Aa

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp

Thứ Hai, 01/08/2022 - 13:20

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Vừa qua, tôi có đến thăm công nhân ở nhiều địa phương thì thấy nhiều khu nhà ở công nhân vẫn rất chật hẹp, khó khăn".

Sáng 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì “Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp”. Đây là hội nghị hết sức quan trọng và ý nghĩa đối với thị trường nhà ở giá rẻ hiện nay.

Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành chức năng, đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Hội nghị có sự tham gia trực tuyến của lãnh đạo các địa phương nơi có nhu cầu cao về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cùng với các doanh nghiệp tại nhiều điểm cầu trên cả nước.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp, những chính sách về nhà ở xã hội đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình thu nhập thấp cải thiện vấn đề nhà ở, thỏa mãn giấc mơ "an cư lạc nghiệp".

Tuy nhiên, do nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp có nhu cầu quá lớn, chiếm đến 70-80% nhu cầu của người dân, nên việc phát triển loại hình nhà ở này thời gian qua còn nhiều hạn chế, cung không theo kịp cầu. Vì vậy, đã đến lúc đặt ra vấn đề thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội một cách quyết liệt hơn.

"Không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển"

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là Hội nghị hết sức quan trọng và ý nghĩa. Hội nghị nhằm cụ thể hóa một bước chủ trương của Đảng về chăm lo nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đây là hội nghị hết sức ý nghĩa, nhằm cụ thể hóa một bước chủ trương của Đảng về chăm lo nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp (Ảnh: VGP)

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, muốn phát triển công nghiệp cần nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố con người. 

"Vừa qua, tôi có đến thăm công nhân ở nhiều địa phương thì thấy nhiều khu nhà ở công nhân vẫn rất chật hẹp, khó khăn. Các chủ nhà trọ cũng có nhiều cố gắng và chia sẻ, nhưng các giải pháp cho vấn đề nhà ở công nhân còn tự phát, chưa triển khai bài bản, các khu nhà ở chưa đáp ứng yêu cầu về không gian, vệ sinh,  môi trường… Một trong những quyền của con người là có chỗ ở. Chúng ta đã có cố gắng về vấn đề nhà ở công nhân nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Nhưng đây cũng là thực tế khách quan của một nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, đi lên từ một nước nghèo nàn lạc hậu sau nhiều năm bị tàn phá bởi chiến tranh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân lao động, như: Miễn tiền sử dụng đất; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ: Muốn phát triển công nghiệp cần nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố con người. (Nguồn: Tạp chí Kiến trúc)

Thủ tướng cũng nêu rõ, thực tiễn cho thấy đa số các nước đều có chính sách nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp, như cho mua và thuê nhà ở xã hội. Người công nhân khi vừa bắt đầu làm việc thì không thể mua ngay được nhà ở, nên phải có các chính sách như thuê, mua trả góp hỗ trợ. 

"Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần và không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội cấp bách

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành gần 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Đây là kết quả đáng ghi nhận, một số địa phương, doanh nghiệp làm tốt vấn đề chăm lo nhà ở cho công nhân.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của công nhân lao động, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động vẫn rất cấp bách; cơ chế chính sách và quá trình thực thi bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà  ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Hiện đang triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tóm tắt về triển khai thực hiện và đề xuất giải pháp thúc đẩy chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (Ảnh: VGP)

Trong đó, đã hoàn thành 75 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 93.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4,6 triệu mvà đang tiếp tục triển khai 274 dự án, quy mô xây dựng khoảng 293.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 14,6 triệu m2.

Đồng thời, đã hoàn thành 126 dự án nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3,1 triệu m2, đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.000 căn hộ, tổng diện tích 8 triệu m2.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp vẫn chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn cùng như yêu cầu đặt ra, do đó việc phát triển nhà ở xã hội cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Văn Tuấn cho biết, giai đoạn 2016-2020, TP. Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu m2 sàn và 52 dự án đang triển khai với khoảng 4,14 triệu m2 sàn. Nhà ở xã hội ở Hà Nội được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội. Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang triển khai 05 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) hiện đại với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ.

Bên cạnh đó, chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm 2021-2025 đã được được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, trên cơ sở đó xác định nhu cầu và tổng nhu cầu sàn nhà ở xã hội đến 2030 trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng.

Hội nghị này là một dịp để đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua và định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. (Ảnh: VGP)

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - ông Trần Hoàng Quân cũng cho biết, trong giai đoạn 2006-2020, TP.HCM đã xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, hầu hết đều do các doanh nghiệp của thành phố xây dựng.

Trong khi đó, quy mô dân số TP. HCM trong giai đoạn từ 2021-2025 dự kiến tăng 1 triệu người, tức là trong một nhiệm kỳ, quy mô dân số đang là 1 triệu dân. Như vậy trong thời gian tới, quy mô dân số đến năm 2030, tăng 11,3 triệu dân, bình quân mỗi năm tăng 200.000 dân.

Nhu cầu về nhà ở xã hội của TP.HCM cũng đã được Bộ Xây dựng thẩm định chương trình và thành phố đã phê duyệt. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, thành phố đã xây dựng 35.000 căn hộ xã hội trên địa bàn. Giai đoạn 2026-2030, xây dựng 58.000 căn. Như vậy từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội, trong đó dành 25% cho nhà ở công nhân và nhà cho thuê.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh cũng như cả nước, cần tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chủ trương này, Thủ tướng đã có những chỉ đạo quyết liệt tại Hội nghị: "Chúng ta không thể làm tất cả các việc cùng lúc, nhưng việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đã đến lúc phải làm, góp phần thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Tôi đã chỉ đạo các cơ quan sắp tới triển khai các hội nghị để vừa phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định, bền vững, lâu dài, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ chuyển đổi này, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hội nghị này là một dịp để đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua và định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới".

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong thời gian ngắn, động lực nào để chúng ta tạo ra sự đột phá trong bối cảnh nhu cầu rất cao của một nền kinh tế đang phát triển nhanh, trong đó có việc bảo đảm cân đối lớn về lao động, bao gồm vấn đề nhà ở cho người lao động. Tôi mong muốn sau Hội nghị sẽ có chuyển biến thực sự về vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp".

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top