Aa

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương họp bàn về việc sửa đổi Thông tư 06

Thứ Tư, 16/08/2023 - 17:20

Ngày 16/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành văn bản số 746/TTg- KTTH về “Các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp”, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Thông tư 06 và Thông tư 03.

Văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cùng các Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Văn bản nêu rõ, qua phản ánh của các chủ thể chịu tác động và các cơ quan báo chí, các chuyên gia; đồng thời để tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo:

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, bảo đảm chính sách khi ban hành phải đúng, trúng, không cản trở sự phát triển và phù hợp, kịp thời xử lý vướng mắc, giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023, báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8/2023.

Cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng trước sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Trước đó, cộng đồng doanh nghiệp và nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra những điểm bất cập của Thông tư 06 và lo ngại, nếu được thông qua, thay vì hỗ trợ, Thông tư này một lần nữa “siết” nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp bất động sản.

Trao đổi với Reatimes, ông Trần Đại Nghĩa, Chuyên gia chính sách Pháp lý dự án Đầu tư, CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam (FIIVN) cho biết, theo pháp luật về đầu tư thì không có khái niệm “dự án đầu tư đủ điều kiện đưa vào kinh doanh”, chúng ta chỉ có quy định về điều kiện với các bất động sản đưa vào kinh doanh. Theo tôi, có thể ý kiến của người soạn thảo ở đây là các dự án đầu tư đủ điều kiện kinh doanh chính là các dự án này phải đáp ứng các quy định pháp luật để có thể được nghiệm thu, đưa vào sử dụng, kinh doanh.

Nếu hiểu theo nghĩa này thì các dự án đầu tư đủ điều kiện đưa vào kinh doanh cơ bản phải thực hiện xong các thủ tục pháp lý: (1) Chấp thuận chủ trương đầu tư; (2) Phê duyệt quy hoạch chi tiết; (3) Thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Hiện nay rất nhiều dự án chưa thực hiện xong các thủ tục này hoặc quá trình thực hiện gặp vướng mắc, chưa đáp ứng các điều kiện để bước sang giai đoạn kinh doanh. Nên về mặt nguyên tắc, các dự án đầu tư này chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Ví dụ, dự án bất động sản chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai, bản chất quỹ đất của dự án vẫn có thể đang là đất nông nghiệp chưa được nhà nước giao đất, nếu đem đi kinh doanh, huy động vốn là trái quy định.

Vì vậy, với việc Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định không cho vay vốn đối với các “dự án đầu tư không đủ điều kiện kinh doanh”, thì điều cần nhất lúc này là các cơ quan quản lý nhà nước phải có văn bản làm rõ nội hàm thế nào là “dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh”, nếu không doanh nghiệp BĐS sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, hoặc các dự án đã được cấp tín dụng trước đây có khả năng phải bổ sung thêm tài sản bảo đảm để có thể tiếp tục vay thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP.INVEST, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đánh giá, Thông tư 06 còn có điểm chưa rõ ràng.

Cụ thể, khoản 9, điều 8 quy định không cho vay góp vốn đối với “các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh”. Nhưng trường hợp các dự án không đủ điều kiện pháp lý thì quy định đã rất chính xác bởi mặc nhiên các dự án này không đủ điều kiện để đưa vào khai thác. Tuy nhiên, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản đều cho phép chủ đầu tư bán nhà ở hình thành trong tương lai khi đủ điều kiện theo quy định, đây là đặc thù của bất động sản Việt Nam.

Đã có nhiều ý kiến đóng góp về việc điều chỉnh quy định tại Thông tư 06 cho phù hợp với thực tiễn để tổ chức tín dụng dễ hiểu, dễ làm và các chủ đầu tư không gặp trở ngại khi đề xuất vay tín dụng, đơn cử như dự án PPP chỉ cần đủ pháp lý chứ không phải đủ điều kiện kinh doanh.

“Do vậy, nếu chúng ta hiểu không chính xác câu chữ trong quy định tại Thông tư 06 thì tự nhiên nguồn tín dụng này bị thắt chặt lại, trở nên rất khó cho các chủ đầu tư", ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng trước sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và hy vọng, Thông tư 06 sẽ được sửa đổi, bổ sung kịp thời trước ngày có hiệu lực 1/9/2023.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top