Aa

Bài 8: Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất nhiều giải pháp triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội

Khánh Hòa
Khánh Hòa khanhhoa.13590@gmail.com
Thứ Hai, 24/07/2023 - 05:14

Để triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ ban hành, Sở Xây dựng TP.HCM đã giao giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường phân nhóm và đưa giải pháp phù hợp.

Tại báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM về kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thời gian qua, Sở đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, theo Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Theo Sở Xây dựng, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư dự án, đáp ứng mục tiêu đề ra theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Xây dựng đã có Công văn số 9456/SXD- PTN&TTBĐS ngày 28/6/2023 tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các Sở ngành triển khai thực hiện Đề án. 

Sở Xây dựng triển khai một số giải pháp như: giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đấu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật. Sở cũng chủ trì, phối hợp với các Sở ngành và Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) nghiên cứu đề xuất UBND thành phố xem xét việc bổ sung các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào chương trình kích cầu đầu tư của thành phố để tổ chức triển khai thực hiện, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. 

Sở Xây dựng TP.HCM
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã triển khai nhiều giải pháp theo Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ ban hành

Trong khi đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức và các Ban Quản lý về nội dung khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Các cơ quan quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư.

Về chính sách hỗ trợ và quản lý đối với nhà trọ do tổ chức hoặc hộ gia đình, cá nhân xây dựng cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng cho biết, trên cơ sở kết quả phối hợp kiểm tra, rà soát và đề xuất của Sở, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện về chính sách hỗ trợ và quản lý đối với nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở do tổ chức hoặc hộ gia đình, cá nhân xây dựng trên địa bàn TP.HCM, UBND thành phố đã có Công văn số 3075/UBND-ĐT ngày 31/8/2022 giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu đề xuất chính sách hỗ trợ lãi vay từ ngân sách Nhà nước cho hộ gia đình, cá nhân để cải tạo xây dựng mới nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở. Đồng thời, UBND TP giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận - huyện hướng dẫn, hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xin giấy phép xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cải tạo nhà trọ và nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng; cấp giấy phép kinh doanh nhà trọ theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2971/QĐ-UBND ngày 6/9/2022 về việc phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Ngày 10/3/2023, UBND thành phố đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 trong Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2025 và công bố Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Chương trình đề ra các nhóm giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.

Cụ thể, thứ nhất là nhóm giải pháp phát triển nhà ở nói chung (giải pháp về cơ chế chính sách phát triển nhà ở; về quy hoạch, phát triển quỹ đất; nâng cao năng lực phát triển nhà ở theo dự án, về nguồn vốn và thuế để phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

Thứ hai là nhóm các giải pháp phát triển nhà ở theo khu vực (khu vực trung tâm hiện hữu: bao gồm quận 1 và quận 3; khu vực nội thành hiện hữu: bao gồm các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh; khu vực nội thành phát triển: bao gồm các quận 7, quận 12, Bình Tân và thành phố Thủ Đức; khu vực ngoại thành: bao gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ).

Sở Xây dựng cũng phân nhóm giải pháp về phát triển nhà ở cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội (nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà trọ, nhà ở cho các đối tượng chính sách khác...); nhóm giải pháp phát triển nhà ở nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị (phát triển nhà ở phục vụ tái định cư; di dời nhà ở trên và ven kênh rạch; cải tạo, đầu tư xây dựng mới thay thế chung cư cũ); nhóm giải pháp về phát triển nhà ở thích ứng linh hoạt với những biến động kinh tế - xã hội./.

Cần có biện pháp mạnh tay ngăn chặn "trục lợi" từ nhà ở xã hội

Như Reatimes đã thông tin trong Bài 7: TP.HCM: Chiêu trò “móc túi khách hàng“ từ thu phí dịch vụ bán nhà ở xã hội, muốn mua nhà ở xã hội Thủ Thiêm Green House, khách hàng phải ký hợp đồng thu phí dịch vụ 12-13 %, thông qua đơn vị môi giới. Theo chuyên gia, việc thu phí dịch vụ này nằm ngoài các quy định về NOXH. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ khách hàng bị mất quyền lợi, bị "cắt ngang" các ưu đãi mà đáng ra người thuê mua nhà ở xã hội được hưởng.

Cũng tại dự án này, môi giới tư vấn nhiều "chiêu trò" để trục lợi, thông qua việc làm giả hồ sơ về đối tượng được thuê mua, với chi phí "bôi trơn" 30 triệu cho mỗi hồ sơ.

Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trục lợi từ nhà ở xã hội là câu chuyện không còn mới, nhưng hiện nay đang ngày càng tinh vi hơn và khó kiểm soát. Trong đó, bán sai đối tượng là biến tướng thường gặp. Vì muốn bán hàng nhanh, đơn vị bán nhà ở xã hội thường có nhiều cách để lách luật. Một khi dự án được bán sai đối tượng thì sẽ xuất hiện tình trạng hồ sơ nộp rất "khủng", nhiều "người giàu" cố chen chân để "tranh suất" kiếm lời, dẫn đến đối tượng thật lại khó tiếp cận.

Luật sư Phượng cho biết, thực tế tiêu chí để lựa chọn người mua nhà ở xã hội rất gắt gao, trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà. Mặt khác quy định cũng cấm người mua nhà ở xã hội bán lại trước 5 năm. Tuy nhiên việc quy định cấm mua bán nhưng lại không có biện pháp ngăn chặn/

“Việc hậu kiểm sau khi khách hàng được duyệt hồ sơ mua nhà vẫn còn lỏng lẻo dẫn đến việc "nhiều người giàu" vẫn tranh nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội, sau đó bán sang tay để kiếm lời, trong khi nhiều người có nhu cầu ở thật lại bị loại, tạo ra sự bất công trong chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội”, ông Phượng nói.

Theo vị Luật sư, muốn hạn chế tình trạng trên, cần phải có sự phối hợp kiểm tra chặt giữa cơ quan quản lý nhà nước với ban quản lý, ban quản trị dự án, có tổ hậu kiểm danh sách mà chủ đầu tư nộp lên để phát hiện ra các trường hợp "gian lận". Đặc biệt, cơ quan quản lý cần phải công khai danh sách người được duyệt mua, thuê mua nhà ở xã hội để ban quản trị, người dân chủ động giám sát, tố cáo những người “tranh” suất mua rồi bán kiếm lời thì mới có thể đảm bảo công bằng cho người thu nhập thấp đúng nghĩa.

“Nếu không công khai thông tin đầy đủ để người dân cùng phát hiện, ngăn chặn việc mua bán không đúng luật sẽ rất thiệt thòi cho người khó khăn có nhu cầu ở thật”, ông Phượng nói thêm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top