Aa

Sơn La: Nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ nguồn tài nguyên

Thứ Sáu, 09/02/2024 - 13:54

Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý tài nguyên môi trường từ cơ sở, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về thực hiện công tác quản lý tài nguyên môi trường và bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, tạo nhiều chuyển biến tích cực tại địa phương.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Việc thực hiện ký cam kết giúp cho công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất... được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài tỉnh. Tình trạng vi phạm các quy định về tài nguyên, môi trường được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh và có chiều hướng thuyên giảm. Việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai ngày càng được tăng cường. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai, môi trường đảm bảo kịp thời, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cùng với triển khai ký cam kết về thực hiện công tác quản lý tài nguyên môi trường, năm 2023, toàn huyện có 682/683 cơ sở sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, chủ trang trại, các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khai thác khoáng sản trên địa bàn đã ký cam kết với Chủ tịch UBND xã, thị trấn thực hiện nghiêm các quy định về khai thác khoáng sản, không thực hiện san ủi, đào bới, cải tạo mặt bằng trái phép. Có 17.199/18.460 hộ gia đình, cá nhân tham gia ký cam kết không vi phạm các quy định về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường, đạt 93,1%.

Sơn La: Nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ nguồn tài nguyên- Ảnh 1.

Diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu.

Thực hiện cam kết đã ký, UBND xã Sặp Vạt đã tăng cường tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện các Luật về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, môi trường trên địa bàn; duy trì tổ chức các hoạt động ngày thứ 7 tình nguyện về cơ sở xây dựng nông thôn mới, phát động các phong trào ra quân dọn dẹp, vệ sinh môi trường các tuyến đường, trụ sở cơ quan, đơn vị...

Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Sặp Vạt, cho biết: Trong năm 2023, xã tổ chức 3 đợt kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm sử dụng đất trái phép, không đúng mục đích, xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, vi phạm trật tự đô thị, môi trường. UBND xã đã ra quyết định xử phạt 1 trường hợp theo đúng thẩm quyền, lập tờ trình lên cấp huyện đề nghị xử lý 2 trường hợp. Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với ban quản lý các bản ký cam kết bảo vệ môi trường với các hộ chăn nuôi; thực hiện hiệu quả việc thu gom, xử lý chất thải rắn; đến nay, rác thải được thu gom xử lý đúng theo quy định đạt 76%.

Còn tại Chiềng Pằn, UBND xã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền tới toàn thể nhân dân về trách nhiệm quản lý về tài nguyên, bảo vệ môi trường; nhất là trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Ông Phạm Văn Thảnh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pằn, chia sẻ: Toàn xã có gần 2.100 ha rừng; trong đó, trên 1.610 ha rừng tự nhiên, gần 490 ha rừng trồng. Hằng năm, xã tổ chức quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện hướng dẫn quy định phát, đốt, dọn nương, cách dập lửa, làm đường băng cản lửa, các biện pháp PCCCR. Vào đầu mùa khô hoặc đến vụ thu hoạch nông sản, xã mở hội nghị tuyên truyền quán triệt, ký cam kết với các bản về công tác bảo vệ, PCCCR. Nhờ vậy, năm 2023, xã không để xảy ra các vụ cháy và vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Ngoài ra, UBND huyện Yên Châu chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền các nội dung liên quan tới đất đai, các chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư tới các bản, tiểu khu, nhân dân; kiểm tra việc quản lý quỹ đất nông nghiệp, sử dụng vào mục đích công ích của xã. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo thẩm quyền, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác. Năm 2023, đã phát hiện, xử phạt 33 trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, tổng tiền phạt 133 triệu đồng.

Đối với việc quản lý, bảo vệ, PCCCR, năm 2023, huyện Yên Châu đã tổ chức 68 cuộc họp cấp xã, bản tuyên truyền văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, với hơn 12.000 lượt người tham gia. Tổ chức ký cam kết công tác bảo vệ rừng, PCCCR giữa 130 trưởng bản với Chủ tịch UBND 15 xã, thị trấn và giữa 12.415 hộ gia đình với các trưởng bản; tổ chức thành công cuộc diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn tại 2 xã Chiềng On, Chiềng Tương.

Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của huyện Yên Châu có nhiều chuyển biến tích cực từ việc thực hiện các nội dung cam kết của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện. Qua đó, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top