Aa

Bất động sản 24h: Dù thị trường đang khó khăn nhưng không phải là cuộc khủng hoảng, mà là cơ hội

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Sáu, 21/04/2023 - 10:24

Dù thị trường bất động sản đang khó khăn, nhưng không phải là cuộc khủng hoảng, mà là cơ hội; Đề xuất giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ - “cửa thoát hiểm” cho doanh nghiệp... là những tin tức BĐS đáng chú ý trong 24h qua.

Tiềm năng tăng giá và cơ hội đầu tư chung cư trung - cao cấp khu Đông Hà Nội năm 2023

Các dự án nhà ở trung - cao cấp phía Đông đang chiếm phần lớn trong tổng nguồn cung nhà ở của Hà Nội. Cùng với lợi thế quy hoạch hạ tầng đồng bộ, các căn hộ đang có sức hút lớn với người mua thực và nhà đầu tư.

Khu Đông nằm ở vị trí cửa ngõ Thủ đô với dòng sông Hồng uốn bao quanh, được đánh giá cao khi tạo ra một không gian sống vô cùng thịnh vượng. Khu Đông cũng là cửa ngõ giao thương liền kề với nhiều tỉnh thành. Vị trí thuận lợi đưa khu Đông dần trở thành trung tâm mới có sự phát triển nhanh chóng và vô cùng nổi trội về cả kinh tế và xã hội. 

Theo Báo cáo Xu hướng thị trường trung - cao cấp Hà Nội năm 2023, triển vọng 2023 - 2025 do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) thực hiện, nguồn cung của thị trường căn hộ tại khu Đông đang rất dồi dào đóng góp đến gần 60% nguồn cung cả thị trường. Nhìn chung các dự án căn hộ tại khu Đông nằm ở phân khúc trung cấp - cao cấp, trong đó khu vực tập trung nhiều dự án nhất nằm ở vị trí gần các tuyến Vành đai 3 và Vành đai 3,5 như Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City… 

Dự kiến trong năm 2023, nguồn cung sơ cấp cả thị trường Hà Nội tương đương giai đoạn 2020 - 2022, đạt xấp xỉ 14.000 - 15.000 căn hộ sơ cấp. Trong đó, 80% nguồn cung này chủ yếu đến từ các dự án phía Tây và phía Đông và 50% đến từ các đại đô thị tại 2 khu này.

Như vậy, trước thực trạng nguồn cung nội thành đang ngày một cạn kiệt cùng mức giá tăng cao, nhiều người mua thực sẽ có lựa chọn thông minh hơn khi tìm đến những khu vực xung quanh trung tâm Hà Nội với nhiều sự lựa chọn về sản phẩm và giá cả. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Dù thị trường bất động sản đang khó khăn, nhưng không phải là cuộc khủng hoảng, mà là cơ hội

Trước những lo lắng, băn khoăn của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia về tình hình của thị trường bất động sản hiện nay, ông Lực cho rằng, không nên quá bi quan về thị trường, bởi đây không phải là cuộc khủng hoảng.

"Tôi không cho rằng chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng. Mặc dù thị trường có những khó khăn, vướng mắc do cả lý do khách quan và chủ quan, nhưng tôi nghĩ thời điểm này cũng là cơ hội để chúng ta rà soát lại những cơ chế chính sách và đối với các doanh nghiệp bất động sản cũng là cơ hội để nhìn lại chính mình", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Lý do dẫn tới tình trạng khó khăn của thị trường hiện nay, theo ông Lực, là bởi giai đoạn trước, nhiều doanh nghiệp phát triển nóng, dàn trải, dùng đòn bẩy tài chính cao và đẩy mặt bằng giá lên, những cái đó sẽ không bền vững.

"Đúng là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy đã đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng trong bối cảnh đó vẫn có những doanh nghiệp làm ăn được", ông Lực nói và cho rằng, thời điểm hiện tại là cơ hội. Bởi thị trường bất động sản đã bắt đầu quay trở lại giá trị thực. Đặc biệt, khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới thị trường Việt Nam và đã thực hiện đầu tư thông qua M&A. Các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc về 2 vấn đề, một là pháp lý cần phải rõ ràng và hai là vấn đề về giá.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đề xuất cho Tổng Liên đoàn Lao động xây nhà ở xã hội: Những mâu thuẫn về luật và hệ lụy

"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thu phí của người lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng kinh phí này chuyển sang kinh doanh làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cạnh tranh với doanh nghiệp bất động sản là điều bất hợp lý", Luật sư Trần Đức Phượng nói.

Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở. Theo đó, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, Luật Nhà ở 2014 đang được sửa đổi và dự kiến sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2024.

Trước đó vài ngày, Chính phủ cũng đã đề xuất nội dung trên lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tuy nhiên, đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng nhà ở xã hội đã vấp phải nhiều luồng ý kiến liên quan đến luật và kinh phí mà Tổng Liên đoàn Lao động dự kiến làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ở góc độ pháp lý, Reatimes đã có ghi nhận những quan điểm, chia sẻ của LS. Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM về vấn đề này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đề xuất giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ - “cửa thoát hiểm” cho doanh nghiệp

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có các biện pháp giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ cho doanh nghiệp. Thông tin này khiến không ít doanh nghiệp “thở phào” trước nỗi lo nhảy nhóm nợ. 

Trước đó, Reatimes đã thông tin xu hướng tăng tỷ lệ nợ xấu bất động sản vẫn chưa dừng lại khi bước sang năm 2023 - thời kỳ “đỉnh nợ” trái phiếu doanh nghiệp. Đáng chú ý, một loạt doanh nghiệp bất động sản không thể trả nợ các lô trái phiếu tới kỳ đáo hạn nên phải “khất nợ” với nhà đầu tư, đồng thời lùi thời điểm thanh toán.

Xu hướng tăng tỷ lệ nợ xấu bất động sản vẫn chưa dừng lại. Ảnh minh hoạ: Reatimes
Xu hướng tăng tỷ lệ nợ xấu bất động sản vẫn chưa dừng lại. (Ảnh minh hoạ: Reatimes)

Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), Hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam (VSCE) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và một số đồng chí lãnh đạo cao cấp… kiến nghị các giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển của khối doanh nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản.

Trong đó có kiến nghị cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản phản ứng thế nào với những chính sách được ban hành?

Trong quý I/2023 thị trường bất động sản vẫn đang ở tình trạng trầm lắng, Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn. Vậy thị trường bất động sản phản ứng thế nào với những chính sách được ban hành?

Trong 3 tháng đầu năm 2023, toàn cảnh thị trường bất động sản vẫn là một gam màu xám ám đạm, khi nguồn cung và tỷ lệ giao dịch chỉ bằng 40 - 50% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, ở phân khúc nhà ở bất chấp việc giảm sút mạnh về thanh khoản, nhưng giá bán lại không ngừng tăng tại Hà Nội và TP.HCM.

Cụ thể, tại Hà Nội, giá bán tăng dao động từ 5 - 10%; TP.HCM, giá bán tăng dao động từ 10 - 15%. Đặc biệt, hầu hết sản phẩm mở bán đều tập trung ở phân khúc cao cấp, bình quân 51 triệu đồng/m2 ở Hà Nội và TP.HCM là 74 triệu đồng/m2. Trong quý, nguồn cung chủ yếu là hàng tồn kho từ giai đoạn trước.

“Quý I/2023, thị trường bất động sản tiếp tục ở trong trạng thái trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi. Các doanh nghiệp bất động sản, môi giới bất động sản, khách hàng, nhà đầu tư đều ở trạng thái “nín thở”, không hoàn toàn “án binh bất động” nhưng luôn chờ đợi từng động thái từ cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nói.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top