Aa

“Thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hiện nay có nền tảng tốt, được tập thể tín nhiệm và tin cậy”

Thứ Tư, 28/09/2022 - 06:09

Thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hôm nay, đặc biệt là những người đứng đầu có cái “chất” rất tốt. Họ có nền tảng tốt và nhận được sự tín nhiệm, tin cậy của tập thể.

"Thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hiện nay, đặc biệt là những người đứng đầu có cái 'chất' rất tốt. Họ có nền tảng tốt và nhận được sự tín nhiệm, tin cậy của tập thể", ông Lê Nam, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định.

*****

LTS: Tỉnh Thanh Hóa đang đứng trước những thời cơ, vận hội chưa từng có trong lịch sử để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Những lợi thế, tiềm năng, giá trị khác biệt, nổi trội cùng với các Nghị quyết đặc thù dành cho địa phương đã và đang trở thành lực đẩy quan trọng giúp xứ Thanh hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng. Những kỳ tích mà Thanh Hóa đạt được trên tất cả các lĩnh vực một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của địa phương đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, Reatimes khởi đăng loạt bài “Ấn tượng Thanh Hóa” nhằm giúp độc giả có góc nhìn đa chiều hơn về những thành tựu mà địa phương đã đạt được trong những năm qua, cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Bài 4: “Thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hiện nay có nền tảng tốt, được tập thể tín nhiệm và tin cậy”

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xem là tiền đề, cơ hội để tỉnh Thanh Hóa khai thác triệt để các thế mạnh khác biệt, nổi trội và hướng tới sự phát triển bền vững, thịnh vượng. Nghị quyết đặc thù cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ... Xung quanh vấn đề này, phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Lê Nam, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

PV: Thưa ông, cử tri và nhân dân kỳ vọng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là nền tảng đưa xứ Thanh bứt phá mạnh mẽ về kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân trong những năm tới. Theo ông, yếu tố nào sẽ quyết định sự thành bại trong thực hiện chính sách?

Ông Lê Nam: Nghị quyết đặc thù của Trung ương về phát triển Thanh Hóa, mang ý nghĩa rất quan trọng đối với xứ Thanh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Nghị quyết hoạch định rõ đường đường lối phát triển kinh tế, xã hội bền vững, nhằm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng của khu vực và cả nước. Đặc biệt, Nghị quyết 58 giúp cho Đảng bộ tỉnh, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa nhìn lại những gì mình đã làm được và mục tiêu cần hướng tới trong tương lai.

Tuy nhiên, không chỉ Thanh Hóa mới có Nghị quyết đặc thù, mà các địa phương khác (Nghệ An, Huế, Cần Thơ…) cũng từng được Trung ương ban hành chính cơ chế, chính sách này. Tôi nhắc điều đó để thấy rằng, có Nghị quyết định hướng, mở đường là một chuyện, nhưng việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết hay không lại là chuyện khác. 

Theo tôi, mọi chuyện thành hay bại đều do công tác cán bộ. Do đó, tỉnh Thanh Hóa có thực hiện tốt Nghị quyết 58 hay không phụ thuộc vào công tác cán bộ. Chúng ta đã chứng kiến nhiều bài học từ việc kỷ luật cán bộ ở nhiều địa phương vì liên quan tới vi phạm trong công tác quản lý đất đai, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng trong đó yếu tố vô cùng quan trọng là đều do công tác cán bộ mà ra. Vì vậy, tôi cho rằng khi đã có Nghị quyết tốt thì tiếp theo phải có cán bộ đủ năng lực và đạo đức để triển khai thành công các nhiệm vụ, vì lợi ích chung của cả tỉnh.

Về quan điểm chung, công tác cán bộ phải thật sự dân chủ, công khai, cạnh tranh minh bạch chứ không phải làm theo kiểu hình thức. Nếu chọn cán bộ không theo ý Đảng, lòng dân thì không thể có cán bộ tốt được. Việc khi bố trí cán bộ vào các vị trí lãnh đạo cần đánh giá đúng, trúng thông qua cạnh tranh thi tuyển hoặc căn cứ vào chương trình hành động cụ thể, thiết thực.

Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, cả hệ thống chính trị cần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất vì mục tiêu, sự phát triển chung. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chính sách đạt hiệu quả.

Mặt khác địa phương cần khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, tranh thủ tối đa thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Sự đan xen, kết hợp các yếu tố trên sẽ giúp địa phương bứt phá trong tương lai.

PV: Vậy ông nhìn nhận và kỳ vọng gì về lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đương nhiệm?

Ông Lê Nam: Thật ra, cái khó nhất là đánh giá cán bộ. Muốn đánh giá cán bộ cần có quá trình chứ không thể nói theo cảm tính. Tôi không có ý ám chỉ, nhưng nhìn trên bình diện chung, những vi phạm của cán bộ từ trước đến nay hầu hết bắt nguồn từ cái “tôi” cá nhân. Khi có chức quyền thì nhiều người vẫn rất tốt, nhưng cũng có không ít trường hợp lo vun vén lợi ích cho bản thân thay vì thực hiện trách nhiệm với địa phương, đất nước.

Thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa hôm nay, đặc biệt là những người đứng đầu có cái “chất” rất tốt. Họ có nền tảng tốt và nhận được sự tín nhiệm, tin cậy của tập thể.

Cách đây hơn 10 năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa thực hiện bầu chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy. Một trong hai người được giới thiệu để bỏ phiếu là cán bộ rất trẻ (khoảng 40 tuổi). Người được bầu sau đó chỉ hơn cán bộ trẻ này một phiếu bầu. Tôi không có ý so sánh hai nhân sự này, vì ai trúng cử cũng đều xứng đáng. Nhưng điều đó cũng cho thấy, dù không trúng cử, nhưng cán bộ trẻ đó đã nhận được tín nhiệm cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lúc bấy giờ. Kết quả đó là sự phản ánh cả quá trình dài tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân họ.

Tôi kỳ vọng vào cái “chất” của thế hệ lãnh đạo tỉnh đương nhiệm sẽ giúp Thanh Hóa giàu mạnh trong tương lai không xa.

PV: Nhiều người kỳ vọng, Nghị quyết 58 sẽ giúp Thanh Hóa thay đổi trong tương lai không xa, nhưng cũng không nên quá lạc quan, hay chủ quan bởi phía trước là những nhiệm vụ khá nặng nề. Theo ông, khi đã có Nghị quyết 58, tỉnh Thanh Hóa sẽ thuận lợi hơn hay áp lực, khó khăn hơn trước?

Ông Lê Nam: Nghị quyết 58 là định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh theo hướng tầm nhìn dài hạn. Đó là cơ hội để Thanh Hóa khai thác triệt để các thế mạnh khác biệt, nổi trội và hướng tới sự phát triển bền vững, thịnh vượng. Tuy nhiên, bên cạnh thời cơ thì Thanh Hóa cũng đang có nhiều áp lực hơn trước, đó là yêu cầu đổi mới mang tính toàn diện đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương, của nhân dân, của lịch sử và của thời đại đối với sự phát triển của tỉnh.

Yêu cầu phát triển cũng tạo ra áp lực phải đổi mới, trước hết là tư duy, tầm nhìn hoạch định chiến lược của lãnh đạo và đội ngũ thực thi nhiệm vụ. Cán bộ vẫn là những người đó, nhưng phải có tư duy phải đổi mới.

Lâu nay, chúng ta thường nhìn vào quá khứ để so sánh với hiện tại và cho rằng, Thanh Hóa đang có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là con số thu ngân sách cao. Cách nhìn này không sai nhưng chưa hẳn đã toàn diện. Theo tôi, chúng ta đừng nên so sánh với chính mình. Phải đặt Thanh Hóa trong bối mối tương quan, so sánh với các địa phương khác, thậm chí là trong bối cảnh hội nhập quốc tế để thấy mình đã làm được gì, chưa làm được gì dựa trên những nền tảng sẵn có. Có nghĩ như vậy, chúng ta mới tạo thêm động lực, quyết tâm thực hiện thật tốt các Nghị quyết, chính sách đặc thù.

PV: Năm 2021, tổng thu ngân sách của Thanh Hóa đạt hơn 37,5 nghìn tỷ. Tuy nhiên, nguồn thu về lọc hóa dầu, đấu giá đất chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu thu. Điều này có khiến ông băn khoăn gì không?

Ông Lê Nam: Thu ngân sách của tỉnh đạt mức cao là điều rất đáng mừng, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế xã hội của địa phương trong những năm qua. Việc tạo ra nguồn thu từ sự phát triển của doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh trong thời gian cũng cho thấy hiệu quả trong thu hút đầu tư tỉnh.

Tuy nhiên, đất đai nói chung, đấu giá đất nói riêng không phải là yếu tố bất biến có thể dựa dẫm được mãi. Thanh Hóa muốn phát triển thì phải tập trung đẩy mạnh công nghiệp, từ đó tạo ra nhiều nguồn thu ổn định.

PV: Ông được biết đến là người có nhiều đóng góp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong những năm qua. Ông còn điều gì trăn trở đối với sự phát triển của tỉnh sau khi thôi cương vị Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa?

Ông Lê Nam: Điều tôi trăn trở nhất chính là miền núi xứ Thanh còn quá nghèo so với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Câu chuyện miền núi Thanh Hóa đã rõ ràng về đường hướng phát triển, nhưng chúng ta có vẻ chưa thực sự kiên định trong quá trình thực hiện. Có người đang tư duy theo hướng, xóa đói giảm nghèo cho miền núi thì chỉ làm mấy con đường để thuận tiện lưu thông, giao thương là xong. Tuy nhiên, câu chuyện về miền núi xứ Thanh đâu chỉ là làm đường hay giúp họ có “cần câu cơm”.

Cần xác định rằng, miền núi xứ Thanh giàu hay mạnh là do rừng và đừng bàn câu chuyện gì to tát hơn vấn đề này. Hiện tại, Thanh Hóa vẫn chưa phát huy, khai thác hiệu quả thế mạnh và giá trị to lớn từ rừng và nếu không có giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp thì khó thay đổi được thực tế.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.

Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top