Aa

Bất động sản 24h: Giá cho thuê căn hộ chung cư tại Hà Nội đồng loạt tăng cao

Chủ Nhật, 18/06/2023 - 10:05

Đảm bảo quyền lợi người dân khi thu hồi đất; Giá cho thuê căn hộ chung cư tại Hà Nội đồng loạt tăng cao... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Đảm bảo quyền lợi người dân khi thu hồi đất

Một trong những nội dung được góp ý và quan tâm nhất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi đất có chỗ ở, có điều kiện sống tốt, bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…

thu hồi đất, đại biểu quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu tại Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho biết, trong Điều 108 về hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất. Tại điều này của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã theo hướng là bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của người có đất và bị thu hồi đất, quy định rõ việc lập, rồi phê duyệt phương án đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm và trách nhiệm tổ chức thực hiện.

"Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cần phải có những quy định về mặt chế tài để đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả phương án đào tạo nghề chuyển đổi việc làm cho người nông dân, đặc biệt là những người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp để tạo sinh kế, ổn định cuộc sống. Vì vậy cần nghiên cứu để bổ sung quy định mang tính bắt buộc. Tức là bắt buộc phải hoàn thành việc đào tạo nghề chuyển đổi việc làm cho người dân trước khi thu hồi đất, tránh trường hợp thu hồi xong rồi mà người dân không có việc làm thì mới đi đào tạo", đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giá cho thuê căn hộ chung cư tại Hà Nội đồng loạt tăng cao

Chị Nguyễn Thị Oanh - một nhân viên kinh doanh tại quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội) cho biết, gia đình chị đang có nhu cầu thuê một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ để ở. Tuy nhiên, đi tìm nhiều ngày, chị thấy giá cho thuê căn hộ hiện nay đang quá cao, vượt khả năng chi trả hàng tháng của gia đình.

Theo chị Oanh, tại chung cư HH Linh Đàm, căn hộ 2 phòng ngủ có đồ cơ bản (khoảng 60m2) đang có giá cho thuê là 7 - 8 triệu đồng/tháng; căn 3 phòng ngủ đồ cơ bản giá 9 - 11 triệu đồng/tháng. Tương tự, giá căn hộ cho thuê ở Pháp Vân - Tứ Hiệp hay Đồng Tàu đều cao 7 - 12 triệu đồng/tháng, tùy vị trí, số tầng.

"Gia đình tôi đang thuê một căn hộ tại khu tái định cư Đồng Tàu với giá 5,5 triệu đồng/tháng từ năm 2021, nhưng đến hết tháng 6 này tôi phải chuyển, do chủ cần bán. Tuy nhiên, với giá cho thuê căn hộ hiện tại, gia đình sẽ không đủ khả năng chi trả, chưa kể thu nhập thời gian qua đang bị giảm sút nhiều", chị Oanh chia sẻ.

Còn theo anh Nguyễn Đức Thiện ở quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội), anh vừa phải ngồi lại với chủ căn hộ để thương lượng về thông báo tăng giá thuê thêm 2 triệu đồng/tháng từ tháng 7 tới.

"Gia đình tôi thuê căn hộ 70m2, 2 phòng ngủ, nội thất cơ bản ở tòa chung cư 90 Nguyễn Tuân với giá 8 triệu đồng/tháng từ năm 2021. Tháng 7/2022, giá cho thuê căn hộ của tôi tiếp tục tăng lên 9 triệu đồng/tháng. Gần đây, chủ nhà tiếp tục thông báo tăng lên 11 triệu đồng/tháng, khiến gia đình tôi choáng váng", anh Thiện chia sẻ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản Gia Lâm tăng sức hút trước thềm lên quận

Gia Lâm nằm ở phía Đông Hà Nội - nơi có hạ tầng phát triển nhanh chóng với 12 cây cầu bắc qua sông Hồng (6 cây cầu hiện hữu, 6 cây cầu dự kiến xây mới), 2 tuyến Metro trong tương lại. Khu vực này còn có khả năng kết nối rộng mở bởi mạng lưới đường liên tỉnh nối Hà Nội - Hưng Yên, Vành đai 3,5, Vành đai 4. Vành đai 4 dài hơn 112km kết nối Gia Lâm - Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh sẽ khởi công vào tháng 6/2023.

Nhờ quy hoạch bài bản, quỹ đất dồi dào, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như Vinhomes, Eurowindow Holding, Masteri… đã chọn Gia Lâm để triển khai xây dựng nhiều dự án quy mô lớn, thu hút làn sóng dịch chuyển dân cư từ nội đô vốn đang quá tải về mật độ và khan hiếm quỹ đất. Nhiều cơ quan bộ ngành, khu công nghệ cao, bệnh viện, trường học… cũng đang được di dời từ nội độ hoặc xây dựng mới tại Gia Lâm, kéo theo đội ngũ chuyên gia, doanh nhân, người thu nhập cao đến làm việc, sinh sống.

Bên cạnh đó, khu Đông Hà Nội còn được hai con sông bao quanh và tỷ lệ không gian xanh nhiều hơn hẳn các quận nội đô, thuận lợi để phát triển các khu đô thị có yếu tố xanh, sinh thái - một lợi thế thu hút cư dân về ở.

Trong 5 huyện có lộ trình lên quận vào năm 2025, Gia Lâm là ứng viên nổi bật và có thể "về đích sớm" vào cuối năm nay. Quận mới sẽ được gia tăng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các cơ chế chính sách, đồng thời tăng cường số lượng cán bộ nhà nước, quản lý an ninh. Nhờ đó, người dân sẽ được hưởng nhiều cơ chế an sinh xã hội có lợi hơn. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản sẽ phát triển theo hướng ổn định và bền vững, không còn là thị trường siêu lợi nhuận

Theo nhiều chuyên gia, từ năm 2024 trở đi, thị trường bất động sản sẽ phát triển theo quỹ đạo an toàn, bền vững, không còn là thị trường siêu lợi nhuận.

ts. nguyễn văn đính
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. (Ảnh: Reatimes)

Chia sẻ tại Tọa đàm "Gỡ nút thắt pháp lý cho bất động sản: Từ chính sách đến thực tiễn" mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết khâu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản có liên quan đến nhiều luật, song các luật lại có nhiều mâu thuẫn. Đây chính là một trong những điểm nghẽn lớn nhất khiến cộng đồng doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn. 

"Do mâu thuẫn giữa các luật với nhau, dẫn đến chuyện nếu làm đúng quy định của luật này thì sai quy định của luật khác. Khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào rà soát, chính quyền địa phương sẽ là những người liên đới, chịu trách nhiệm đầu tiên. Chính vì vậy, hiện nay, rất nhiều lãnh đạo các cấp, chính quyền đã dừng lại hết, không làm nữa. Đây cũng là nguyên nhân làm cho hàng nghìn dự án đang phải nằm chờ, chờ sự điều chỉnh, chờ các tháo gỡ, chờ những quy định mới, chờ luật mới", ông Đính nói.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hà Nội trả lời về các dự án bất động sản "bất động" trong thời gian qua

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri các huyện: Đông Anh, Đan Phượng, đề nghị kiểm tra một số dự án khu đô thị trên địa bàn đã có quy hoạch, thu hồi đất từ nhiều năm nay nhưng đến nay chưa triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi sử dụng đất của nhân dân.

Trả lời kiến nghị của cử tri huyện Đan Phượng đề nghị kiểm tra các dự án khu đô thị: Vinalines và bất động sản Đan Phượng, khu đô thị Hồng Thái, đã có quy hoạch 14 năm song đến nay chưa triển khai, UBND TP. Hà Nội cho biết, dự án Khu đô thị Hồng Thái gồm 3 khu: Phần giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển sông Đà có diện tích khoảng 40ha; phần giao Công ty cổ phần Bất động sản Vinalines diện tích khoảng 48ha; phần giao Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển sông Đà 9.06 có diện tích 77ha.

Các dự án nêu trên đã có quyết định giao chủ đầu tư của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) nhưng nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư. Dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư. Nhà đầu tư chưa thực hiện thủ tục về đất đai (thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng...) theo quy định.

Cuối năm 2022, Tổ công tác liên ngành thành phố đã có văn bản báo cáo UBND thành phố kết quả rà soát các dự án nêu trên, trong đó đề xuất UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thanh tra, kiểm tra dự án; củng cố cơ sở pháp lý để đề xuất phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể (có thể xem xét chấm dứt hiệu lực các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc thực hiện dự án). 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top