Aa

Tết xưa, xuân mới

Thứ Năm, 08/02/2024 - 06:20

Xuân luôn mới, khởi đầu, nhưng Tết xưa luôn sống mãi. Tết xưa lay thức con người để sống nhân ái, bao dung hơn. Tết xưa luôn là cảm hứng để Tết nay giàu nhân vị...

Tết đã đuổi sau lưng người. Các đường phố từ hơn một tuần nay đã căng chật. Cùng với con người, đào, mai và các loại cây cảnh khoe lộc xuân tất bật xuống phố. Hà Nội, TP.HCM, có lẽ không có con phố nào, trung tâm mua sắm nào không ùn ứ...

Tôi lang thang. Năm nay, không chỉ các trung tâm du xuân, ngay cả các khu căn hộ từ trung cấp đến cao cấp, các khách sạn 4 – 5 sao... đều dành riêng không gian cho Tết xưa. Biểu tượng có thể là chữ "Tết", "Song hỷ" bằng chữ Hán – Việt, chùm pháo tét, chõng tre, ghế ngồi bằng tre, chiếc điếu cày hoặc điếu bát... Tất cả gợi lên hoài niệm.

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong là người thông minh. Trên tờ Nông nghiệp Việt Nam số Giáp Thìn, ông có bài báo, ấn tượng ngay từ tít báo: "Làng ra thế giới". Đúng là làng, với những bức tường gạch nung rêu phong, đã và đang trở thành những "giá trị" của ký ức. Làng không chỉ bước vào không gian "Tết xưa", làng còn bước ra thế giới, ở thời 4.0.

Tết xưa, xuân mới- Ảnh 1.
Tết xưa, xuân mới- Ảnh 2.

Cùng với con người, đào, mai và các loại cây cảnh khoe lộc xuân tất bật xuống phố. (Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh)

***

Tôi là đứa trẻ nhà quê. Lớn lên thì ra phố, gia nhập phố thành "nhóm dân cư Hà Nội". Người già thường nặng lòng. Trong mớ ký ức vụn của mình, mấy ai quên tuổi lấm lem? Con nít vốn vô tư nhưng thêm tuổi nào thấm quê nghèo tuổi ấy. Bạn đừng quá ngạc nhiên.

Tuổi thơ tôi từng bước trên những con đường sỏi đá, mùa đông đau nhói bàn chân, mùa hè rát bỏng, nhem nhuốc. Tuổi thơ tôi úp mặt vào dòng nước mát sông quê, lơ đãng theo cánh buồm ngược gió. Tuổi thơ tôi, lắng trong dòng suối chảy, thơm trên bàn tay cùng quả sim, quả dứa chín trên rú sau nhà. Tuổi thơ của quê nghèo mong Tết thật kỳ lạ.

Nam Sơn, có những con đường trong làng dài dằng dặc, nhất là con đường xung quanh Nương Lậm; các kho hợp tác xã nhất là kho Đội 4, kho Đội 7, Tết là ngày hội con nít đánh xu, đánh bật tường. Quên cả ăn, quên cả đói. Thường người lớn phải hò, phải hét. Đánh đáo, đánh bật tường "nghiện" lắm đấy.

Trong những bữa cơm nghèo ngày Tết, tôi không sao quên được bữa cơm chiều 29. Làng Nam Sơn của tôi chỉ có một hợp tác xã thôi, nhưng gồm nhiều đội sản xuất. Thường thì chuẩn bị cho xã viên đón Tết, trước đó Ban Chủ nhiệm bao giờ cũng họp. Một nội dung quan trọng là xem trong hợp tác xã, trong từng đội, con trâu nào già nhất, sức cày kéo đã kém, sợ ra Giêng "bổ rét" thì được quyết định "thịt" chia cho xã viên. Sáng 29 thì mổ thịt, trưa 29 thường là chia xong từng suất cho mỗi hộ. Phần mỗi hộ gia đình được chia đều, xương, bạc nhạc và thịt. Thời đói, những con ruồi xanh cũng đói, đội nào chia chậm, kéo dài thời gian, có lẽ đám ruồi xanh (hay còn gọi là nhặng) được "ăn Tết" sớm nhất, chúng hít hà từng mẩu xương, lăn lê trên từng miếng thịt khoái chí.

Sân Nương Lậm thời điểm chia thịt trâu vui, rôm rả, chứa căng nụ cười. Tôi thường theo cha tôi, lăng xăng cầm cạu cho ông. Sau khi nhận phần được chia, tôi lại lăng xăng theo chân cha về nhà. Đầu óc chỉ nghĩ đến bữa cơm chiều.

Mẹ tôi, người đàn bà thảo thơm, sau khi đón cạu thịt từ tay cha tôi, bà cẩn thận phân loại. Xương trâu rõ ràng là để riêng. Với thịt, mẹ tôi khéo léo lọc ra, trong đầu óc mẹ lạng nào hấp, lạng nào kho. Tất nhiên, phần ngon nhất cất cẩn thận, trước hết còn soạn mâm cúng tổ tiên. Xem mẹ làm thế, nhoáng cái, bọn bạn lại ời ời. Sân kho, dọc những con đường đầy ắp bọn bạn đánh đáo kéo tôi ra khỏi sự thèm khát khi ngồi bên cạu thịt mà cha tôi mang về cho mẹ.

Tết xưa, xuân mới- Ảnh 3.

Tết là ngày hội con nít đánh xu, đánh bật tường. (Ảnh minh họa: IT)

Ngày Tết, thời gian thật nhanh, nhất là với bọn trẻ. Hoàng hôn khuất dãy Trà Sơn thì đứa nào cũng phải về nhà đứa nấy. Tôi bỏ trì thiếc, xấp xu còn chưa bị thua hết vào bâu chiếc áo gụ nhuộm bùn về nhà.

Chưa bước vào nhà, mùi nước ninh xương trâu đã bốc lên, thơm cồn cào. Các bạn biết không, xương trâu chẳng bằm ra làm viên được như xương cá, xương lợn; chỉ có thể nấu nồi nước. Những năm đó làm gì có bột nêm, mì chính... Loại bột nêm này chưa có trong hình dung của người dân quê nghèo. Can Lộc ngày đó là một huyện vừa bán sơn địa, vừa đồng bằng, vừa giáp biển. Nay các xã có biển đã được cắt ra để lập nên huyện Lộc Hà. Nói thế để biết chẳng xa biển bao nhiêu. Gần biển nhưng người dân chưa có khái niệm về nước mắm. Muối biển cho vào nồi nước được múc lên từ giếng, đun sôi, lá chuối khô trong vườn bỏ vào cho có màu "cánh gián" là thành nước mắm. Cha tôi là người khéo tay, "nước mắm" ông đun từ muối và lá chuối khô bao giờ cũng ngon hơn.

Thế đấy. Xương trâu đun nước lên, nêm muối, cho thêm vài giọt "nước mắm" cho dậy mùi mà thành thứ nước chan cơm ao ước. Chan vào cơm thay canh, anh em thi nhau xì xụp trong rơm rớm nước mắt vì sung sướng. Cho đến bây giờ, đã có lúc được dự Quốc tiệc, ăn những bữa ăn cao cấp khác... nhưng mùi nước xương trâu chiều 29 Tết tôi không bao giờ quên. Nó như ngấm vào da thịt, trong vị mồ hôi có mùi nước xương dạo ấy.

Làng quê cho ta nhiều cảm giác và cứ thế hiện về trong tâm thức, đi đâu, ở đâu làng quê cũng đi theo. Đối với tôi, bữa cơm nghèo 29 Tết, những tiếng hò reo, tiếng lẻng xẻng của đồng xu, đôi mắt nheo nheo để làm sao ném chiếc trì cho các đồng xu trên ván đánh không còn dính vào nhau... mãi mãi đi theo, dẫu tới cùng trời, cuối đất.

Tết đến không chỉ có mùi thịt mỡ dưa hành, bánh chưng xanh; Tết còn mang đến mùi ký ức. Ký ức vào gõ tâm thức.

Tết xưa, xuân mới- Ảnh 4.

Tết mang đến mùi ký ức... (Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh)

***

Việt Nam vốn là đất nước nông nghiệp. Các đô thị xưa vẫn thường được gọi là "kẻ chợ", nơi người nông dân đến buôn bán, trao đổi sản vật - hình thức sơ khai của hoạt động giao thương mà thành. Thì đấy, Hà Nội có 36 phố phường, là nơi xưa người dân buôn bán các sản vật. Bây giờ tên phố vẫn vậy.

Thì đấy, bây giờ dẫu Hà Nội đã là Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 trên thế giới, nhưng ngay trong 4 quận nội đô cũ vẫn có biết bao nhiêu tên làng: Làng Khương Thượng, làng Phương Mai... Thậm chí ở quận Hai Bà Trưng còn có xóm Hạ Hồi. Xóm là tên gọi của làng quê. Nhiều xóm hợp thành làng.

Vì thế, gọi đa phần dân đô thị có nguồn gốc nông dân, khỏi tranh luận. Đã có thời Hà Nội có tọa đàm về người Hà Nội. Khó thật, xác định bao nhiêu đời thì được gọi là người Hà Nội, giọng nói nào "chuẩn Tràng An"? Tôi có theo dõi cuộc tọa đàm "chưa hồi kết" này và tạm thống nhất để có hồi kết đó là gọi chung "nhóm dân cư Hà Nội".

Cư dân vẫn thế, đưa "làng" ra phố. Chợ cóc, chợ tạm, sinh hoạt tùy tiện, "ngẫu hứng làng" đã và đang là thách thức của quản lý đô thị. Thậm chí Hà Nội từng "đau đầu" về quy hoạch chợ. Một thời các chợ cũ như chợ Hàng Da, chợ Hôm... được quy hoạch thành trung tâm thương mại. Thế nhưng vì "văn hóa làng", các trung tâm này vẫn có khu "chợ quê". Người quê "sẵn có tâm lòng", nhưng lấy chữ "tiện" làm đầu.

Làng, Tết xưa đi vào thơ ca, âm nhạc. "Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi", nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có hai câu trong bài thơ "Làng" được nhiều người nhớ đến. Không có nhà thơ nào không viết về làng. Tôi cũng viết khá nhiều về làng.

Trong ca khúc "Tết xưa quê nghèo" (thơ Ngô Đức Hành, nhạc Đỗ Thanh Khang), tôi có viết: "Tết đến rồi, tôi lại nhớ Tết xưa/ Bông đồng tiền nở chùm sương muối/ Mẹ bện rành rành, cha tháp đòn gánh/ Con nghĩ về manh áo mới vui xuân...". Hồi ức, dẫu là thời gian khó luôn rưng rức, trong veo.

Xuân luôn mới, khởi đầu, nhưng Tết xưa luôn sống mãi. Tết xưa lay thức con người để sống nhân ái, bao dung hơn. Tết xưa luôn là cảm hứng để Tết nay giàu nhân vị. Cũng như làng xưa đã không còn, làng dần dần lên phố, nhưng "giá trị làng" với ý nghĩa tích cực luôn chảy trong "lòng phố", bước ra thế giới, với tư cách là bản sắc Việt./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top