TP.HCM đã xử lý trách nhiệm đối với công chức thuộc quyền quản lý có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng - Ảnh: Reatimes

Báo cáo sơ kết của Sở Xây dựng cho biết, sau 4 năm triển khai thực hiện đồng bộ Chỉ thị số 23-CT/TU và Kế hoạch số 3333/KH-UBND trên toàn Thành phố và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, bình quân số vụ vi phạm trên 1 ngày giảm so với thời điểm trước ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU.

Cụ thể, tổng số công trình vi phạm là 2.699 công trình, bình quân 1,8 vụ/ngày, giảm 6,7 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 89%, so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU là 8,5 vụ/ngày.

Nếu tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổng số công trình vi phạm là 170 công trình, bình quân 0,9 vụ/ngày, giảm 7,6 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 89%, so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU là 8,5 vụ/ngày.

Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, từ năm 2010 đến 2018, trên địa bàn thành phố phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về trật tự xây dựng. Vì vậy, những kết quả đạt được trong 4 năm qua đã thể hiện Chỉ thị 23 là quyết sách hữu hiệu để lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, theo báo cáo tại hội nghị này, Công an TP.HCM, công an quận, huyện, phường, xã đã tiếp nhận, tham mưu UBND cùng cấp xử lý hơn 5.000 tin về vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Qua đó, cắm biển cảnh báo tại các khu đất có dấu hiệu phân lô, bán nền trái phép. Đồng thời kiểm tra, xử lý 1.800 trường hợp vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm.

Lực lượng Công an TP.HCM cũng tham gia với lực lượng các cấp tổ chức cưỡng chế thực hiện vi phạm các quyết định xử lý vi phạm hành chính với 2.600 trường hợp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top