Aa

Thông tin địa phương (22 - 28/4): Công tác giải phóng mặt bằng được đẩy mạnh

Thứ Hai, 29/04/2024 - 12:17

Tuần qua, nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các cuộc họp chỉ đạo và đưa ra biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, trên tinh thần cải thiện cuộc sống của người dân đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Lạng Sơn: UBND tỉnh họp chuyên đề về giải phóng mặt bằng

Ngày 25/4, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì cuộc họp chuyên đề đánh giá tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm và xem xét giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tháng 3/2024.

Các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tháng 3/2024 chủ yếu liên quan đến các trường hợp bị thu hồi đất nhưng diện tích không đủ điều kiện bồi thường; trường hợp xây dựng công trình, vật kiến trúc trên đất công; xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp bị thu hồi mà không còn chỗ ở nào khác; xây dựng nhà ở trên đất công mà không còn chỗ ở nào khác; xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; khó khăn xác định việc nộp tiền sử dụng đất đối với các hộ gia đình được giao đất tái định cư…

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lạn Sơn phát biểu kết luận cuộc họp.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lạn Sơn phát biểu kết luận cuộc họp.

Quảng Bình: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp chỉ đạo nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Quảng Bình tại buổi họp, hiện nay, các đơn vị, địa phương đã ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đạt trên 96% mặt bằng các gói thầu xây lắp. Về khu tái định cư, đã thi công hoàn thành 07/26 khu, hiện đang thi công 19/26 khu, bình quân đạt khoảng 89% khối lượng. Hiện, còn các vướng mắc chưa giải quyết được trong việc tháo dỡ các công trình cơi nới của một số hộ dân; di dời hạ tầng viễn thông; quy chủ sử dụng đất và xác định loại đất; phương án bồi thường, hỗ trợ liên quan đến nông nghiệp, điểm năng lượng mặt trời…

Tại cuộc họp Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng đường bộ cao tốc Bắc - Nam trước ngày 30/4.

Tại cuộc họp Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng đường bộ cao tốc Bắc - Nam trước ngày 30/4.

Thừa Thiên Huế: Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Mới đây, Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo các sở ngành, địa phương liên quan đã có buổi kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh: dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền- Điền Lộc; dự án cầu vượt cửa biển Thuận An và dự án khu tái định cư B5 Thuận An.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án vẫn còn những vướng mắc. Ban lãnh đạo đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh và TP. Huế tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công rà soát và có phương án để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, trên tinh thần vì cuộc sống người dân. Những hộ nào thuận lợi thì có phương án sớm, những hộ còn những vướng mắc tiếp tục tháo gỡ.

Cầu vượt biển Thuận An đang đẩy nhanh tiến độ.

Cầu vượt biển Thuận An đang đẩy nhanh tiến độ.

Bà Rịa - Vũng Tàu rà soát, thu hồi 'loạt' dự án chậm triển khai

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đúng mục đích, tránh để hoang hóa, lãng phí nguồn tài nguyên, mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định thu hồi và rà soát loạt dự án chậm triển khai. Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới có năng lực tiếp cận đất đai.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 54 dự án chậm triển khai chủ yếu thuộc lĩnh vực nhà ở, khu đô thị; dự án cảng biển, cảng thủy nội địa; các dự án có thuế môi trường rừng… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc dự án chậm triển khai là do gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, nhà đầu tư không có khả năng triển khai thực hiện dự án. Việc các dự án chậm tiến độ đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời làm lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư và ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thanh Hóa có thêm cụm công nghiệp gần 210 tỷ đồng

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định số 1528/QĐ-UBND về việc thành lập cụm công nghiệp Thuần Lộc tại xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc. Dự án có diện tích gần 24ha, tổng mức đầu tư tạm tính gần 210 tỷ đồng. Theo quyết định, dự án sẽ hoàn thành xây dựng khu điều hành quản lý cụm công nghiệp, tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp vào thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; hoàn thành công trình, vệ sinh và bàn giao công trình đưa vào sử dụng từ quý 1/2027 đến hết quý 3/2027.

Ngành nghề hoạt động chủ yếu bao gồm: Sản xuất may mặc và giày da, nội thất, điện, điện tử, sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; phụ tùng ô tô, sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thức ăn gia súc, gia cầm, vật liệu xây dựng,...

Hải Dương: Triển khai xây dựng đề án khu kinh tế chuyên biệt tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện

Tại phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 4 (lần 2), Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo nhiệm vụ, đề cương lập đề án khu kinh tế chuyên biệt. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, phạm vi của khu kinh tế chuyên biệt có quy mô khoảng 5.300ha thuộc các huyện Bình Giang, Thanh Miện.

Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhất trí với đề cương, nhiệm vụ đề án khu kinh tế chuyên biệt do Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất. Khu kinh tế chuyên biệt được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của tỉnh nên sở cần lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để bảo đảm xây dựng đề án chất lượng. Hồ sơ đề án khu kinh tế chuyên biệt phải hoàn thành trước tháng 7/2024.

Nghệ An tìm nhà đầu tư "rót" hơn 500 tỷ đồng làm Khu nhà ở tại Cửa Lò

Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An vừa công bố danh mục Dự án, qua đó tìm nhà đầu tư thực hiện Khu nhà ở tại phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò có tổng chi phí thực hiện hơn 510 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 24,6 tỷ đồng.

Dự án có tổng diện tích sử dụng đất gần 12ha. Quỹ đầu tư gồm xây dựng đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt: mô Khu thương mại dịch vụ, khu nhà ở xã hội, nhà văn hóa, trường mầm non, khu cây xanh, mặt nước, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kỹ thuật.

Một góc thị xã Cửa Lò (Ảnh: Đ.T)

Một góc thị xã Cửa Lò (Ảnh: Đ.T)

Thanh Hóa tìm nhà đầu tư cho Khu dân cư mới 250 tỷ đồng

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 1643/QĐ- UBND ngày 23/04/2024 về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư mới Nam Đồng Nẫn 3, thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn với quy mô sử dụng đất 9,07ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 250 tỷ đồng.

Dự án nhằm mục tiêu cụ thể hóa đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 khu dân cư mới Nam Đồng Nẫn 3, thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn. Hình thành khu dân cư mới, tăng quỹ nhà ở, giảm áp lực nhà ở cho khu vực, góp phần giải quyết an sinh, ổn định và hiện đại hóa xã hội. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tăng nguồn thu cho ngân sách từ việc khai thác quỹ đất.

Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa giới hành chính thị trấn Triệu Sơn và xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn, có vị trí như sau: Phía đông giáp khu dân cư mới Nam Đồng Nẫn 2 và đất nông nghiệp; Phía tây giáp khu văn hóa - thể thao huyện, đất cây xanh đô thị; Phía nam giáp đất nông nghiệp và dân cư hiện trạng; Phía bắc giáp tuyến đường số 1 dự án BT, khu văn hóa - thể thao huyện, khu dân cư mới Nam Đồng Nẫn 2.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top