Aa

Cách chọn và cắm hoa đào ngày tết đẹp, chuẩn phong thủy

Thứ Hai, 23/01/2017 - 19:00

Hoa đào từ lâu đã trở thành biểu tượng cho ngày tết cổ truyền của Việt Nam, vậy nên trang trí phòng khách ngày tết không thể thiếu được hoa đào. Cắm hoa đào thế nào cho chuẩn phong thủy, đón nhiều may mắn, lộc tài vào nhà và làm thế nào để hoa đào có thể tươi lâu trong những ngày tết thì không phải ai cũng biết. Sau đây là những gợi ý về cách chọn, cắm, và bảo quản hoa đào.

Ý nghĩa của hoa đào

Sự tích cây đào ngày tết có từ xa xưa. Lưu truyền, ở phía đông núi Sóc Sơn có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá xum xuê khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Trên cây hoa đào khổng lồ ấy có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh. Ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần đến nỗi sợ luôn cả cây đào, chỉ cần trông thấy cành hoa đào thôi cũng đủ khiến chúng bỏ chạy xa bay.

Ðến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, hai thần vắng mặt ở trần gian nên để tránh ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái, dân chúng đã đi hái những cành hoa đào về cắm trong lọ, ai không hái được thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần linh dán ở trước nhà. Việc làm này từ đó trở thành thông lệ, hàng năm cứ mỗi dịp tết đến, mọi người đều cố gắng cắm một cành hoa đào trong nhà mình.

Lâu dần, người Việt không còn tin mấy ở ma quỷ thần linh như tổ tiên ngày xưa nhưng vẫn giữ tập tục trang hoàng cho nhà mình bằng cành đào tươi thắm, sắc giấy đỏ hồng điều với câu đối hoà hợp, cầu mong khởi đầu năm mới trong không khí vui vẻ, trong sáng.

Ngày nay những cành đào tươi thắm vẫn xuất hiện trong mỗi ngôi nhà vào dịp Tết Nguyên đán nhưng ý nghĩa của nó đã khác xa với tục lệ ngày xưa. Vẻ đẹp của nó đã mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới An Khang Thịnh Vượng, vì thế, hoa đào vẫn là biểu tượng không thể thiếu khi trang trí phòng khách dịp tết. .

Hoa đào như người con gái miền Bắc toát lên một vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm và kín đáo vẻ đẹp nào cũng tuyệt vời. Bên cạnh đó, hoa đào đại biểu cho tình bạn thân thiết. Ngày xưa ba vị Lưu-Quan-Trương đã kết nghĩa nguyện thề làm bạn thân trong một vườn đào rực rỡ. Có lẽ vì lời nguyện này mà mãi đến ngày nay, nếu thấy vườn nhà ai có nhiều hoa đào rực rỡ thì mọi người đều nhớ đến tích xưa và có thể đưa người bạn thân nhất của mình đến xin kết nghĩa..

Cây đào được xem là tinh hoa của Ngũ hành, theo phong thủy cây này có thể trị bách quỷ nên khi đón năm mới ta thường thấy các gia đình hay trồng đào trước cửa nhà. Hoa đào còn là biểu tượng cho sự đổi mới và sức sinh sôi phát triển mạnh mẽ.

Cách chọn đào ngày Tết

- Chọn cành đào: Người chọn đào cành thường là do không gian nhà nhỏ hoặc chỉ cần bày trên bàn thờ, bàn phòng khách. Tuy nhiên, chọn cành đào to nhỏ tùy theo không gian diện tích nhà.

Điều quan trọng nhất là tán đào phải tròn, các nhánh phân bố đều. Không nên chọn cành có tán lệch và các nhánh đâm lên không cùng bắt đầu từ một điểm trên thân gốc. Bạn nên tìm mua loại cành có dăm nhỏ, vút thẳng ra ngoài tán, nụ rải đều từ đầu tới cuối.

Đào dăm nhỏ thường có nụ rất nhiều và mập mạp, khi hoa nở có cánh dày trông rất đẹp. Một cành đào đẹp thì có hoa cánh kép, màu thắm, cành đều, gốc thẳng. Thân đào có thể xù xì nhưng khoẻ, chắc. Chọn mua đào không nên mua sớm vì khi mua có thể đẹp nhưng đến Tết có thể hoa đào đã nở hết. Tốt nhất nên mua đào trước Tết 3-5 ngày, đến Tết đào sẽ nở rộ.

Sau khi đã mua được cành đào như ý muốn, bạn nên đốt gốc trước khi cắm vào lọ và nhớ rằng nước phải sạch. Bạn cũng có thể thả vào lọ vài viên thuốc vitamin B1, một chút Kali để có dinh dưỡng nuôi hoa.

Cách cắm cành hoa đào
Điều quan trọng khi chọn cành đào là nụ nhiều, mập mạp. Nguồn ảnh: Internet 
 
- Chọn đào cây: Với đào cây, người mua cũng nên chọn cây đào có dăm nhỏ và ngắn, các nhánh chính tạo nên dáng cây xuất phát từ một điểm trên thân, như vậy cây sẽ đẹp, cân đối.v
 
Đào cây nở chậm hơn đào cành nên bạn phải chọn cây nở nhiều hoa vào lúc cận Tết. Nếu mua cây có ít hoa khi chỉ cách Tết vài ngày thì vào mấy ngày chính của Tết, cây đào sẽ không kịp ra hoa, kém sắc hoa. Tưới nước thường xuyên, giữ cây sạch, mát để đào được bền, tươi lâu.
 
Nhưng tuyệt đối không tưới quá nhiều nước, đào chỉ cần độ ẩm vừa phải, nếu nhiều nước đào sẽ bị thối rễ.

 

Những cây đào thế được nhiều

Những cây đào thế được nhiều "đại gia" ưa chuộng. Nguồn ảnh: Internet

Cách cắm hoa đào ngày tết theo phong thủy

- Chọn hướng đặt bình cắm hoa đào ngày tết

Việc đặt hướng bình hoa đào phụ thuộc vào năm đó là năm con gì. Nếu là năm Tý, Thìn, Thân nên đặt bình đào theo hướng Tây. Nếu là năm Ngọ, Tuất, Dần nên đặt bình đào theo hướng Đông. Nếu là năm Dậu, Sửu, Tỵ nên đặt bình đào theo hướng Nam. Còn riêng năm Mão, Mùi, Hợi thì nên đặt bình đào theo hướng Bắc.

- Chọn bình cắm hoa đào theo phong thủy

Chọn được một cành đào đẹp chưa đủ, người chơi cần phải chọn được một chiếc bình cắm đào hợp phong thủy mới đem lại nhiều điều tốt lạnh cho năm mới. Nếu đặt bình về hướng Bắc nên chọn bình có màu xanh da trời, màu đen. Nếu đặt bình về hướng Đông Nam hay Đông nên chọn bình màu xanh ngọc, xanh lá cây; Nếu đặt bình phía Nam nên chọn bình màu đỏ hoặc tím; Nếu đặt bình hướng Tây, Tây Bắc nên chọn bình màu vàng hoặc trắng. Đặt bình ở phía Tây Nam và Đông Bắc thì nên sử dụng bình màu vàng nâu.

Cách cắm cành hoa đào trong lọ. Nguồn ảnh: Internet

Cách cắm cành hoa đào trong lọ. Nguồn ảnh: Internet

Cách cắm hoa đào kiểu cách tân. Nguồn ảnh: Internet

Cách cắm hoa đào kiểu cách tân. Nguồn ảnh: Internet

Cành hoa đào được cắm trong lọ thủy tinh, cổ tròn rất hợp lý. Nguồn ảnh: Internet

Cành hoa đào được cắm trong lọ thủy tinh, cổ tròn rất hợp lý. Nguồn ảnh: Internet

Cách giữ hoa đào tươi lâu

Sau khi mua cành đào về, phải đốt gốc, đốt cành hay nhúng ngay vào chậu nước nóng già 70-80 độ C để nhựa của cành đào không chảy và các chất dinh dưỡng dự trữ nuôi hoa trong cành không thẩm thấu được ra ngoài… Thông thường sau khi các nụ hoa đã to bằng hạt đậu tương rồi, cành mới cạn kiệt chất và chết.

Còn với đào thế, trước hết, phải chú ý khâu đánh cây, tránh làm cây bị đứt nhiều rễ và vỡ bầu. Khi cần mang đi xa, nên đánh cây và trồng cây vào chậu ngay từ trước đó 1-2 tháng, sẽ đảm bảo cây sống 100%.

Đối với đào được trồng trong chậu, điều quan trọng nhất là phải tưới thường xuyên, giữ cây sạch, mát thì hoa sẽ bền, tươi lâu. Nếu không khí nóng, hoa nở rộ, thì nên làm ngược lại để hãm hoa.

Khi mua đào về, chúng ta cũng có thể tự điều chỉnh đào nở nhanh hay chậm tùy theo ý thích với những đồ dùng đơn giản như dao nam, vôi,…Nếu cành đào cắm trong nhà nở quá nhanh, ta có thể dùng dao sắc cứa một vòng quanh thân, cách gốc cành đào 1 gang tay để hạn chế chất dinh dưỡng lên thân nuôi hoa. Một cách khác thường được người dân sử dụng là cho sỏi vào trong bình giữ lạnh, đào sẽ nở chậm.

Ngược lại, với thời tiết giá rét như năm nay, muốn kích đào nở nhanh, người chơi có thể dùng một nắm vôi đắp quanh gốc, làm như vậy thì chỉ sau một đêm đào sẽ nở tung. Ta cũng có thể tưới nước ấm, nếu thấy nụ còn nhỏ thì ta nên tưới sớm hơn. Để đào được tươi lâu, chúng ta nên thay nước khoảng 2-3 ngày/lần.

Với một số kinh nghiệm chia sẻ ở trên, tin rằng không khí Tết của mỗi gia đình sẽ thêm phần ấm cúng, tươi đẹp sắc xuân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top