Aa

Các dự án giao thông đang giữ “nhịp“ giải ngân tốt

Thứ Năm, 29/06/2023 - 12:03

Tính đến ngày 30/6, Bộ GTVT ước giải ngân khoảng 35.627 tỷ đồng, đạt hơn 37% kế hoạch năm, cao hơn mức trung bình chung của cả nước.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ giải ngân với các Ban QLDA, Sở GTVT các địa phương ngày 28/6. (Ảnh: Bộ GTVT)
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ giải ngân với các Ban QLDA, Sở GTVT các địa phương ngày 28/6. (Ảnh: Bộ GTVT)

Tiến độ giải ngân cao hơn cùng kỳ

Thông tin tại cuộc họp kiểm điểm, đánh giá tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm của Bộ GTVT sáng 28/6, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KHĐT) cho biết, năm 2023 Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 95.200 tỷ đồng.

Trong đó, vốn giao năm 2023 là hơn 94.100 tỷ đồng, vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, Bộ GTVT giao chi tiết cho các dự án với tổng số 95.196 tỷ đồng (đạt 99,9%).

Tính đến ngày 30/6, Bộ GTVT ước giải ngân khoảng 35.627 tỷ đồng, đạt hơn 37% kế hoạch năm, cao hơn mức trung bình chung của cả nước.

"So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 cao gấp 2 lần giá trị và cao hơn 7%", ông Thái thông tin.

Thông tin thêm, Vụ KHĐT cho biết, giá trị giải ngân 6 tháng đầu năm tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam (đạt 24.466 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 69% giá trị giải ngân của cả Bộ GTVT).

Một số nhóm dự án đáp ứng sản lượng giải ngân so với kế hoạch đăng ký như: các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 giải ngân hơn 7.000 tỷ đồng (đạt 103%); Các dự án ODA giải ngân gần 4.500 tỷ đồng (đạt 111%); các dự án trong nước khác giải ngân 6.350 tỷ đồng (đạt 115% so với kế hoạch đăng ký).

Mặt bằng cản tiến độ giải ngân

Bên cạnh các dự án đang giữ tốc độ giải ngân tốt vẫn còn một số dự án chưa đáp ứng kế hoạch đã đăng ký với Bộ GTVT, nguyên nhân chậm giải ngân vẫn là do thiếu mặt bằng. 

Cụ thể, 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng không theo kịp kế hoạch giải ngân. Giải thích về việc chậm kế hoạch, ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, nguyên nhân do kế hoạch được xác định trên cơ sở giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, công tác đền bù, GPMB các khu vực đất thổ cư, di dời hạ tầng kỹ thuật do địa phương triển khai gặp khó khăn nên tiến độ giải ngân bị chậm lại.

Tại dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA 2 cho biết, kết quả giải ngân hai quý đầu năm chưa được như mong muốn cũng do thiếu mặt bằng. 

“Đơn cử với tỉnh Quảng Ngãi, theo kế hoạch, trong tháng 6 sẽ giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân khoảng 530 tỷ đồng; thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) chỉ được 273/973 tỷ đồng kế hoạch”, ông Thắng dẫn chứng.

Việc thi công các dự án đang được Bộ GTVT, các Ban QLDA chỉ đạo nhà thầu duy trì “3 ca, 4 kíp” để đáp ứng khối lượng giải ngân đăng ký. (Ảnh: Tạ Hải)
Việc thi công các dự án đang được Bộ GTVT, các Ban QLDA chỉ đạo nhà thầu duy trì “3 ca, 4 kíp” để đáp ứng khối lượng giải ngân đăng ký. (Ảnh: Tạ Hải)

Thiếu vật liệu

Bên cạnh thách thức mặt bằng, một yếu tố nữa cản tiến độ giải ngân đó là tình trạng thiếu vật liệu, đặc biệt là tại các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. 

Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tính đến nay, các nhà thầu đã hoàn thiện hồ sơ và trình Sở TN&MT các tỉnh 58/87 mỏ đất, 11/25 mỏ cát; các địa phương đã cơ bản xác nhận khối lượng khai thác 18/58 mỏ đất , 2/11 mỏ cát.

Bộ TN&MT đã có văn bản làm rõ thêm về thủ tục, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi các bộ, các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường.

Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến nay, tỉnh An Giang đang triển khai các thủ tục để bố trí khoảng 1,1 triệu m3, Vĩnh Long khoảng 1,1 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp đã bố trí được khoảng 1,9 triệu m3 (dự kiến tiếp tục bố trí khoảng 5,1 triệu m3).

“Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện các thủ tục khai thác vật liệu cho dự án, đảm bảo tiến độ thi công và tiến độ giải ngân”, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay.

Không giao thêm dự án cho chủ đầu tư đang chậm tiến độ

Đánh giá cao một số dự án đang giải ngân tốt, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng biểu dương: "Dự án Vũng Áng - Bùng (đạt 115%), Vạn Ninh - Cam Lộ (đạt 102%) và nhiều dự án đạt khối lượng giải ngân hơn 90% so với kế hoạch đăng ký. Kết quả này cho thấy, công tác giải ngân ở phần lớn các dự án đang được kiểm soát tốt".

Bộ trưởng đề nghị các Ban QLDA/chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát đẩy nhanh tiến độ thi công, thủ tục hồ sơ nghiệm thu, thanh toán.

Nhắc lại việc năm 2023, Bộ GTVT được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao số vốn lớn nhất trong lịch sử (hơn 95.000 tỷ đồng) và có thể được giao thêm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Ban QLDA/Chủ đầu tư phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất.

"Phải tăng cường chỉ đạo, đôn đốc tiến độ từng tuần, từng tháng, thực hiện cho được mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo yêu cầu của Chính phủ", Bộ trưởng nói.

Tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư/Ban QLDA phải phối hợp với các đơn vị liên quan (nhà thầu, tư vấn giám sát...) hoàn thành dứt điểm các hạng mục còn lại (đường gom, nút giao…) của các dự án thành phần đã khánh thành, không được chậm trễ.

Đối với các dự án khánh thành trong năm 2023 như: QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ... các Ban QLDA chỉ đạo nhà thầu triển khai “3 ca, 4 kíp”, khắc phục khó khăn, tập trung nguồn lực hoàn thành đúng tiến độ đề ra, không chủ quan, không “nước đến chân mới nhảy”.

Cảnh báo tình trạng chậm tiến độ vẫn còn ở một số dự án sử dụng vốn đầu tư công và ODA, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu không cho các nhà thầu chậm tiến độ tham gia dự án mới.

“Khi phát hành hồ sơ mời thầu các dự án mới (kể cả đấu thầu hay chỉ định thầu) đều phải xác định gạt các nhà thầu chậm sang một bên. Các chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ cũng không được giao thêm dự án, kể cả các dự án đã được giao chuẩn bị đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đề nghị các Ban QLDA, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, chủ động xử lý các tồn tại để phê duyệt 14 dự án trong quý III/2023 theo kế hoạch.

“Sở GTVT các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án mới, trước mắt là các dự án khởi công trong quý III/2023; yêu cầu các nhà thầu tăng mũi thi công đẩy nhanh tiến độ dự án đang triển khai”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Riêng về vấn đề vật liệu, Bộ trưởng yêu cầu các Ban QLDA phải bám sát tình hình GPMB, chuyển đổi đất rừng, đất lúa; hoàn thành thủ tục cấp phép, khai thác mỏ vật liệu xây dựng. Do đó, phải xử lý dứt điểm 2 vấn đề lớn này để bứt tốc.

"Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT thành lập các tổ công tác, trong đó có sự tham gia của các bộ liên quan làm việc với địa phương về vấn đề vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Các Ban QLDA phải sát sao, phản ánh đầy đủ, trung thực, kịp thời các vướng mắc, không để xảy ra tình trạng “không lường được” ở giai đoạn này. Thủ tướng đã chỉ đạo từng việc một, hỗ trợ tối đa thì chúng ta phải nêu cao tinh thần trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top