Aa

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu dừng việc hiến đất làm đường trái quy định

Thứ Ba, 23/01/2024 - 10:03

Đây là một trong những chỉ đạo của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường tại thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tại kết luận này, Bộ Tài nguyên – Môi trường yêu cầu Đồng Nai cần chấn chỉnh và hoàn thiện công tác giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, tách hợp thửa đất nhằm đưa công tác quản lý Nhà nước về đất đai đi vào nề nếp, nâng cao hiệu lực trong quản lý và hiệu quả trong sử dụng đất.

Song song đó là chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế trong công tác giao đất; cho thuê đất; tách hợp thửa đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Đặc biệt, Đồng Nai cần chỉ đạo UBND các huyện, thành phố dừng ngay việc các hộ dân hiến, tặng, trả lại quyền sử dụng đất cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong các thửa đất xin tách thửa nhưng không phù hợp với quy định.

Liên quan đến việc hiến đất làm đường, trước đó, vào tháng 10/2022, tỉnh Khánh Hòa đã cách chức vụ Phó Chủ tịch UBND Cam Lâm, kỷ luật nhiều lãnh đạo do có những sai phạm. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND huyện tự đặt ra thủ tục "hiến đất" làm đường không đúng thẩm quyền, cho phép nhiều trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để làm đường, tách thửa không đúng quy định với diện tích lớn.

Những khuyết điểm, vi phạm của Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và các đảng viên đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và tính đồng bộ trong quy hoạch trên địa bàn huyện; ảnh hưởng lâu dài đến công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đến sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội và nguy cơ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Đến tháng 4/2023, UBND huyện Cam Lâm có báo cáo gửi Sở Tài nguyên – Môi trường Khánh Hòa về những vướng mắc trong việc khắc phục hậu quả các sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, đối với 107 trường hợp hiến đất làm đường giao thông nhưng không phù hợp với quy hoạch đường giao thông đã được phê duyệt, UBND huyện Cam Lâm hủy văn bản chấp thuận đầu tư đường giao thông, UBND các xã và thị trấn Cam Đức thực hiện việc quản lý đất hiến theo quy định. UBND huyện Cam Lâm tạm thời cho phép tồn tại các thửa đất nêu trên theo mục đích trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp nhưng không cho phép xây dựng.

Không chỉ riêng tại tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng cũng là một trong những điểm nóng trong hiến đất mở đường trên đất nông nghiệp, đặc biệt là tại Bảo Lộc, Lâm Hà và Bảo Lâm. Thời gian qua, nhiều cuộc họp nóng đã diễn ra nhằm chấn chỉnh các hoạt động phân lô, bán nền tràn lan trên địa bàn và nêu rõ các sai sót trong hiến đất mở đường gây băm nát quy hoạch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu dừng việc hiến đất làm đường trái quy định- Ảnh 1.

Lâm Đồng cũng là một trong những điểm nóng trong hiến đất mở đường trên đất nông nghiệp

Ngày 15/2/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản về việc xử lý kết quả tổng hợp việc hiến đất, mở đường nhằm mục đích tách thửa của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Trong đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND các huyện yêu cầu tạm dừng san lắp mặt bằng, thi công công trình, không được làm cổng, rào chắn đối với đường đã thi công trên diện tích đã hiến làm đường để bàn giao cho địa phương quản lý làm đường công cộng.

Đồng thời, UBND các huyện kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích đất của các hộ hiến, trả lại đất để mở đường, san lấp mặt bằng, phân lô trên địa bàn tỉnh, đối chiếu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo các địa phương xem xét xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định. Ngoài ra, các huyện tiến hành rà soát, lập quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định.

Sau đó, ngày 23/5/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo chấm dứt hiệu lực các văn bản trước đó của UBND tỉnh liên quan đến việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ tách thửa, hợp thửa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND quyết định chấm dứt hiệu lực toàn bộ các văn bản của UBND tỉnh: số 4911/UBND-ĐC ngày 5/7/2022 về tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ tách thửa, hợp thửa trên địa bàn tỉnh; số 1952/UBND-ĐC1 ngày 16/3/2023 về việc xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố kể từ ngày ký văn bản.

UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng, Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan dự thảo quyết định thay thế quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 1/11/2021 của UBND tỉnh theo hướng xây dựng nội dung dự thảo theo đúng quy định của pháp luật đất đai về tách thửa, hợp thửa (chỉ những nội dung quy định UBND cấp tỉnh phải ban hành). Đồng thời, tỉnh bỏ quy định về mở đường giao thông, thu hồi đất làm đường giao thông và bỏ quy định về việc lập kế hoạch chi tiết, lập dự án./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top