Aa

Quằn quại với… “vàng trắng”

Thứ Tư, 07/06/2023 - 09:55

Việc chuyển đổi mô hình “Giao, nhận khoán” vườn cây cao su cho hộ gia đình ở tỉnh Kon Tum sang mô hình “Hợp đồng lao động” làm công nhân để tổ chức sản xuất không hề dễ dàng.

Theo đại đa số hộ nhận khoán, đất trước đây do những hộ dân này đưa vào làm ăn với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum và gắn bó mấy chục năm qua.

Khai thác mủ cao su ở Kon Tum
Khai thác mủ cao su ở Kon Tum. (Ảnh: Thanh Trần)

Không dễ thay đổi thói quen

Tuy nhiên, hiện nay, người dân trong thôn 5, xã Hòa Bình, TP. Kon Tum đều đề nghị Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum tiếp tục thực hiện mô hình hộ nhận khoán chu kỳ thứ 2. Việc tiếp tục thực hiện mô hình hộ nhận khoán, theo người dân là tận dụng được lao động nông dân lớn tuổi, tranh thủ được thời gian làm việc khác cho gia đình… Cùng với đó, người dân không đồng ý làm công nhân cho Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, vì số lao động trong thôn hiện nay đa phần không đáp ứng yêu cầu làm công nhân theo Luật Lao động. “UBND tỉnh cần có ý kiến với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum sớm có phương án sản xuất đối với số diện tích cao su hết chu kỳ 1, đã cưa cắt và tái canh năm 2020 trên địa bàn thôn 5, xã Hòa Bình”, ông Đặng Thanh Hữu, thôn 5, xã Hòa Bình kiến nghị.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, mô hình giao nhận khoán được triển khai từ năm 1996 với phương châm “đưa người dân vào làm cao su”, phát triển cao su gắn liền với giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại chỗ. Nguồn gốc đất đưa vào trồng cao su là rừng tái sinh xen lẫn với đất rẫy của người dân. Diện tích đất người dân canh tác Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum chi trả tiền đền bù đất, cây cối hoa màu cho người dân, thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý để UBND tỉnh ra quyết định giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum.

Sau khi trồng mới xong cây cao su, công ty giao lại cho người dân địa phương tại chỗ có nhu cầu vào nhận khoán ổn định theo phương án khoán (thông qua hợp đồng giao nhận khoán chăm sóc vườn cây và thu hoạch mủ cao su). Hợp đồng giao nhận khoán được xây dựng với một chu kỳ kinh tế cây cao su, theo quy định tại khoản 2, Điều 10 của Hợp đồng. Tuy nhiên, phương án khoán và hộ gia đình nhận khoán đến nay đã không còn phù hợp với quy định của Luật Lao động hiện hành và các quy định khác của Nhà nước có liên quan.

Ngày 10/5/2021, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có Công văn số 275/HĐQTCSVN-KHĐT về việc chủ trương chuyển đổi mô hình liên kết - khoán và mô hình khoán vườn cây cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum. Thực hiện ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 1907-CV/VPTU ngày 12/11/2021 về phương án chuyển đổi các mô hình tổ chức sản xuất của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, ngày 9/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4367/UBND-NNTN về phương án chuyển đổi các mô hình tổ chức sản xuất của công ty. Theo đó, UBND tỉnh cơ bản thống nhất về mặt chủ trương để tổ chức thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất cao su của Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum trong thời gian tới. Việc chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất “Giao, nhận khoán” vườn cây cao su cho hộ gia đình sang mô hình “Hợp đồng lao động” làm công nhân để tổ chức sản xuất theo kế hoạch triển khai, lộ trình về thời gian, diện tích và địa điểm cụ thể đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thống nhất chủ trương.  

Những lao động đang nhận khoán trước đây sẽ được ưu tiên vào làm công nhân nếu có nguyện vọng và đáp ứng được yêu cầu, nhưng trước khi thực hiện, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn, bất cập giữa công ty và hộ nhận khoán. Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum tổ chức chuyển đổi mô hình ở những nơi thuận lợi trước, khó khăn sau và quá trình thực hiện không để xảy ra các điểm nóng gây mất an ninh, trật tự xã hội. UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, việc tiếp tục thực hiện hộ gia đình nhận khoán theo đề nghị của người dân là không có cơ sở để thực hiện.

Nhùng nhằng thanh lý vườn cây

Mới đây, ông A Bên, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi đã đề nghị UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để thống nhất chỉ đạo các công ty cao su trên địa bàn tỉnh bổ sung vào hợp đồng giao khoán chăm sóc cao su điều khoản về phân chia tỷ lệ hưởng vườn cây thanh lý khi cây cao su hết chu kỳ khai thác để hỗ trợ thêm cho người lao động đã ký kết hợp đồng với công ty cao su.

cao su
Việc thanh lý vườn cây cao su phát sinh nhiều ý kiến trái chiều của người dân liên quan đến quyền lợi kinh tế của họ. (Ảnh: Thanh Trần)

Tuy nhiên, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, cây cao su là tài sản của Nhà nước, tiền thu từ việc bán cây cao su thanh lý phải thực hiện theo Luật Quản lý tài sản công. Nếu công ty chi hỗ trợ cho người dân nhận khoán là sai nguyên tắc tài chính và chi phí hỗ trợ người dân nhận khoán không phải là chi phí hợp lý khi thực hiện thanh lý vườn cây.

Nội dung này Sở Tài chính cũng đồng quan điểm với công ty tại cuộc họp ngày 15/9/2022 do UBND tỉnh Kon Tum chủ trì, làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc cưa cắt cây, bàn giao đất thực hiện dự án.

Mặt khác, theo nội dung phương án khoán năm 2012 đã được UBND tỉnh Kon Tum, các sở, ban ngành, địa phương, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đơn vị tư vấn luật và Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thống nhất xây dựng, tính toán, ban hành thì chỉ có vườn cây cao su trồng trên đất của người dân theo mô hình liên kết - khoán, người dân mới được nhận tiền bán cây cao su thanh lý theo tỷ lệ lợi ích được hưởng các bên, do đó việc phân chia tỷ lệ được hưởng vườn cây cao su thanh lý cho hộ nhận khoán là không có cơ sở thực hiện.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Ngọc, thôn 2, xã Hòa Bình, TP. Kon Tum cho biết, bà Phạm Thị Bốn (vợ ông Ngọc) có hợp đồng nhận khoán lô cao su 38 với Nông trường cao su Hòa Bình (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum) từ năm 1996.

Đến năm 2021, công ty tự ý cho người xuống cưa cắt vườn nhưng không thông báo cho gia đình bà Bốn biết và cũng không có hỗ trợ tiền khai hoang, hỗ trợ đời sống, hỗ trợ việc làm gì cả. “Sau khi đã cưa cắt xong thì họ bỏ hoang cho tới nay, gây lãng phí, trong khi người dân không có đất sản xuất. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh có ý kiến để Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum xem xét, giải quyết”, ông Ngọc phản ánh.

Giải thích vấn đề này, UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, việc thông báo kế hoạch tái canh cây cao được thực hiện theo quyết định thanh lý tái canh được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phê duyệt thì vườn cây cao su trồng năm 1997, thuộc lô 38, Nông trường Cao su Hoà Bình sẽ thực hiện thanh lý tái canh trong năm 2021.

Căn cứ vào Kế hoạch (Kế hoạch số 879/KH-CSKT ngày 16/8/2021 của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum về kế hoạch tái canh năm 2021 tại Nông trường Cao su Hòa Bình năm 2021 - 2022) cưa cắt, tái canh của công ty, trước khi tổ chức thực hiện, Nông trường đã thông báo đến toàn bộ người lao động tham gia khai thác trên vườn cây biết về kế hoạch này. “Nội dung bà Bốn là hộ nhận khoán tại lô 38 không biết về kế hoạch cưa cắt là do năm 2021 bà Bốn không trực tiếp tham gia khai thác trên vườn cây nên chưa nắm bắt được thông tin kịp thời khi Tổ sản xuất của Nông trường cao su Hòa Bình triển khai họp thông báo kế hoạch tái canh. Trong thời gian tới công ty sẽ chỉ đạo Nông trường phối hợp chặt chẽ với địa phương, đặt biệt là các thôn để thông báo rộng rãi cho hộ nhận khoán được biết”, một lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum cho hay.

Liên quan đến việc hỗ trợ tiền khi thanh lý tái canh vườn cây, theo nội dung trong phương án khoán (đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đơn vị Tư vấn luật và Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thống nhất xây dựng, tính toán và ban hành) và trong hợp đồng giao nhận khoán đã ký kết giữa công ty với người dân thì không có quy định yêu cầu công ty phải thực hiện hỗ trợ tiền cho người nhận khoán khi thanh lý vườn cây cao su.

Còn việc cưa cắt nhưng chưa trồng tái canh cây cao su, công ty đã thực hiện cưa cắt cây, mốc gốc, gom dọn đốt, san lấp mặt bằng, cày phá và khoan hố tại lô 38 nhưng đến nay vẫn chưa trồng cây là do UBND tỉnh Kon Tum có Quyết định số 1096/QĐ-UBND ngày 24/11/2021 về việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, vị trí tại lô 38 nằm trong vị trí thuộc dự án khai thác khoáng sản. Do đó, công ty phải dừng việc tái canh để thực hiện thủ tục bàn giao đất cho đơn vị trúng đấu giá thực hiện dự án theo quy định.

Người dân thôn Sơn An, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy cũng bày tỏ mong muốn, UBND tỉnh Kon Tum làm việc với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để sớm thanh lý vườn cây cao su theo hợp đồng giao khoán giữa Nông trường cao su Sa Sơn với các hộ dân xã Sa Sơn.

Bà Phạm Thị Mây, thôn Sơn An, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy cho biết, hiện nay, diện tích cao su này đã hết chu kỳ khai thác, sản lượng mủ đạt thấp, trong khi mức giao khoán cao, người dân làm không đủ ngày công. Sau khi thanh lý vườn cây, chuyển đổi sang cây trồng phù hợp để đảm bảo thu nhập của người dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, vườn cây cao su tại Nông trường cao su Sa Sơn trồng năm 2001, thời gian kiến thiết cơ bản thực tế từ 10 đến 11 năm. Thời gian thu hoạch mủ trung bình 20 năm theo quy trình kỹ thuật. Do đó, vườn cây tại đây phải được khai thác ít nhất đến hết năm 2032, sau đó mới thực hiện thanh lý theo quy định.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, thực tế thời gian qua, việc giao khoán sản lượng được công ty, Nông trường xem xét, đánh giá và giao khoán sản lượng theo năng lực thực tế vườn cây, một số hộ liên kết đã ký hợp đồng, chấp hành tương đối tốt nội quy, quy định khai thác mủ.

Tuy nhiên, một số hộ chưa chấp hành giờ giấc cạo, không đi cạo hoặc bỏ cạo, còn bớt xén mủ dẫn đến năng suất sản lượng thấp. Ngoài ra, nguồn tài nguyên vỏ cạo chưa được khai thác của vườn cây hộ liên kết không đi cạo còn tương đối nhiều, nếu các hộ tiếp tục không đi cạo thì thời gian thanh lý vườn cây sẽ phải kéo dài.

Theo thống kê, đến nay có 537,11ha/302 hộ đã ký hợp đồng và đi vào sản xuất ổn định, còn lại 15,86ha/11 hộ chưa ký hợp đồng, trong đó: Xã Sa Sơn 7,07ha; thị trấn Sa Thầy: 8,79ha. Vườn cây cao su là tài sản của Nhà nước, việc thanh lý vườn cây trước tuổi chỉ thực hiện khi được sự đồng ý của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và cấp có thẩm quyền.

“Hiện nay, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đang xây dựng lộ trình thanh lý sớm vườn cây và áp dụng chế độ cạo linh hoạt, dự kiến lộ trình thanh lý vườn cây sẽ thực hiện trong năm 2026 đến năm 2028. Do đó, đề nghị các hộ dân sớm ký kết hợp đồng và nghiêm túc thực hiện theo đúng nội dung hợp đồng đã ký, nếu các hộ dân không thực hiện theo đề nghị của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thì thời gian thanh lý vườn cây sẽ kéo dài hơn”, UBND tỉnh Kon Tum cho hay.

Xử lý việc lãng phí việc sử dụng đất khi tái canh cây cao su

Người dân xã Hòa Bình, TP. Kon Tum kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum có ý kiến với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum khi tái canh cây cao su thì ưu tiên cho người dân địa phương, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số được nhận lại diện tích đất tái canh để trồng xen cây ngắn ngày theo quy định của công ty, tạo việc làm cho bà con.

Theo phản ánh của ông A Ng. Lưnh (xã Hòa Bình, TP. Kon Tum), hiện nay nhiều hộ còn thiếu đất sản xuất, gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Trả lời vấn đề này, UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, việc cho nhân dân tận dụng phần diện tích để nhân dân trồng cây ngắn ngày trong thời gian tái canh cây cao su thuộc thẩm quyền của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum.

Tuy nhiên, để tránh lãng phí việc sử dụng đất trong những năm đầu tái canh cây cao su, phát huy hiệu quả sử dụng đất, đề nghị UBND TP. Kon Tum, UBND xã Hòa Bình có ý kiến với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum để xem xét giải quyết theo quy định. Đồng thời, UBND tỉnh đề nghị Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum quan tâm đến việc giải quyết kiến nghị của người dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top