Aa

Hậu Giang - Tăng trưởng kinh tế dẫn dắt bất động sản phục hồi

Thứ Sáu, 16/02/2024 - 06:00

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Hậu Giang đạt được con số hết sức ấn tượng, tiếp tục duy trì ở mức cao (đạt 12,27%), tăng 2 bậc so với năm 2022, tiếp tục dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 2 toàn quốc.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra (ước thực hiện hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; trong đó có 14 tiêu chí vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch). GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng, tăng 21,34% so với cùng kỳ, vượt 6,41% kế hoạch. Giải ngân đầu tư công dự kiến đạt 97% (kế hoạch tối thiểu từ 95%).

Trong không khí đầu xuân năm mới Giáp Thìn 2024, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã chia sẻ với Reatimes về tình hình phát triển thị trường bất động sản của địa phương trong thời gian qua cũng như những giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.

PV: Bức tranh thị trường bất động sản Hậu Giang thời gian qua có những điểm nhấn nào đáng chú ý, thưa ông?

Ông Đồng Văn Thanh: Theo Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Hậu Giang 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, toàn tỉnh có 136 dự án nhà ở thương mại, 17 dự án nhà ở xã hội và 20 dự án tạo quỹ đất sạch (đấu giá quyền sử dụng đất). Đến thời điểm hiện tại, tỉnh có 26 dự án nhà ở thương mại đã lựa chọn được nhà đầu tư (đạt tỷ lệ 16,99% kế hoạch); 6 dự án đã được chấp thuận chủ trương, đang trong giai đoạn tiến hành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư (đạt tỷ lệ 3,92% kế hoạch); 40 đồ án quy hoạch chi tiết (hoặc quy hoạch tổng mặt bằng) được phê duyệt (đạt tỷ lệ 26,14% kế hoạch).

Đối với nhà ở xã hội, hiện tại có 3 dự án đang triển khai thi công (hoàn thành một phần hoặc cả dự án) với quy mô 20,61ha, tổng số 1.657 căn; 9 dự án nhà ở xã hội trong 20% quỹ đất ở của dự án nhà ở thương mại (chưa triển khai do chủ đầu tư chưa được giao đất ngoài thực địa); 4 dự án nhà ở xã hội tại khu công nghiệp đang kêu gọi nhà đầu tư.

Về giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh, trong 9 tháng năm 2023 đạt khoảng 920 giao dịch, với giá trị khoảng 680 tỷ đồng. Có 4 dự án cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để phát triển nhà ở, với số lượng 664 nền.

PV: Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Hậu Giang đã triển khai Nghị quyết này như thế nào?

Ông Đồng Văn Thanh: Để triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp theo nội dung Nghị quyết. Trong đó, tỉnh tập trung các nội dung như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; rà soát lập danh mục các dự án phát triển nhà ở; khẩn trương lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; đẩy mạnh việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Tỉnh cũng đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính; tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư. Hậu Giang còn tăng cường theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường bất động sản tại địa phương...

Trên cơ sở đó, Sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố đã tích cực thực hiện các nội dung theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm, hàng năm; hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn.

Hậu Giang - Tăng trưởng kinh tế dẫn dắt bất động sản phục hồi- Ảnh 1.

TP. Vị Thanh (Hậu Giang)

Tỉnh đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương; công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đủ điều kiện thực hiện theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Công văn số 1081/UBND-NCTH ngày 20/7/2023. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hậu Giang đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh theo Quyết định số 508/QĐ-UBND ngày 3/4/2023.

PV: Ngoài những khó khăn chung của thị trường bất động sản cả nước, Hậu Giang đã và đang phải đối mặt với vấn đề nào trong quá trình đầu tư phát triển, thưa ông?

Ông Đồng Văn Thanh: Bên cạnh những khó khăn chung của cả nước, tỉnh Hậu Giang có những khó khăn về đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Cụ thể, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư cho dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn mất nhiều thời gian, do liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Chi phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực tế của các dự án khi đã lựa chọn được nhà đầu tư có sự chênh lệch tăng (do giá đất hàng năm điều chỉnh, biến động về đất ở, công trình xây dựng trên đất...) so với sơ bộ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án (m2) được cơ quan tài nguyên và môi trường xác định trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư và tiến độ triển khai dự án.

Theo quy định, đối với dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có từ hai nhà đầu tư trở lên đạt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, việc xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) còn gặp nhiều khó khăn, đối với những vị trí khu đất chưa có giá đất cụ thể. Cơ quan chuyên ngành mất nhiều thời gian xác định giá đất, trình phê duyệt giá đất để làm cơ sở cho bên mời thầu tính toán giá sàn (giá đấu thầu) nộp ngân sách nhà nước (m3).

Hiện nay, do tình hình khó khăn chung của cả nước, nhiều nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, việc huy động nguồn vốn để thực hiện dự án của nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Mặt khác, giao dịch bất động sản (đất nền, nhà ở) ở tỉnh Hậu Giang đang trong giai đoạn trầm lắng, tỷ lệ giao dịch thành công còn ít do kinh tế khó khăn sau đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn hiện nay, dân số trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, dân số trung bình năm 2022 của tỉnh Hậu Giang ước đạt 729.467 người, phát triển dân số chậm, chưa thu hút được dân cư nhập cư, dẫn đến một số khu đô thị chưa được lấp đầy dân cư khi đã hoàn thành.

Thị trường sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024

PV: Ông nhận định và kỳ vọng như thế nào về thị trường bất động sản Hậu Giang giai đoạn sắp tới?

Ông Đồng Văn Thanh: Thị trường bất động sản Hậu Giang đã có những chuyển biến tích cực, nhất là giai đoạn cuối năm khi nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và địa phương mang lại kết quả tốt và các chính sách, pháp luật được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng tích cực.

Trong năm 2024, dự báo thị trường sẽ có thêm nhiều tín hiệu khả quan khi tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì tốc độ phục hồi, các hoạt động sản xuất, thương mại sôi động; cùng với đó, tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư. Khi các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ phát huy hiệu quả, có "độ ngấm" và mang lại tác động tốt với thị trường, kết hợp với tình hình tăng trưởng kinh tế ở mức khả quan, kỳ vọng thị trường bất động sản Hậu Giang nói riêng và cả nước nói chung giai đoạn sắp tới sẽ phục hồi trở lại.

Hậu Giang - Tăng trưởng kinh tế dẫn dắt bất động sản phục hồi- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đảo tỉnh Hậu Giang xem bản đồ quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh. ảnh Duy Khương

PV: Để thị trường bất động sản phục hồi trở lại như kỳ vọng, Hậu Giang đang và sẽ triển khai những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

Ông Đồng Văn Thanh: Để tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản tỉnh Hậu Giang phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, UBND tỉnh Hậu Giang tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách. Tỉnh thiết lập danh mục ưu tiên các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, phát triển hạ tầng cùng dự kiến quỹ đất trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố nhằm minh bạch, công khai, thu hút và mời gọi đầu tư. Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong việc đầu tư xây dựng phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, giao đất, cấp phép xây dựng…


Hậu Giang - Tăng trưởng kinh tế dẫn dắt bất động sản phục hồi- Ảnh 3.

Hậu Giang trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: Hữu Lễ

Thứ hai, giải pháp về quỹ đất. Tỉnh dành quỹ đất cho việc phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch phân khu, chi tiết đã được phê duyệt, trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất, quỹ nhà ở để bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị. Bên cạnh đó, tỉnh rà soát, bố trí 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị tại các đô thị từ loại III trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại III trở lên để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội tại khu vực đô thị của tỉnh. Trong trường hợp chủ đầu tư không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt, tỉnh sẽ thực hiện thu hồi và tổ chức giao lại cho các nhà đầu tư có năng lực để triển khai đầu tư xây dựng, tránh lãng phí quỹ đất.

Thứ ba, giải pháp về nguồn vốn. Tỉnh tăng cường kêu gọi, xúc tiến đầu tư để huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nhà ở.

Thứ tư, giải pháp về kiến trúc, quy hoạch. Tỉnh xác định cụ thể các tuyến đường chính gắn với kế hoạch xây dựng nhà ở trong đồ án quy hoạch chi tiết; xây dựng và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, trong đó quy định phân khu cho việc xây dựng nhà ở của từng nhóm, loại nhà ở tại khu vực đô thị và nông thôn làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo đơn vị hành chính.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top